'Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn'

Sự phân chia giai cấp giàu nghèo ở xã hội Hàn Quốc không chỉ được khắc họa trong bộ phim đạt giải Oscar "Parasite", mà còn hiện hữu trong đời sống hàng ngày tại quốc gia này.

Trích dịch bài đăng The New York Times, đề cập đến cuộc sống khó khăn tại những căn hộ tầng bán hầm ẩm mốc trong thành phố Seoul hào nhoáng, từ đó phản ánh sự phân biệt giàu - nghèo rõ rệt ở Hàn Quốc.

Mỗi ngày, ánh mặt trời chỉ rọi vào nhà ông Kim Ssang-seok (63 tuổi) vỏn vẹn 30 phút. Khi ông mở chiếc cửa sổ duy nhất trong nhà, tất cả những gì ông nhìn thấy là bánh xe đang lăn trên đường.

Khu nhà rộng 320m2 được xây dựng dưới lòng đất này là nhà của ông Kim trong 20 năm qua. Ông chỉ dám phơi quần áo và giày dép trong nhà vì ngoài kia đầy rẫy trộm cắp. Ngoài ra, công việc diệt gián hàng ngày và chịu đựng mùi hôi thối của trần nhà ẩm mốc từ lâu đã trở thành thói quen của người tài xế taxi này.

“Khi cuộc sống trở nên quá khó khăn, tôi phải xuống đây thôi”, ông nói.


Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn-1
Ông Kim trong căn hộ của mình. Ảnh: The NY Times.

Tuy nhiên, ông Kim vẫn cảm thấy biết ơn khi vẫn còn một chốn dung thân. Người đàn ông góa vợ này lo lắng rằng Seoul sẽ sớm dỡ bỏ khu phố này để xây dựng những tòa chung cư chọc trời.

Nếu chuyện đó xảy ra, ông Kim thực sự không còn nơi nào để đi, giống như gia đình họ Ki khốn khổ trong bộ phim Parasite nổi tiếng gần đây.

Với người nước ngoài, Hàn Quốc đặc biệt nổi tiếng với thương hiệu Samsung, hãng xe Hyundai và cả nền âm nhạc Kpop. Tuy nhiên, bộ phim Parasite mới là thứ làm mê hoặc người xem trên toàn thế giới. Bộ phim phơi bày một khía cạnh đen tối về sự tăng trưởng kinh tế: sự phân hóa cực đoan giữa người giàu với người nghèo trong xã hội.

Bộ phim kể về một gia đình họ Ki sống tại tầng bán hầm, hay còn gọi là “banjiha”. Họ tìm cách sống bám lấy nhà chủ giàu có và gặp phải kết cục thê thảm.

Trong một cuộc họp báo năm ngoái, ông Bong Joon-ho, đạo diễn của bộ phim Parasite, cho biết: “Những người sống ở tầng bán hầm luôn tin rằng họ thuộc về thế giới giàu sang trên kia. Họ sợ bị lòng đất ẩm mốc này nuốt chửng nếu có chuyện tồi tệ nào xảy ra”.

Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn-2
Đạo diễn Bong Joon-ho trở về Hàn Quốc sau khi nhận giải Oscar. Ảnh: The NY Times.

Câu chuyện hư cấu trong phim phản ánh rõ cuộc sống của những người nghèo sống trong tầng bán hầm bẩn thỉu ở thành phố hào nhoáng. Còn những người giàu có sống ở nơi cao ráo, sáng sủa và tránh xa sự ồn ào, mùi ẩm thấp.

Thực tế, trong bối cảnh giá nhà tăng cao ở Seoul, nhiều sinh viên và cặp vợ chồng mới cưới chấp nhận thuê nhà banjiha với hy vọng một ngày sẽ kiếm đủ tiền để thuê căn hộ trên cao.

Trái lại với mong ước thoát khỏi khu nhà banjiha của những người trẻ tuổi, người già và thất nghiệp chỉ muốn an thân sống qua ngày, tránh khỏi kiếp vô gia cư.

Theo thống kê của chính phủ, hiện có hàng trăm nghìn người sống ở tầng bán hầm tại thành phố Seoul. Phần lớn họ sống ẩn mình trong khu nhà vốn bị che khuất bởi những tòa nhà và trung tâm thương mại.

Càng giàu có, càng ở nhà tầng cao

Cuộc sống của hàng xóm xung quanh nhà ông Kim cũng không khá hơn là mấy. Dưới ánh đèn đường buổi tối, một người phụ nữ tranh thủ sắp xếp đống hộp giấy rỗng và những thứ rác rưởi khác mà bà thu gom được để kiếm sống.

“Những người sống ở tòa chung cư có xu hướng chọn căn hộ ngày càng cao hơn để không phải ngửi thấy mùi hôi thối dưới này. Có lẽ họ coi thường chúng tôi như một lũ lợn”, ông Kim nói.

Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn-3
Khu vực quận Seongbuk giàu có ở Seoul. Ảnh: The NY Times.

Kim Nam-sik, một đại lý bất động sản ở quận Seongbuk (thành phố Seoul), cho biết: “Sự giàu có tại đây được đo bằng mức sống của bạn. Nhà bạn càng nằm ở tầng cao, bạn càng giàu có”.

Quận Seongbuk nổi tiếng là nơi sinh sống của các đại sứ nước ngoài và những gia đình siêu giàu. Trong số đó, những nhà giàu nhất sống trong căn nhà sang trọng có giá trị lên đến hàng triệu USD. Bao quanh ngôi nhà là những bức tường khổng lồ có gắn camera an ninh và hàng rào gai thép.

Nhiều ngôi nhà còn có cả không gian dưới lòng đất, ban đầu vốn định xây hầm trú ẩn để tránh những cuộc không kích của Triều Tiên. Hiện không gian này được các chủ nhà cải tiến thành phòng gym hoặc rạp chiếu phim trong nhà.

'Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn-4
Cầu thang xuất hiện trong phim Parasite như một biểu tượng xuyên suốt về thứ bậc xã hội. Ảnh: The NY Times.

Nỗi lo bị đuổi khỏi nhà

Tòa nhà ông Kim đang sinh sống gồm 4 tầng và thuộc sở hữu của một chủ thuê giàu có. Có 6 gia đình khác thuê 3 tầng trên cùng. Còn ở tầng trệt có tận 3 gia đình cùng nhau chung sống.

Người tài xế taxi già cho biết ông tự hào khi không phải lo tiền thuê nhà hàng tháng như những gia đình ở tầng trệt. Sau khi bán nhà và trả viện phí cho người vợ quá cố qua đời vì bệnh ung thư, ông mua tầng hầm này với giá 30.000 USD.

Tuy nhiên, trong những buổi họp lớp, ông Kim không dám tiết lộ địa chỉ nhà với bạn bè vì sợ họ tỏ ra thương hại ông.

Tại Hàn Quốc, họ coi người sống ở tầng hầm như lũ lợn-5
Ông Kim và căn hộ trong đêm tối. Ảnh: The NY Times.


Điều mà ông lo sợ nhất là bị yêu cầu chuyển đi và phải sống với cộng đồng người cao niên ở khu nhà lụp xụp jjokbang, hoặc tại căn hộ “hộp diêm” goshiwon với diện tích vỏn vẹn 6m2. Bản thân ông Kim đã chứng kiến nhiều người hàng xóm của mình rời đi trong nước mắt khi bị bắt chuyển đi khỏi tầng bán hầm.

Hiện nay, người đàn ông góa vợ cố gắng không nghĩ nhiều về tương lai, bởi ông biết điều đó cũng không giúp ích được gì.

“Bạn sẽ ốm yếu đi nếu cứ mãi ganh tị với những gì bạn không thể có. Vì vậy, tôi cố gắng sống tích cực nhất có thể và biết ơn những gì cuộc đời trao tặng. Là một người làm việc chăm chỉ, tôi luôn giữ phẩm hạnh và đạo đức của mình trong sạch”, ông Kim chia sẻ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/tai-han-quoc-ho-coi-nguoi-song-o-tang-ham-nhu-lu-lon-post1054298.html?fbclid=IwAR2X9HwsJHC9BAFSznUKVL5JKwol6-kWKGKEERnF1tPus0UB5ENLt0zNh4o

phân chia giai cấp

Hàn Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.