Giá dầu giảm không cứu được kinh tế

IMF dự báo GDP thế giới tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,7% trong năm 2016

IMF dự báo GDP thế giới tăng trưởng 3,5% trong năm nay và 3,7% trong năm 2016

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hôm 20-1 mạnh tay hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đồng thời khẳng định giá dầu sụt giảm không thể cứu các nền kinh tế suy yếu trên toàn cầu.

Theo IMF, triển vọng mờ nhạt hơn từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… và khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ kìm tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,5% trong năm nay và 3,7% trong năm 2016. Mức tăng trưởng này thấp hơn 0,3% so với dự báo hồi tháng 10-2014 của IMF, phản ánh rõ nét sự suy giảm của kinh tế nhiều nước do đầu tư đi xuống, thương mại đình trệ và giá tiêu dùng giảm mạnh. Dù vậy, dự báo mới nhất của IMF vẫn lạc quan hơn nhiều so với công bố tương tự của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tuần trước, trong đó kinh tế toàn cầu được cho là sẽ chỉ tăng 3% trong năm nay và 3,3% trong năm 2016.

 

IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,6% trong năm 2015 Ảnh: Bloomberg
IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,6% trong năm 2015 Ảnh: Bloomberg  

Dự báo của IMF cho thấy tăng trưởng của Mỹ, vốn vừa trở lại với vai trò cầm lái đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, sáng sủa hơn cả với mức tăng từ 3,1% lên 3,6% trong khi châu Âu tiếp tục vật lộn với câu chuyện lạm phát. Thêm vào đó, vấn đề đầu tư sụt giảm phủ bóng đen lên những yếu tố tích cực như giá dầu thấp, các chính sách kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu…, góp phần kéo dự báo tăng trưởng của Eurozone từ 1,3% xuống còn 1,2% trong năm 2015.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng của Bắc Kinh được dự báo sẽ tiếp đà đi xuống sau khi chạm mốc tăng trưởng thấp nhất trong vòng 24 năm qua vào năm 2014. Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 20-1 cho biết tăng trưởng kinh tế nước này năm 2014 chỉ đạt 7,4%, thấp hơn mục tiêu 7,5% do chính phủ đề ra. Đây là lần đầu tiên từ năm 1999, nền kinh tế số 2 thế giới không đạt mục tiêu tăng trưởng của chính phủ. Bắc Kinh dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay xuống 7% trong khi IMF dự báo nước này chỉ tăng trưởng 6,8% trong năm 2015 và 6,3% trong năm 2016. “Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại sẽ tác động tiêu cực lên các đối tác thương mại của nước này, đặc biệt là ở châu Á” - ông Oliver Blanchard, nhà kinh tế học hàng đầu của IMF, cảnh báo.

Đối với Nhật Bản, IMF cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế của Tokyo không đạt hiệu quả như mong đợi nên tăng trưởng kinh tế sẽ dừng lại ở 0,6% trong năm nay và lên mức 0,8% vào năm 2016. Trong khi đó, Nga có thể tổn thương đáng kể do giá dầu tụt dốc kèm theo sức nặng từ lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới chiến sự tại Ukraine. IMF cho biết kinh tế Nga sẽ giảm 3,5% trong năm nay và giảm 1,5% năm 2016.

Cũng theo IMF, nhóm ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam) cũng bị hạ dự báo tăng trưởng năm nay và năm tới, xuống lần lượt 5,2% và 5,3%. Riêng Malaysia hôm 20-1 đã tự hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 xuống còn 4,5%-5,5% từ mức dự kiến 5%-6% đưa ra trước đó và công bố một loạt biện pháp khắc khổ sau khi giá dầu giảm buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu. Quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu Á cũng nâng mức dự báo lạm phát trong năm tài chính lên mức 3,2%. Nước này còn phải đối mặt với những vấn đề không kém phần nan giải về nợ hộ gia đình, giá cả leo thang và thâm hụt tài khoản vãng lai.

 

204 triệu người thất nghiệp năm 2015

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 20-1 dự báo số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ tăng lên 212 triệu người vào năm 2019, so với 201 triệu người năm 2014, do kinh tế tăng trưởng chậm. Riêng số người thất nghiệp trong năm 2015 sẽ tăng thêm 3 triệu người. Theo cảnh báo của ILO, sự gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ có thể gây thêm nhiều bất ổn xã hội.

 

Theo Thu Hằng
Người Lao Động



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.