Nạn nhân cưỡng dâm ở Ấn Độ công khai danh tính

"Tên tôi là Suzette Jordan và tôi không muốn thấy thêm bất cứ một nạn nhân nào của nạn cưỡng dâm ở Calcutta nữa", người phụ nữ đến từ miền đông Ấn Độ nói.

"Tên tôi là Suzette Jordan và tôi không muốn thấy thêm bất cứ một nạn nhân nào của nạn cưỡng dâm ở Calcutta nữa", người phụ nữ đến từ miền đông Ấn Độ nói.

Tháng 2/2012, Jordan, một bà mẹ đơn thân gần 40 tuổi, rời khỏi câu lạc bộ đêm trong tình trạng tỉnh táo và bước lên xe bus cùng một người bạn mới quen, cùng lời hứa hẹn "sẽ đưa cô về tận nhà".

Chuyến bus đêm khá vắng vẻ, chỉ có cô, anh bạn mới và ba người đàn ông lạ mặt. Ngay khi tài xế cho chiếc xe chuyển bánh, Jordan lập tức bị cả đám người đó bao vây, đánh đập và cưỡng bức tập thể.

Tình hình thậm chí còn tệ hơn khi tài xế phớt lờ mọi chuyện, đón thêm một người nữa và để mặc tên này tham gia "bữa tiệc" của những kẻ còn lại. Sáng sớm hôm sau, Jordan bị ném ra khỏi chiếc xe, trong tình trạng tổn thương nghiêm trọng.

Không giống nhiều người đồng cảnh ngộ, chịu đựng nỗi đau và giấu nhẹm đi mọi chuyện, Jordan quyết định công bố toàn bộ sự việc trước cảnh sát và giới truyền thông địa phương. Tuy nhiên, những gì cô nhận được chỉ là một làn sóng phản đối và những bức thư nặc danh đe dọa.

Thậm chí vụ việc còn bị đẩy lên cao trào, khi bộ trưởng bang Tây Bengal, Mamata Banerjee, gọi Jordan là "một kẻ dối trá", cho rằng cô đang cố gắng bôi nhọ chính quyền, hạ nhục người dân và làm xấu mặt giới truyền thông Calcutta.

Bất chấp những nỗ lực che giấu danh tính của Jordan, đám đông giận dữ vẫn tụ tập bên ngoài tòa nhà nơi cô đang sống, ngay sau khi phát biểu của Banerjee được giới truyền thông công bố. Cô cũng phải đối mặt với hàng loạt các cuộc điện thoại đe dọa từ những kẻ lạ mặt, đặc biệt là trong tháng 4 vừa qua.

May mắn cuối cùng cũng mỉm cười với Jordan, khi ba trong số 5 kẻ tham gia vào vụ cưỡng bức tập thể đã bị tống giam và phải ra hầu tòa. Tuy nhiên, tất cả những người này đều một mực bác bỏ các cáo buộc của Jordan, trong khi tung tích hai tên còn lại vẫn chưa được xác minh.

Mệt mỏi vì trốn chạy

Từ ngày xuất hiện trên truyền hình với gương mặt bị làm mờ và câu chuyện về những kẻ vô nhân tính, Jordan bắt đầu bị gọi là "nạn nhân cưỡng dâm", cái tên mà những kẻ độc mồm độc miệng muốn gán cho cô.

Đáng buồn rằng, Jordan chỉ là một trong số 68 phụ nữ "vô danh", những người không thể công bố tên tuổi của bản thân, từng thông báo về các vụ cưỡng hiếp ở Calcutta trong năm 2012, theo hồ sơ của Phòng Tội phạm Quốc gia Ấn Độ.

Sở dĩ có tình trạng này là bởi luật pháp Ấn Độ nghiêm cấm việc tiết lộ danh tính nạn nhân bị hiếp dân, và những người cố ý làm việc này có thể phải nhận từ hai năm tù giam.

Thậm chí tên của nạn nhân vụ hiếp dâm tập thể gây chấn động hồi tháng 12 ở Ấn Độ, sự kiện từng làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của dư luận quốc tế và khiến chính phủ nước này buộc phải thay đổi một vài điều luật, cũng không được công khai.

0

Suzette Jordan (phải) trong một cuộc biểu tình nhằm đòi lại công bằng cho nạn nhân của những vụ cưỡng dâm. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, sau 16 tháng bị vụ tấn công ám ảnh, Jordan cho biết cô đã quá kiệt sức khi phải sống ở một đất nước, nơi phụ nữ không thể chia sẻ về những nỗi đau của họ.

"Tôi mệt mỏi khi cứ phải giấu giếm thân phận của chính mình. Tôi mệt mỏi với những lề lối và khuôn phép ở xã hội này. Tôi mệt mỏi vì phải hứng chịu những lời lẽ bêu riếu của thiên hạ. Tôi mệt mỏi bởi cảm giác sợ hãi của một người từng bị cưỡng hiếp. Đã quá đủ rồi!", cô nói. 

Với những cảm xúc đau đớn cực độ đó, Jordan quyết định nói với cả thế giới câu chuyện của mình.

"Trước những áp lực từ dư luận, tôi quyết định chuyển nhà và tới sống ở một nơi khác trong thành phố. Nhưng những kẻ ác ý vẫn không chịu buông tha cho tôi, họ khiến cuộc sống của tôi thêm lâm vào ngõ cụt", cô nói trong nghẹn ngào. 

"Tôi bị đối xử như thể mình chính là kẻ gây ra tất cả những chuyện đó. Bởi vì tôi ra khỏi câu lạc bộ đêm với một người đàn ông, nên họ cho rằng chính tôi là kẻ đã mời gọi chuyện cưỡng dâm."

"Tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn. Nếu không phải vì hai đứa con, có lẽ tôi đã tự tử", cô nói thêm.

Quyết định tiết lộ danh tính của Jordan đến sau khi cô gia nhập một tổ chức chuyên giúp đỡ những nạn nhân của nạn cưỡng bức trên toàn thế giới. "Tôi có cảm giác mình đã được chữa lành nỗi đau và chia sẻ vết thương lòng với những nạn nhân khác", cô giải thích.

"Họ kể cho tôi rất nhiều những câu chuyện đầy nước mắt. Điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng ngột ngạt, khi phải chứng kiến sự im lặng của chính những nạn nhân, gia đình họ và toàn xã hội."

Dù có cố gắng đến đâu, thì nỗi ám ảnh về vụ cưỡng bức vẫn khiến Jordan không thể yên giấc mỗi đêm.

"Tôi không thể ngừng sống", cô nói.

Jordan cũng cho biết, mục đích khiến cô công khai danh tính của bản thân với cả thế giới, đó là để khiến cái tên "nạn nhân hiếp dâm" hoàn toàn biến mất.

"Đừng bóp méo giọng tôi và đừng làm mờ gương mặt tôi", cô nhấn mạnh, cô nói sau khi được phóng viên yêu cầu gửi một bức ảnh cho công chúng.

Theo Vnexpress.


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.