Bị bán làm 'con dâu nuôi từ bé', hàng vạn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm cha mẹ

Bé thì hầu hạ cả nhà bố mẹ nuôi, lớn lên bị ép làm con dâu của họ, hàng chục nghìn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm lại cha mẹ ruột để hỏi vì sao lại bán họ đi.

Hu Jinxiang (50 tuổi, Phúc Kiến, Trung Quốc) là một trong những "tong yang xi" (đồng dưỡng tức) - con dâu nuôi từ bé - ở Trung Quốc. Nhiều gia đình nghèo khó ở nước này "mua" một bé gái về nuôi để sau làm vợ cho con trai mình. Đó là những gia đình không đủ tiền trả sính lễ theo phong tục cưới hỏi thông thường - một số tiền rất lớn, vì vậy tìm một bé gái được coi là giải pháp. 

Mấy thập kỷ trôi qua, Hu, cũng như nhiều nàng dâu nuôi từ bé khác - với vô số vết sẹo in hằn lên lưng và trong ký ức - đang hy vọng tìm lại cha mẹ ruột của mình.

Bé làm đầy tớ, lớn làm con dâu

Hu Jinxiang cho biết chị bị bán làm con nuôi lúc 7 tuổi với cái giá chỉ 105 nhân dân tệ (khoảng 370 nghìn đồng theo tỷ giá hiện nay) và bị bố mẹ nuôi đối xử như người hầu. Hu không được đi học, phải phục vụ cả gia đình trong công việc nội trợ và làm cả việc đồng áng.

Năm 16 tuổi, Hu bị ép kết hôn với chính anh trai nuôi của mình. Lúc đầu, cô gái trốn tránh bằng cách cố tình ngủ trong phòng riêng khóa chặt. Dần mất hết sự kiên nhẫn, Tết Nguyên đán năm đó, "chồng" và bố nuôi đã phá cửa phòng cô. 

Hiện tại, Hu Jinxiang có 3 người con. "Tôi cảm thấy ghê tởm mỗi khi chồng, hay nói các khác là anh nuôi chạm vào tôi. Không có cách nào gột rửa đi cảm giác đó", Hu chia sẻ.

Bị bán làm con dâu nuôi từ bé, hàng vạn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm cha mẹ-1
Hu Jinxiang không giấu được nước mắt tại sự kiện đoàn tụ dành cho những "cô dâu nuôi từ bé" muốn tìm lại cha mẹ ruột.

Hủ tục nuôi tong yang xi đã bị pháp luật cấm vào năm 1950 nhưng vẫn âm thầm tồn tại ở miền núi. Trong khoảng thời gian từ những năm 1970 đến những năm 1990, ước tính có khoảng 30 nghìn đến 100 nghìn bé gái được bán cho các gia đình ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Những cô con gái nuôi thường bị gia đình đã mua mình ngược đãi.

Thời kỳ đó, trong bối cảnh nghèo khó cùng với nạn trọng nam khinh nữ, nhiều gia đình trên khắp Trung Quốc đã bán con gái đi như cách để bớt một miệng ăn. Khi chính sách một con có hiệu lực vào năm 1980, tình trạng bỏ rơi trẻ em gái lại càng trầm trọng thêm.

“Lúc đầu, một bé gái có thể được bán với giá 70 đến 80 nhân dân tệ (250 - 280 nghìn đồng). Sau đó, giá tăng lên hơn 300 tệ (hơn 1 triệu đồng) mỗi bé”, Liu Fengzhi, tay cò mồi buôn bán trẻ em, từng thực hiện hàng trăm giao dịch mua bán con nuôi, cho biết.

Cai Xiuping (34 tuổi, Phúc Kiến) bị bố nuôi - ông Cai Zhenming - mua với giá 200 tệ (khoảng 700 nghìn đồng). Xiuping vẫn nhớ như in cú sốc của mình khi mới 16 tuổi. Sau bữa sáng, mẹ nuôi thông báo rằng cô và anh trai nuôi sẽ kết hôn.

Xiuping kể lại: “Tôi luôn coi anh nuôi là anh trai của mình, và tôi là em gái anh. Lúc đó tôi không hiểu nổi tại sao anh trai và em gái lại kết hôn”.

Đối với một số người đàn ông, việc kết hôn với chị em nuôi không phải là điều họ mong muốn. Cả Cai Xiuping và anh nuôi của cô đều phản đối kịch liệt. Cuối cùng, cô được trao đổi với một tong yang xi khác trong vùng.

Bị bán làm con dâu nuôi từ bé, hàng vạn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm cha mẹ-2
Cai Xiuping có thể đã phải động phòng trên chiếc giường này nếu cô không quyết liệt chống lại cha mẹ nuôi.

Một tong yang xi khác, Huang Shuhong (45 tuổi, Phúc Kiến) được mua với giá 120 nhân dân tệ (khoảng 420 nghìn đồng) khi còn bé. Lúc vừa tròn 16 tuổi, Huang cũng bị ép kết hôn với anh trai nuôi. Cô thiếu nữ cố gắng chạy trốn nhưng đã bị bắt lại, bị đánh đập và nhốt vào nhà kho trong nhiều ngày.

"Những người hàng xóm cũng gây áp lực với tôi. Họ nói rằng tôi có một gia đình tốt và anh trai nuôi cũng rất tốt. Họ không hiểu tại sao tôi lại từ chối cuộc hôn nhân này", Huang hồi tưởng.

Bố mẹ và anh trai nuôi chỉ nhượng bộ sau khi Huang đe dọa tự tử. Mặc dù vậy, việc tìm một người chồng bên ngoài là vô cùng khó khăn. Cô gái chỉ được mai mối với những người đã ly hôn hoặc rất nghèo, đang phải vật lộn để tìm vợ.

Bị bán làm con dâu nuôi từ bé, hàng vạn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm cha mẹ-3
Huang Shuhong chia sẻ với truyền thông về cuộc sống của một cô dâu nuôi từ bé.

"Thân phận của tôi chỉ xứng đáng với những người đàn ông đó", Huang nhớ lại lời mà các bà mai đã nói.

Các cô dâu nuôi từ bé không được đi học nên khi trưởng thành chỉ có thể đảm nhận các công việc nặng nhọc, lương thấp. Họ không chỉ phải vật lộn với hậu quả của tình trạng mù chữ mà còn phải chịu sự kỳ thị của việc bị bỏ rơi. Vòng xoáy nghèo đói, khinh miệt và bạo lực khiến họ mãi mắc kẹt, không có lối thoát.

Một tong yang xi khác cho biết: “Chúng tôi bị đối xử như rác rưởi và sẽ bị vứt bỏ từng người một. Mọi người đều coi thường chúng tôi. Nếu một người đàn ông kết hôn với cô con dâu nuôi từ bé của nhà khác, anh ta cũng bị nói xấu sau lưng. Khi tôi được mai mối với chồng mình, tôi cũng chịu đủ sự khinh thường. Anh ấy nói rằng tôi không được ai chào đón, rằng tôi đã bị cha mẹ vứt bỏ đến hai lần".

Khao khát tìm cha mẹ ruột để hỏi vì sao bị bỏ rơi

Ly dị thường rất khó đối với những tong yang xi muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân ràng buộc mình. Ở Phúc Kiến, có hơn 100 hồ sơ ly hôn được gửi tới tòa án nhưng đa phần bị từ chối trong phiên xét xử đầu tiên.

"Rất khó để một tong yang xi đưa ra bằng chứng chứng minh rằng cuộc hôn nhân của cô đã tan vỡ không thể cứu vãn, bởi lẽ mọi người trong làng đều đứng về phía gia đình chồng. Tất cả các vụ ly hôn mà tôi từng xử lý đều do phụ nữ khởi xướng. Nếu người muốn ly hôn là đàn ông, thường là vì anh ta coi thường cô dâu nuôi từ bé của mình", Li Wenbin, chuyên gia luật tại Phòng tư vấn pháp lý Zhongda cho biết.

Hu Jinxiang, người đến nay vẫn sợ gần gũi chồng, đã quyết định sẽ ly hôn. "Anh ấy nên kết hôn với người khác, một người thực sự thích anh ấy. Cả hai chung sống chỉ đem đến đau khổ cho nhau", người phụ nữ 50 tuổi nói. 

Và giống như nhiều người khác cùng cảnh ngộ, chị vẫn ôm ấp một câu hỏi dai dẳng dành cho cha mẹ ruột: Tại sao họ lại bỏ rơi chị, để chị phải sống một cuộc đời khốn khổ như vậy?

Khi điều kiện kinh tế được cải thiện và chính sách một con kết thúc vào năm 2015, nhiều gia đình từng bỏ rơi con gái mình bắt đầu đi tìm lại người thân.

Tại quận Trường Lạc, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, từ năm 2006 có một nhóm tình nguyện tổ chức các chiến dịch đoàn tụ thường niên. Những sự kiện này thu hút hàng trăm phụ nữ và nhiều gia đình đang tìm kiếm đứa con gái mà họ từng cho đi. Xét nghiệm ADN mang lại hy vọng tìm được người thân thất lạc từ lâu.

Bị bán làm con dâu nuôi từ bé, hàng vạn phụ nữ Trung Quốc khao khát tìm cha mẹ-4
Một tong yang xi và chồng quỳ lạy bố ruột sau nhiều năm xa cách.

Trong số thành viên của nhóm tình nguyện ở Trường Lạc có Chen Yanming, người đã thất lạc em gái vì bị bố mẹ cho đi. Trong quá trình giúp đỡ các tong yang xi tìm kiếm và đoàn tụ với gia đình, anh hy vọng chính mình cũng sẽ tìm được em gái.

"Cha mẹ muốn nuôi tôi, một đứa con trai, vì vậy họ phải cho em ấy đi. Tôi muốn làm công việc tình nguyện này như một cách để vơi đi cảm giác tội lỗi", anh nói.

Cơ sở dữ liệu ADN của nhóm tình nguyện này hiện có khoảng 16.000 mẫu, với 10.000 mẫu từ những đứa con gái bị bỏ rơi và 6.000 nghìn mẫu từ các bậc cha mẹ.

“Cho đến nay, chúng tôi đã có khoảng 800 kết quả trùng khớp. Thật đáng tiếc khi em gái tôi vẫn chưa được tìm thấy”, một tình nguyện viên khác cho biết.

Thời gian đang cạn dần đối với những người phụ nữ đang tìm kiếm cha mẹ ruột của mình. Các bậc phụ huynh đang già đi và sẽ dần qua đời, khả năng đoàn tụ sẽ giảm dần, và các tong yang xi ngày càng khó tìm thấy câu trả lời cho tất cả những gì mà họ phải chịu đựng bao năm qua. 

“Các con tôi đã lớn. Giờ đây, tôi chỉ muốn biết mình đến từ đâu và mong sớm tìm lại được bố mẹ của mình. Tôi không mong thay đổi cuộc sống nữa, một khi đã là tong yang xi thì mãi mãi là tong yang xi. Không điều gì thay đổi được nó. Nếu kiếp sau tôi vẫn phải làm con dâu nuôi từ bé, tôi thà không làm người", Huang chia sẻ.

Theo VTCnews

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/bi-ban-lam-con-dau-nuoi-tu-be-hang-van-phu-nu-trung-quoc-khao-khat-tim-cha-me-ar906768.html

con dâu

con nuôi

Trung Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.