Bắn "đạn bọc đường" mua chuộc quan chức

Sau khi lộ bộ mặt thật, Escobar trở nên nổi tiếng khắp thế giới và được nơi đến như một ông trùm buôn bán ma túy lớn nhất hành tinh.

>> Kỳ 1: Chuyện đời bất hảo của trùm ma túy Escobar

>> Kỳ 2: Trải tiền lót quan hệ

Điều này quả không sai vì khi đó, chiếc vòi bạch tuộc của Cartel de Medellin không chỉ cắm vào và kiểm soát phần lớn thị phần ma túy ở Mỹ, Mêhicô, Puêclô Ricô, Đôminicana, Pêru và Bôlivia, mà còn lan sang rất nhiều nước khu vực khác, gồm cả châu Á.

Mùa thu năm 1983, Côlômbia phát lệnh truy nã Escobar cùng nhiều tay chân thân tín của hắn. Tân Bộ trưởng Tư pháp Côlômbia Lara tuyên bố nếu bị bắt, Escobar có thể sẽ được dẫn độ sang Mỹ.

Escobar lập tức chạy sang Panama tị nạn, nhưng vẫn duy trì kênh liên lạc chỉ đạo hoạt động của Cartel de Medellin. Nhằm đối phó với sự tấn công, truy bắt của các lực lượng chức năng Côlômbia, bên cạnh việc sử dụng ám sát như một đòn răn đe, Escobar còn ra lệnh cho đàn em tăng cường thực thi những biện pháp "mềm". Chúng vung tiền hối lộ giới chức chính phủ, sĩ quan cao cấp của quân đội và nhiều vị chánh thẩm tòa án Côlômbia để họ lỏng tay trong việc thực thi pháp luật và trở thành ô che đỡ cho Cartel de Medellin.

Trong một cuộc bố ráp dinh thự của anh em nhà Ochoa, gồm Jorrge Luiis Ochoa Vázquez, Juan David Ochoa Vázquez, những nhân vật cộm cán của Cartel de Medellin, cảnh sát Côlômbia đã thu được một bản danh sách những nhân vật được chúng hối lộ. Nó cho thấy đối tượng mà Cartel de Medellin tiếp cận để dùng tiền mua chuộc rất đa dạng, ngoài quan chức chính phủ, luật sư, cảnh sát, còn có cả hiệu trưởng một số trường đại học.

Việc đưa hối lộ chủ yếu được thực hiện ở hai thành phố: Medellin nằm ở tây bắc Côlômbia và Cartagena de Indiass nằm ở bắc Côlômbia. Chỉ trong hai năm 1985 và 1986, tổng số tiền mà Cartel de Medellin sử dụng vào việc đút lót, xây dựng chỗ dựa đã lên tới 1,5 triệu USD.

Mục đích của Cartel de Medellin không ngoài việc vận động để những kẻ phạm tội buôn bán ma túy không bị dẫn độ sang Mỹ, chỉ bị trừng phạt với mức án nhẹ, thậm chí là được miễn tội và thả tự do. Trên thực tế, những đồng tiền mà Cartel de Medellin bỏ ra đã có hiệu quả nhất định. Năm 1979, Côlômbia và Mỹ ký hiệp ước dẫn độ lẫn nhau. Nhưng hiệp ước này đã gặp phải sự chỉ trích mạnh mẽ ở Côlômbia. Mặc dù nhận được cả đống công hàm ngoại giao của Mỹ, nhưng trong 4 năm sau khi ký hiệp ước trên, các nhà lãnh đạo Côlômbia vẫn chưa ký một lệnh dẫn độ nào.

Bên cạnh đó, cảnh sát và quân đội, thứ vũ khí duy nhất mà chính phủ Côlômbia có trong tay để đấu tranh chống lại hoạt động buôn bán ma túy khi đó ở trong tình trạng "há miệng mắc quai", nên chẳng ai muốn can thiệp vào hoạt động của Cartel de Medellin. Trong giới chính trị, nhiều nhân vật trúng cử thành ông nọ bà kia nhờ những đồng tiền tài trợ của các tập đoàn buôn bán ma túy, trong đó có Cartel de Medellin. Khi có chức quyền, họ hồi đáp lại "ân nhân" bằng cách giữ thái độ im lặng đối với vấn đề ma túy.

Nhờ có tiền dọn đường trước, nên Escobar đi tới đâu cũng có người giúp đỡ. Chuyện kể rằng khi được điều về làm việc tại một cơ quan phòng chống ma túy Côlômbia, trung tá Victor Ferreira đã phát hiện ở sở cảnh sát Cali (thành phố lớn thứ ba của Côlômbia, nằm ở phía tây nam nước này), có một viên trung tá cùng hai cảnh sát viên làm "tay trong" cho Escobar. Ferreira đề nghị viện kiểm sát tiến hành điều tra. Không ngờ sau đó, Ferreira bị điều chuyển sang vị trí mới. Không chịu từ bỏ ý định, Ferreira tiếp tục đề nghị được báo cáo sự việc cho Tổng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia, nhưng vẫn bị bỏ ngoài tai. Cuối cùng sau nhiều lần nỗ lực không thành, cái mà Ferreira nhận được là quyết định phục viên với lý do có vấn đề về thần kinh.

Sự lũng đoạn của các tập đoàn buôn bán ma túy khi đó đã biến Côlômbia trở thành nơi mà các hoạt động bạo lực, khủng bố hoành hoành mạnh nhất Nam Mỹ. Chúng dư tiền để mua và đã mua súng máy kiểu Mỹ, súng trường đầu ngắm hồng ngoại và các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại nhất để đối phó với các lực lượng chức năng Côlômbia.

Trong khi đó, để đấu tranh với các hành vi phạm tội, chính quyền Côlômbia chỉ có 6.000 cảnh sát, 20 xe tuần tra và một phân đội cơ động trang bị vũ khí lạc hậu. Chính vì vậy, vào đầu năm 1978, báo chí Côlômbia đưa tin: Tội phạm ma túy đã làm cho cả nước hoảng sợ. Chính quyền không thể đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho công dân.

Sự yếu thế về trang bị vũ khí của các lực lượng chức năng so với bọn tội phạm ma túy đã làm nảy sinh không ít chuyện nực cười. Trong đó có việc cảnh sát tỉnh Gujira nhận được lệnh: Nhằm tránh những tổn thất không cần thiết, cố gắng tới mức tối đa việc xung đột vũ trang với các phần tử buôn bán ma túy. Và việc cảnh sát tỉnh Magdalena bắt được một số tên tội phạm buôn bán ma túy quan trọng, nhưng chỉ giữ được khoảng 8 tiếng đồng hồ, sau đó đành phải nhìn cảnh đồng bọn của chúng xách súng tiểu liên đến cướp người đi ngay trước mắt...

Theo Nam Khánh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.