Bí mật động trời về “kẻ giấu mặt” trong vụ 11/9

13 năm sau vụ khủng bố, Mỹ vẫn giấu kín thông tin về "kẻ giấu mặt" đã giúp đỡ bọn không tặc tấn công.

13 năm sau vụ khủng bố, Mỹ vẫn giấu kín thông tin về "kẻ giấu mặt" đã giúp đỡ bọn không tặc tấn công.
Theo Trí Dũng (Khampha.vn)
 
Ngày 11/9, nhân kỷ niệm 13 năm diễn ra vụ khủng bố chấn động nước Mỹ năm 2001, tờ Aljazeera có trụ sở ở Qatar cho hay vụ tấn công kinh hoàng này vẫn còn tồn tại một bí mật động trời rất ít người biết đến về ít nhất một quốc gia đã hậu thuẫn cho 19 kẻ không tặc tấn công nước Mỹ.
 
Một năm sau khi diễn ra vụ khủng bố đẫm máu đó, Ủy ban Tình báo Thượng viện-Hạ viện Mỹ đã thực hiện một bản báo cáo chính thức dày 28 trang về sự ủng hộ của chính phủ nước ngoài đối với những kẻ khủng bố, và cho đến nay báo cáo này vẫn chưa được giải mật. Hiện gia đình các nạn nhân vụ 11/9 đang cố gắng gây sức ép để chính phủ Mỹ công bố bí mật động trời trong một trong những thảm kịch khủng khiếp nhất nước Mỹ.
 

Nước Mỹ chấn động vì vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001

 
Trong bản báo cáo trên, phần nói về “sự hậu thuẫn của chính phủ nước ngoài” đã bị cựu Tổng thống George W. Bush xếp vào diện thông tin mật vì lý do an ninh quốc gia. Sau này, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã từng hứa sẽ giải mật báo cáo này, tuy nhiên đến nay lời hứa đó vẫn chưa thành hiện thực.
 
Âm mưu hiểm độc
 
Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 là vụ tấn công tồi tệ nhất nhắm vào lãnh thổ nước Mỹ trong lịch sử, khi 4 chiếc máy bay bị bọn không tặc khống chế và cho lao vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania.
 
Vụ khủng bố này đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Mỹ chỉ trong một ngày, và cho đến nay, nhóm Liên hiệp Gia đình đòi Công lý trước Khủng bố (FUJAT) đại diện cho hơn 9.000 người thân của nạn nhân vẫn đang tiếp tục đấu tranh đòi lại công bằng cho những người đã thiệt mạng.
 

Gần 3000 người Mỹ đã thiệt mạng trong vụ tấn công

 
FUJAT cho rằng những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan không thể thực hiện được các vụ tấn công vào nước Mỹ nếu không nhận được nguồn hỗ trợ và tiền bạc dồi dào từ chính phủ nước ngoài, và họ muốn Mỹ phải công khai đưa “kẻ giấu mặt” đó ra trước ánh sáng.
 
Năm 2003, một nhóm gồm 46 thượng nghị sĩ Mỹ cũng đã tìm cách yêu cầu chính phủ giải mật bản báo cáo trên, tuy nhiên nỗ lực của họ đã thất bại một cách khó hiểu. Nhưng họ vẫn không từ bỏ nỗ lực của mình, và đến nay vẫn tiếp tục yêu cầu chính phủ công bố thông tin mật trên.
 
Thượng nghị sĩ Stephen Lynch tuyên bố: “Tôi cho rằng bản báo cáo 28 trang đó sẽ là một thông tin chấn động vì nó công khai quá trình lên kế hoạch, hỗ trợ tài chính cho vụ tấn công vào hôm đó, dù đó là các cá nhân, hay cơ quan chính phủ hay các đặc vụ của nước ngoài”.
 
Phần bị khuyết của lịch sử
 
Cho đến nay, chỉ có những nghị sĩ được Ủy ban Tình báo Thượng viện và Hạ viện Mỹ cho phép mới được tiếp cận với bản báo cáo trên. Sau khi được phê chuẩn, họ sẽ được các sĩ quan tình báo đưa tới một căn phòng được cách âm đặc biệt để đọc bản báo cáo mật dưới sự giám sát chặt chẽ của một nhân viên tình báo để đảm bảo rằng không thông tin nào được ghi chép lại. Bởi vậy, cho đến nay không hề có một chút thông tin nào trong báo cáo trên đến được với công chúng.
 

Kết quả điều tra về sự liên quan của chính phủ nước ngoài vẫn đang bị giữ kín

 
Nghị sĩ Thomas Massie, người từng được đọc bản báo cáo trên, nói rằng những thông tin mật trong đó là “vô cùng sốc”. Ông kể: “Cứ mỗi lần lật trang là tôi phải dừng lại để đỡ sốc, để có thể sắp xếp lại những điều mà tôi biết được về lịch sử 13 năm qua và những năm trước đó. Nó sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại về mọi thứ”.
 
Cáo buộc
 
Cựu Thượng nghị sĩ Bob Graham, người đồng chủ trì cuộc điều tra chung của Thượng viện và Hạ viện Mỹ năm 2002, đã nhiều lần thúc giục Nhà Trắng công bố bản báo cáo mật, và ông này cũng đã có lần cáo buộc Arập Xê-út có liên quan đến vụ tấn công 11/9.
 
Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar là hai tên không tặc đầu tiên nhập cảnh vào Mỹ từ tháng 1/2000. Họ nhanh chóng kết bạn với một người Arập Xê-út tên là Omar al-Bayoumi để nhờ anh ta thuê một căn hộ ở San Diego.
 

Hai đối tượng Nawaf al-Hazmi và Khalid al-Mihdhar nhập cảnh vào Mỹ năm 2000

 
Cựu Thượng nghị sĩ Graham cho rằng Bayoumi chính là một “mật vụ của chính phủ Arập Xê-út” và người này đã “hỗ trợ trực tiếp” cho hai tên không tặc trên.
 
Tuy nhiên, cáo buộc trên của ông Graham đã bị Hoàng tử Bandar bin Sultan, đại sứ Arập Xê-út tại Mỹ bác bỏ trong một tuyên bố năm 2003. Hoàng tử Bandar nói: “Cáo buộc chính phủ Arập Xê-út cung cấp tiền, tổ chức hay thậm chí là biết về vụ 11/9 là ác ý và hoàn toàn sai sự thật”.
 
Arập Xê-út cũng đã kêu gọi chính phủ Mỹ giải mật bản báo cáo 28 trang nói về sự hậu thuẫn của chính phủ nước ngoài trên. Ông Bandar tuyên bố: “Chúng tôi không che giấu điều gì. Chúng tôi có thể trả lời những câu hỏi của công chúng, nhưng không thể làm gì với những báo cáo mật bị che giấu”.
 
Giải mã bí mật
 
Vậy chính phủ nước ngoài nào đã đứng đằng sau hậu thuẫn cho những kẻ khủng bố tấn công nước Mỹ cách đây 13 năm? Câu trả lời chính xác chỉ có thể có được sau khi Mỹ công bố bản báo cáo mật trên.
 
Liên hiệp Gia đình đòi Công lý trước Khủng bố cho rằng việc tìm ra phần còn thiếu trong lịch sử nước Mỹ liên quan đến vụ 11/9 là một yêu cầu cấp thiết của mỗi người dân nước này, để họ có thể biết được sự thật về “kẻ giấu mặt” đã giúp bọn không tặc sát hại người thân của họ.
 

Người dân Mỹ đang yêu cầu chính phủ sớm giải mật báo cáo

 
Ông Steven Aftergood, quan chức giám sát các thông tin mật của chính phủ tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ cho rằng dù báo cáo trên có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của Mỹ, việc giải mã bí ẩn động trời về vụ 11/9 còn quan trọng hơn nhiều.
 
Ông nói: “Trong các trường hợp khác, chúng ta có lý do để tiếp tục giữ bí mật. Nhưng trong trường hợp này, yêu cầu giải mật thông tin nền về vụ 11/9 là rất quan trọng và cần phải được thực hiện sớm. Dù sớm hay muộn, thông tin đó cũng phải được công bố, thế nên sớm sẽ tốt hơn là muộn”.
 


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.