Gió rít, nước dâng, lửa cháy ở tâm bão Haiyan

"Vào lúc cao điểm của cơn bão, tiếng gió gào thét bên tai thật ghê rợn. Nước tràn vào khắp mọi nơi. Những người ở tầng một khách sạn trèo qua cửa sổ để thoát thân", James Reynolds, một nhà quay phim trong bão ở Philippines kể lại.

"Vào lúc cao điểm của cơn bão, tiếng gió gào thét bên tai thật ghê rợn. Nước tràn vào khắp mọi nơi. Những người ở tầng một khách sạn trèo qua cửa sổ để thoát thân", James Reynolds, một nhà quay phim trong bão ở Philippines kể lại. 


Một góc hoang tàn của thành phố Tacloban sau bão. Ảnh: AFP

Nhà quay phim người Anh James Reynolds và nhóm sản xuất Earth Uncut Productions từ văn phòng ở Hong Kong đến Tacloban hôm 7/11. Ban đầu, họ chọn một khách sạn nhỏ sát bờ sông, rồi chuyển đến một khu nghỉ dưỡng bãi biển, nhưng sau đó phải rời khỏi cả hai nơi này khi nhận được thông tin về sức mạnh của cơn bão sắp đổ bộ. 

Cuối cùng, họ đến một khách sạn xây bằng bê tông khá kiên cố, ở sâu trong đất liền 8 km, có thang máy di chuyển qua 4 tầng, và nằm khá cao so với mực nước biển dự kiến tràn vào thành phố. 

Cả nhóm quay phim đã may mắn khi lấy được phòng còn trống cuối cùng ở tầng 4 khách sạn. Thậm chí nếu không có chỗ trọ, họ cũng sẽ qua đêm ở hành lang tầng 4, miễn là có nơi trú ngụ an toàn.

"Vào lúc cao điểm của cơn bão, tiếng gió gào thét bên tai thật ghê rợn. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng va đập của những mảnh rác bay trong không trung. Có lúc, cả khách sạn làm bằng bê tông kiên cố này rung chuyển", nhà quay phim kể lại.

Reynolds và cả nhóm đã quay được hình ảnh nước lũ dâng lên. Các vị khách ở tầng một được di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm bằng cách ngồi trên những chiếc đệm nổi. Một bà cụ được những người tốt bụng đẩy đi giữa biển nước cao ngang thắt lưng.

Những người ở tầng một không thể mở cửa do nước dâng cao, nên họ phải trèo qua cửa sổ để thoát thân. Một phóng viên của CNN cũng tham gia giúp đỡ. 

"Đó thực sự là lúc phải hạ camera xuống, chúng tôi ra ngoài và giúp mọi người, nếu không họ có thể bị chết đuối", Reynolds nói. "Nước tràn vào khắp mọi nơi, cả trong trung tâm khách sạn. Camera của tôi cũng chết đứng. Tất cả pin cạn kiệt và không có điện". 

Từ năm 2005, Reynolds và nhóm sản xuất thuộc Earth Uncut Productions của anh đã quay phim 35 cơn bão, một vài trận núi lửa, trong đó có thảm họa núi lửa Merapi ở Indonesia năm 2010. Họ cũng từng ghi lại những hình ảnh thảm khốc sau trận sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Tuy nhiên, Haiyan là cơn bão khủng khiếp nhất mà Reynolds từng săn đuổi.

"Không có gì nghi ngờ đây là điều thảm khốc nhất mà tôi từng tận mắt chứng kiến", Reynolds nói. "Thực sự trải qua thiên tai khi nó diễn ra, rồi ở lại để nhìn thấy hậu họa của nó là trải nghiệm không gì có thể thể so sánh. Có lẽ đây là lần duy nhất trong đời tôi".


Cảnh tượng giải cứu các nạn nhân khi nước lũ tràn vào khách sạn mà Reynolds đang trú ngụ. Ảnh chụp màn hình

"Bộ phim thảm họa"

Là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận, siêu bão Haiyan đã nhấn chìm cả thành phố cảng miền trung Tacloban xuống biển nước. Tuy nhiên, vào tối ngày 8/11, khi Reynolds đang đứng trên mái khách sạn, một màu đen bao trùm lấy thành phố, anh thấy bầu trời bỗng nhiên sáng rực. 

"Thành phố đang bốc cháy. Một cảnh tượng siêu thực", nhà quay phim nói. 

"Nước, nước, nước có ở khắp mọi nơi, nhưng vẫn không đủ để dập tắt ngọn lửa", Reynolds kể. "Một đợt sóng biển tràn vào, theo sau là một biển lửa".

Một thương gia hộc tốc dùng xô hất nước vào đám cháy trong cửa hàng của mình, nhưng vô ích.

"Một dãy nhà của thành phố chìm trong lửa, một ngọn lửa dữ dội không thể kiểm soát", Reynolds nói qua điện thoại từ Philippines. "Thú thực tôi cảm thấy cảnh tượng này giống như một bộ phim thảm họa. Thật tồi tệ, dường như không thể có thật".

Dù đã có kinh nghiệm "chinh chiến" với thiên tai ở khắp thế giới, nhóm quay phim của Reynolds vẫn không tránh khỏi những tai nạn. Một thành viên bị vết thương sâu đến 15 cm ở chân. 

Cả nhóm may mắn lên được một trực thăng để đến sân bay Tacloban. Các con đường đều không đi lại được vì cây cối và cột điện đổ ngổn ngang. Từ sân bay, quân đội Philippnes đã cho họ quá giang một chuyến đến thành phố Cebu để chữa trị vết thương hôm 9/11.

Cơn bão cũng phá hỏng hầu hết thiết bị quay phim của Reynolds, vì thế anh phải dùng một máy quay dự trữ nhỏ và thậm chí còn dùng cả điện thoại của mình để ghi lại cơn lũ giống như đại hồng thủy trong kinh thánh ở Tacloban, cho đến khi pin của nó cũng cạn kiệt.

Cả nhóm không có lựa chọn nào khác ngoại trừ cắt ngắn công việc của mình ở Tacloban.

Với tất cả những hiểm nguy và mất mát đã trải qua, khi được hỏi liệu có tiếp tục công việc của mình, Reynolds đáp: "Có. Nhưng không phải là ngay lập tức". 
 
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.