Chân dung nhà báo Steven Sotloff. Ảnh: Reuters |
Từ Libya, Syria cho tới Ai Cập, nhà báo tự do Steven Sotloff không ngại đánh đổi mạng sống của anh để có được những tin tức nóng nhất về tình hình chiến sự ở Trung Đông - Bắc Phi. Là một nhà báo chiến trường, nhiệm vụ của anh là giúp các độc giả trên toàn thế giới nắm được những gì đang xảy ra tại các điểm nóng ở Trung Đông.
Sotloff là nạn nhân mới nhất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Irag và Syria. Anh mất tích từ hơn một năm trước ở miền bắc Syria, trong khi đang làm tin về cuộc nội chiến ở nước này.
Sotloff, 31 tuổi, là một nhà báo tự do. Anh tự miêu tả bản thân là một "triết gia tích cực đến từ Miami", theo tờ The New York Times. Sotloff từng cộng tác với nhiều tờ báo tên tuổi như TIME, Christian Science Monitor và World Affairs Journal.
Trong một bài báo được đăng trên tờ TIME vào năm 2012, Sotloff đã viết về tình hình bất ổn ở Lybia sau vụ khủng bố nhằm vào lãnh sự quán Mỹ ở thủ đô Benghazi hôm 11/9/2012. Theo đó, chính phủ Libya đã thất bại trong việc bảo vệ lực lượng quân đội trước sự bất mãn của người dân.
"Cả chính phủ lâm thời nổi lên trong cuộc cách mạng và nhà nước được bầu ra sau đó đều thất bại trong việc xây dựng một thể chế cần thiết để thi thành luật pháp và trật tự", Sotloff viết.
"Những thất bại đó phần lớn xuất phát từ chính sách không thực tế của chính phủ mới. Họ đã loại bỏ sự kiểm soát của chính quyền trung ương, trong khi lại trao quyền quản lý cho các hội đồng thành phố".
Sotloff cũng có mặt và đưa tin về vụ đảo chính của quân đội Ai Cập hồi năm ngoái, nhằm lật đổ ông Mohamed Morsi, tổng thống được bầu cử đầu tiên của nước này.
Hình ảnh Sotloff trong đoạn video mà phiến quân Hồi giáo vừa công bố. Ảnh: Reuters |
Trong một bài báo được đăng trên tờ World Affairs Journal mang tựa đề: "Những lời oán trách chính đáng của Anh em Hồi giáo", Sotloff đã giúp người đọc có một cái nhìn thoáng qua về sự can đảm của anh.
"Tôi đã kể với Ahmad Kamal, một anh bạn người Ai Cập, về ý định tới trại biểu tình của tổ chức Anh em Hồi giáo ở thành phố Nasser. Mặt Kamal gần như tái đi. "Đừng đến đó!", anh nài nỉ. "Họ là những kẻ cuồng tín rất ghét dân ngoại quốc. Người Mỹ như anh sẽ gặp nguy hiểm ở đó.
Sau một giờ đối thoại không kết quả, tôi đứng dậy, bắt tay Ahmad và đi thẳng về phía hang ổ mà Ahmad tin rằng sẽ đẩy tôi vào chỗ chết".
Trước đó, hồi tháng 12/2012, Sotloff có một bài viết về cuộc nội chiến ở Syria trên tờ Foreign Policy. Anh viết về sự tuyệt vọng của người dân Aleppo, khi phải chờ đợi thành những hàng dài trong suốt 7 giờ chỉ để mua một túi bánh mì pita (một loại bánh mì tròn túi hơi men, phổ biến ở Trung Đông và Địa Trung Hải).
Anh cũng viết về những trại tị nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tập trung khoảng 3 triệu dân thường Syria. Họ là nạn nhân của cuộc chiến, bị mất nhà cửa và phải sống trong tình trạng thiếu thốn, đói khát và bệnh tật.
"Chính phủ nhằm thẳng vào những căn cứ của lực lượng Quân đội Tự do Syria gần nhóm trại tị nạn. Những tiếng nổ lớn của vũ khí hạng nặng ngày đêm dội bên tai người dân", Sotloff tả lại những gì xảy ra ở trại tị nạn Atmeh.
"Các nhân viên y tế phải chữa trị cho khoảng 300 người một ngày, vì nhiều căn bệnh khác nhau, từ viêm amidan cho tới rối loạn tiêu hóa", anh viết.