Quả bom bất ngờ tháng 10 có giúp Donald Trump hạ bà Clinton?

Quả bom “email Clinton” được Giám đốc FBI James Comey tung ra khi chỉ còn 11 ngày trước cuộc bầu cử được giới quan sát cho là "bất ngờ tháng 10" lớn nhất cho mùa bầu cử năm nay.

Quả bom “email Clinton” được Giám đốc FBI James Comey tung ra khi chỉ còn 11 ngày trước cuộc bầu cử được giới quan sát cho là "bất ngờ tháng 10" lớn nhất cho mùa bầu cử năm nay.

>> Toàn cảnh:
Bầu cử Tổng Thống Mỹ 2016



Quả bom “email Clinton” được Giám đốc FBI James Comey tung ra khi chỉ còn 11 ngày trước cuộc bầu cử được giới quan sát cho là "bất ngờ tháng 10" lớn nhất cho mùa bầu cử năm nay.

Và phe Dân chủ có quyền nghi ngờ khi James Comey là người của đảng Cộng hòa. 

Những cú đánh phút chót

“Bất ngờ tháng 10” là thuật ngữ thường được dùng để ám chỉ những cú đánh phút chót làm thay đổi cục diện cuộc đua ở bầu cử Mỹ.

Ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tháng 11 theo luật là ngày bầu cử toàn quốc. Và những cú hồi mã thương phút chót tháng 10 có thể đảo ngược hoàn toàn cuộc đua.

Và mùa bầu cử tổng thống Mỹ 2016 được xem là kỳ chạy đua có quá nhiều “bất ngờ tháng 10”. Đoạn băng video cách đây hơn 10 năm ghi việc Trump nói chuyện “sờ soạng” tục tĩu đối với phụ nữ từng được coi là bất ngờ lớn nhất. Các chỉ số thăm dò của ứng viên đảng Cộng hòa giảm thảm hại sau khi đoạn băng công bố.

Qua bom bat ngo thang 10 co giup Donald Trump ha ba Clinton? hinh anh 1
Phóng to "Quả bom email Clinton" được xem là nguyên nhân chính giúp ông Trump rút ngắn khoảng cách với bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đồ họa: BCC.

Phe Clinton cũng gặp không ít vấn đề, đặc biệt là từ các email nội bộ được WikiLeaks tiết lộ: ông Clinton nhận nhiều tiền từ những người đóng góp cho quỹ Clinton Foundation, bà Clinton nhận câu hỏi tranh luận trước từ người bạn thân giờ làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc đảng Dân chủ, phe Dân chủ tìm cách loại đối thủ Bernie Sanders của bà...

Thuật ngữ "bất ngờ tháng 10" xuất hiện trong thời điểm chiến tranh Việt Nam trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1972 giữa tổng thống đương nhiệm Richard Nixon và đối thủ đảng Dân chủ là George McGovern. Khi đó cuộc đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam đã kéo dài sang năm thứ 4.

Đúng 12 ngày trước bầu cử, cố vấn an ninh quốc gia, trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ Henry Kissinger xuất hiện trước cuộc họp báo ở Nhà Trắng cuối tháng 10 và tuyên bố: “Chúng tôi tin hoà bình đã nằm trong tay".

Như chúng ta biết thì hoà bình thực tế không gần như vậy. Ngay sau khi thắng cử, Nixon trở mặt, leo thang chiến tranh bằng chiến dịch tấn công B52 dồn dập vào miền Bắc Việt Nam. Chỉ đến khi thất bại trong chiến dịch này, Nixon mới thật sự đàm phán để kí thoả thuận hoà bình ở Paris (kí ngày 27/1/1973).

Năm đó, dù Nixon có ưu thế trước bầu cử nhưng tuyên bố “hoà bình trong tầm tay” giúp Nixon có chiến thắng áp đảo để tiếp tục nhiệm kỳ 2.

Từ đó, thuật ngữ “bất ngờ tháng 10” xuất hiện và được dùng để chỉ các ngón đòn đánh bất ngờ vào phút chót của các bên nhằm vào phe đối thủ.

Cú đánh tháng 10 loại Jimmy Carter

Tám năm sau, khi tổng thống đương nhiệm Jimmy Carter đang đối đầu với cuộc khủng hoảng con tin tại Iran (sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran tấn công vào sứ quán Mỹ và bắt cóc 55 nhân viên sứ quán Mỹ trong 444 ngày) thì phe Cộng hoà lại làm một cú đánh “tháng 10” khác – lần này ở trình độ đỉnh cao hơn.

Cặp đôi George Bush/Ronald Reagan của phe Cộng hoà Cộng hoà khi đó rất e sợ một thoả thuận vào phút chót về thả con tin sẽ giúp Jimmy Carter tái đắc cử.

Cả hai lần xuất hiện tin tức về Iran trước đó đều giúp tỉ lệ ủng hộ Carter tăng vọt: lúc con tin bị bắt cuối năm 1979 và khi tổng thống Carter ra lệnh chiến dịch giải cứu quân sự vài tháng sau đó - nhưng thất bại. Phe Reagan hiểu rằng việc thả con tin gần như chắc chắn đồng nghĩa với thất bại.

Phe Jimmy Carter khi đó cũng ráo riết đàm phán để con tin có thể được thả. Mùa thu 1980, Jack Anderson của Washington Post đưa tin chính quyền Carter đang chuẩn bị chiến dịch quân sự lớn để cứu các con tin nhằm giúp ông tái đắc cử.

Chiến dịch quân sự thực tế không diễn ra mà phe Carter chỉ đẩy mạnh đàm phán để đưa con tin về. Nhưng đến phút chót trước bầu cử, Tehran đột nhiên đổi điều kiện đàm phán và yêu cầu phải có thêm viện trợ quân sự.

Đàm phán vì vậy không đạt được đến thoả thuận cuối cùng còn Jimmy Carter thất bại trong bầu cử trước Ronald Reagan. Số con tin Mỹ tiếp tục ở lại Tehran và chỉ được thả đúng 20 phút sau khi Ronald Reagan nhậm chức vào tháng 1/1981.

Chỉ đến năm 1992, Gary Sick, thành viên Hội đồng An ninh dưới thời tổng thống Ford và Carter mới chính thức đưa ra cáo buộc là phe Reagan/Bush đạt thoả thuận bí mật với Iran trước bầu cử để trì hoãn thả con tin và đánh bại Carter.

Theo ông Sick thì William J.Casey, Giám đốc tranh cử của Reagan, đã gặp gỡ đại diện của Iran tại Madrid hồi tháng 10/1980 để thoả thuận viện trợ vũ khí trị giá 150 triệu USD qua đường Israel (tháng 10 cũng là thời điểm Iran “trở chứng” trong đàm phán với Carter).

Cựu tổng thống Iran Bani-Sadr trong cuốn sách “My Turn to Speak” năm 1991 cũng nói ông có bằng chứng là giáo chủ Khomeini và các nhân vật thân cận với Bush/Ronald Reagan đã gặp gỡ nhau từ đầu năm 1980.

Các cuộc điều tra sau này của Quốc hội Mỹ (dưới thời Tổng thống Cộng hoà George W. Bush) đều không tìm thấy bằng chứng cụ thể. Casey, nhân vật chính bị cáo buộc là đàm phán với Iran và sau này trở thành giám đốc CIA dưới thời Reagan, thì đã mất từ năm 1987.

Đây có lẽ là một trong những vụ “bất ngờ tháng 10” mang tính thay đổi cục diện nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống gần đây của nước Mỹ.

Những 'đòn hắc ám'

Phe Dân chủ cũng có vài lần sử dụng chiêu này nhưng không thành công lắm. Năm 2000, chỉ vài ngày trước bầu cử, Thomas J.Connolly, một luật sư nổi tiếng và là ứng viên thống đốc ở bang Maine tung thông tin là ứng viên tổng thống George W.Bush từng bị bắt vì tội lái xe khi say xỉn – một tội nặng – ở Maine năm 1976.

Cú đánh của phe Dân chủ không có nhiều ảnh hưởng vì sau đó Bush con thắng cử bằng lá phiếu đầy tranh cãi ở Florida – nơi em trai ông làm thống đốc.

Gần đây hơn vào năm 2004, một video về Osama Bin Laden xuất hiện vào ngày thứ 6 ngay trước tuần bầu cử. Lãnh tụ Al Qaeda khi đó trực tiếp nói: “An ninh của các người không phụ thuộc vào Kerry, Bush hay Al Qaeda”. An ninh là thế mạnh của phe Cộng hoà.  

Vài tháng cuộc bầu cử, Kerry của phe Dân chủ chỉ trích sự kiện này là nguyên nhân thất bại. “Chỉ số ủng hộ chúng tôi đang tăng cho đến khi cuộn băng xuất hiện. Sau đó chỉ số ngang bằng rồi bắt đầu đi xuống từ ngày thứ Hai", Kerry nói.

Đương nhiên thất bại của Kerry không chỉ vì bởi cuộn băng mà vì một loạt chiến thuật sử dụng trong cuộc tranh cử năm đó.

Trong nhiều trường hợp, “bất ngờ tháng 10” không đến từ các đảng mà chính từ những diễn biến của nền kinh tế hay các sự kiện bên lề khác.

Hồi ức không xa, đầu tháng 9/2008, khi hai đảng Cộng hoà và Dân chủ vừa chính thức công bố ứng viên tổng thống của mình lần lượt là Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ Barack Obama, chỉ số thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ hai ông khi đó đều xấp xỉ nhau.

TNS McCain thậm chí trong tuần đầu có lúc vượt trên Obama 1-2 điểm nhờ quyết định bất ngờ lựa chọn Sarah Palin làm ứng viên phó tổng thống – khi dân Mỹ vẫn quay cuồng với màn trình diễn của bà ở Hội nghị Đảng Cộng hoà. Với nhiều người khi đó, câu hỏi về một tổng thống da màu vẫn là dấu hỏi lớn.

Qua bom bat ngo thang 10 co giup Donald Trump ha ba Clinton? hinh anh 2
Khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 được xem là bất ngờ tháng 10 giúp Obama giành chiến thắng tại Mỹ năm 2008, khi người Mỹ nói không với đảng Cộng hòa và di sản của G.W.Bush. Ảnh: AP.

Mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi tháng 9 bước vào trung tuần. Ngày 15/9, Lehman Brothers, một trong tứ trụ của hệ thống ngân hàng đầu tư Mỹ, đệ đơn phá sản. Cú phá sản của Lehman Brothers đẩy sâu thêm cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và toàn cầu, kéo theo một loạt nhà băng khác phá sản. Chỉ số công nghiệp Dow Jones có ngày biến động sụt tới hơn 1.000 điểm, kỷ lục trong lịch sử. Kinh tế Mỹ bước vào giai đoạn suy thoái dài.

Obama khi đó tấn công McCain là kế thừa di sản của George W.Bush còn cử tri Mỹ khi đó chỉ cần một lựa chọn không phải là đảng Cộng hoà. Kết quả là Obama có chiến thắng ấn tượng nhất kể từ thời Lyndon Johnson và trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Với McCain, năm đó ông thực tế cũng tung ra một cú đòn hắc ám tuy vậy chiến dịch này đã không thành công. Phe Dân chủ tin rằng McCain tung tin đối thủ Barack Obama có mối quan hệ mật thiết với cựu lãnh đạo của Weather Underground, một nhóm cực tả ở Mỹ. Cáo buộc Obama thân với phe Xã hội chủ nghĩa là phần chính trong chiến dịch bôi nhọ của phe Cộng hoà năm đó.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.