Lữ đoàn cảnh sát toàn nữ của Nhà nước Hồi giáo do nữ binh người Anh cai quản

Al-Khanssaa là một lữ đoàn cảnh sát nữ có sự tham gia của cả những phụ nữ Anh và Pháp. Lữ đoàn này hoạt động ở Raqqa (Syria) nơi IS đặt trụ

Al-Khanssaa là một lữ đoàn cảnh sát nữ có sự tham gia của cả những phụ nữ Anh và Pháp. Lữ đoàn này hoạt động ở Raqqa (Syria) nơi IS đặt trụ sở.

Lữ đoàn cảnh sát toàn nữ của Nhà nước Hồi giáo do nữ binh người Anh cai quản
Aqsa Mahmood, 20 tuổi, quê ở Glasgow đã đến Syria vào tháng 11 năm ngoái

Tờ Sunday Telegraph tiết lộ có các chiến binh thánh chiến nữ giới người Anh đang điều khiển một lực lượng cảnh sát chuyên trừng phạt những phụ nữ có các hành vi phi đạo Hồi trong vùng lãnh thổ mà các kẻ khủng bố Hồi giáo kiểm soát. Họ được tuyển dụng vào một lữ đoàn có tên al-Khanssaa toàn nữ do Nhà nước Hồi giáo (IS) lập nên.

Lữ đoàn này hoạt động ở Raqqa, một thành phố của Syria nơi IS đặt trụ sở, đây cũng là nơi mà con tin James Foley và Steven Sotloff đã bị chặt đầu ở vùng sa mạc quanh đó.

Rất có thể những phụ nữ người Anh trong lữ đoàn này biết danh tính thật của kẻ thủ sát, được báo chí gọi bằng cái tên ‘Chiến binh John’ mà nhiều người cho rằng hắn đến từ miền đông nam xứ England, Anh.

Nhân vật chủ chốt trong lữ đoàn trên là Aqsa Mahmood, 20 tuổi, quê ở Glasgow đã đến Syria vào tháng 11 năm ngoái.

Các nhà nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Trào lưu Cấp tiến (ICSR) còn xác định được thêm 3 phụ nữ khác đều ra đi từ Anh là thành viên của lữ đoàn này.

ICSR ước tính có tất cả khoảng 60 phụ nữ Anh đã đến Syria tham gia thánh chiến và họ đang quản lý hồ sơ của 25 phụ nữ Anh nằm trong diện bị theo dõi.


Thiếu nữ này tự nhận là người Anh, có tài khoản Twitter là Umm Khattab, đe dọa lấy đầu Thủ tướng Anh David Cameron và treo lên cọc rào

Đa số phụ nữ Anh đến Syria có độ tuổi từ 18 đến 24, thường là 20 hoặc ít hơn. Cô Mahmood này từng là nữ sinh của một trường tư thục và từng có nguyện vọng trở thành bác sĩ.

Trên mạng xã hội,  cô ta được gọi bằng cái tên Umm Layth. Umm Layth liên hệ với một nhóm ít nhất là 3 phụ nữ khác cũng đến từ Anh quốc có biệt danh Umm Haritha, Umm Ubaydiah và Umm Waqqas, tuy nhiên danh tính thật của những người này chưa được rõ. Trong số 3 người đó, Umm Ubaydiah có những mối quan hệ ở Thụy  Điển, được cho là người quản lý các bài viết trên mạng xã hội của al-Khanssaa.

Hiệp hội Nghiên cứu và Phân tích Khủng bố có trụ sở tại Mỹ cho biết, al-Khanssaa được các tư lệnh của IS thành lập vào tháng 2 năm nay có các thành viên toàn là nữ giới, mặc áo chùng đen và đội khăn trùm kín mặt.

Họ có mức lương tháng khoảng 25.000 bảng Syria  - tức là khoảng 100 bảng Anh. Nhiệm vụ của họ là thực thi luật Sharia về ăn mặc và lục soát những phụ nữ mặc đồ burka (bộ áo trùm kín từ đầu đến chân) để kiểm tra xem đó có phải là những tay súng đối địch cải trang hay không.


Zahra Halane (ảnh trên) và Salma Halane (dưới) bỏ gia đình đến Syria từ Chorlton, Manchester (Anh). Hai cô là chị em song sinh, năm nay mới 16 tuổi

Cộng tác viên nghiên cứu của Trung tâm ICSR là Melanie Smith cho biết: “Al-Khanssaa là một lữ đoàn cảnh sát nữ có sự tham gia của cả những phụ nữ Anh và Pháp. Các bài viết trên mạng xã hội đều do người Anh quản lý và đều được viết bằng tiếng Anh”.

Phụ nữ Anh quốc được giao những vị trí chủ chốt trong lữ đoàn vì họ được các tư lệnh IS coi là những người trung thành nhất với sự nghiệp trong số những nữ chiến binh nước ngoài.

Al-Khanssaa chuyên đi tuần trên các đường phố của thành phố Raqqa để phát hiện những sự tiếp xúc không phù hợp giữa hai giới tính hay để truy lùng những ai có dính líu đến văn hóa phương Tây.

Bà Smith nói: “Những phụ nữ Anh là những người máu mê nhất trong việc thi hành luật pháp của IS nên tôi cho rằng đó là lý do vì sao ít nhất là bốn người kia đã được chọn để gia nhập đội quân cảnh sát nữ”.

Bà Smith là người chuyên theo dõi mạng xã hội để tìm kiếm các manh mối về các phong trào của các nữ chiến binh thánh chiến gốc Anh. Bà cho biết ngày càng có nhiều phụ nữ hướng đến Syria và chuyện đó xảy ra hàng ngày.

“Tuần trước tôi đã xem hơn 20 chục bài viết trên Twitter của những phụ nữ muốn vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria. Số phụ nữ muốn đi đã tăng rất nhiều trong tuần qua. Phụ nữ đi làm thánh chiến dễ hơn nam giới vì khi xuất cảnh khỏi Anh quốc họ ít bị nghi ngờ hơn”.

ICSR lập hẳn một cơ sở dữ liệu gồm họ tên và những hành vi của 25 phụ nữ Anh đến Syria để thực hiện thánh chiến và tiến hành theo dõi hành vi của họ.

Tuần qua, bà Smith còn phát hiện thêm có một nhóm phụ nữ Anh trẻ khác, gồm 4 người này hiện đang sinh sống ở Raqqa đã dùng mạng Twitter để bày tỏ nguyện vọng gia nhập lữ đoàn này. Trong số đó có một người là Umm Farrisss đã đăng tải bức ảnh cô này chụp hình với chiếc đai cảm tử vào ngày 17/7, cho thấy đây là bằng chứng đầu tiên chứng tỏ phụ nữ Anh đang được trang bị cả bom. Theo luật Hồi giáo thì phụ nữ không được tham gia chiến đấu nhưng họ được phép tham gia đánh bom tự sát.


Umm Farrisss

Trong thời gian sinh sống ở Raqqa họ vẫn nói chuyện với bạn bè ở Anh. Những câu chuyện trên Twitter của họ cũng hé lộ cái mặt nhàm chán của cuộc thánh chiến đối với phụ nữ ở Syria. “Họ tải những bức ảnh chụp đai cảm tử sau đó cũng nói chuyện về thức ăn đồ uống và chuyền quần áo, chuyện đi ra ngoài chơi và tán gẫu linh tinh khác. Họ cũng làm những việc rất nữ tính như đi mua sắm nhưng chỉ khác là đặt trong bối cảnh của cuộc thánh chiến”.

Ở Raqqa, còn có những nữ chiến binh người Anh khác đã nổi danh vì những lời đe dọa khát máu của họ đối với phương Tây. 

Khadijah Dare, quê ở Lewisham, nam London, đã sử dụng mạng Twitter để ăn mừng vụ chặt đầu nhà báo Folley. Cô này đã từng công bố trên Twitter muốn trở thành người phụ nữ đầu tiên chặt đầu một tù nhân phương Tây ở Syria.

Sally Jones, 45 tuổi, trước đây cũng là một bà nội trợ quê ở Kent, Anh quốc sau cải sang đạo Hồi và mang tên mới là Umm Hussain al-Britani đã nói trên Twitter: “Bọn bay tất cả những đứa Ki-tô giáo cần phải bị chặt đầu bằng chiếc dao cùn đẹp và bêu trên cọc rào ở Raqqa....Cứ đến đây tao sẽ làm việc ấy cho”. Bà Jones này lấy chồng là một chiến binh thánh chiến ở Raqqa.

Nhiều người mong ngóng về Syria chỉ để tìm một tấm chồng trong số những chiến binh thánh chiến mà họ có thể đã liên lạc trên các mạng Twitter, Facebook và các mạng xã hội khác. Mạng xã hội của chiến binh thánh chiến đang sục sôi vì những lời cầu hôn và nhiều chiến binh có một lúc vài cô vợ.

Tuần qua có một chiến binh người Hà Lan nổi tiếng có cái tên Yilmaz cưới vợ. Tin anh này lấy vợ lập tức đã làm “tan nát trái tim” của không biết bao nhiêu phụ nữ Hồi giáo Tây phương đã ngỏ lời cầu hôn trong vài tháng qua. Kết quả theo dõi những bài đăng trên Internet liên quan đến Yilmaz cho thấy hắn đã nhận được khoảng 10.000 lời cầu hôn, một con số thật kinh ngạc, trong suốt thời gian làm chiến binh thánh chiến đến khi lấy vợ.

Rõ ràng nhiều phụ nữ đến Syria là để kết hôn với các chiến binh thánh chiến và các tay súng nước ngoài. Vì cuộc sống của phụ nữ ở Raqqa cũng buồn tẻ, thường chỉ quanh quẩn trong nhà nên nhiều người muốn bỏ công việc nhà để chuyển sang nghề chiến đấu.

Tuần trước, sau khi có rất nhiều lời đề nghị các chị các cô đề nghị được cầm súng, lữ đoàn al-Khanssaa đã lên tiếng trả lời: “Chị em nên nhớ chiến trường không dành cho các bạn trừ phi những người Hồi giáo thực sự cần cả phụ nữ và đàn ông. Các bạn có thể an hưởng theo nhiều cách khác”.

Aqsa Mahmood, trước đây cũng là một nữ sinh tư thục nay đang làm việc cho lữ đoàn al-Khanssaa. Sự lựa chọn của cô làm cho bố mẹ phải đau lòng. Khi được hãng truyền Mỹ CNN phỏng vấn, ông bố là Muzaffar Mahmood đã cầu xin con gái trở về nhà. “Aqsa – con yêu ơi hãy về nhà đi, bố nhớ con nhiều lắm. Anh chị em con cũng nhớ con lắm, con gái yêu quý nhất của bố ơi, xin hãy về. Bố yêu con”.

Lời khẩn cầu như nước đổ lá khoai. Trước khi vượt biên giới sang Syria, cô đã gọi cho bố mẹ ở nhà một lần cuối và nói: “Con sẽ gặp bố mẹ vào ngày phán quyết. Con sẽ đưa bố mẹ lên thiên đàng. Con sẽ nắm tay bố yêu. Con muốn trở thành một người tử vì đạo”.

 
Theo Phạm Quang Vinh
nongnghiep.vn





Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.