Thế khó của công tố viên Tây Ban Nha khi cứu nô lệ tình dục

Để có thể truy tố bọn buôn nô lệ tình dục, các công tố viên cần có bằng chứng về việc nghi phạm sử dụng bạo lực và đe dọa đối với nạn nhân.

Jose Nieto, thanh tra chống buôn người của Trung tâm Phân tích rủi ro và Tình báo thuộc Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha, đã hợp tác với Rocio Mora, giám đốc tổ chức hỗ trợ nạn nhân buôn người Apramp. Hai người cũng sát cánh với công tố viên có tên Beatriz Sanchez trong suốt thập niên qua.

Từ năm 2010, nữ công tố viên “đáng gờm” Beatriz Sanchez xử lý hơn 100 vụ buôn người. Năm 2012, cô đã thành công trong việc khiến Ioan Clamparu, “trùm” của đường dây buôn gái mại dâm lớn nhất châu Âu, nhận án tù 30 năm. Từng hành nghề luật sư, Beatriz Sánchez tỏ ra lạc quan, vui tính và ấm áp, nhưng quyết tâm trong công việc.

Chỉ 1/10 số vụ án buôn người ra tòa
“Chúng tôi đã đạt những tiến bộ to lớn trong truy tố và kết tội những kẻ buôn người. "Nhưng tòa án cũng bác bỏ hoặc không xét xử nhiều vụ”, cô nói.

Beatriz Sánchez thừa nhận chỉ 1/10 trong các vụ buôn người mà cô xử lý được đưa ra tòa vì nghĩa vụ chứng minh tội trạng rất cao, đòi hỏi lời khai của nhân chứng và nỗ lực của cảnh sát trong nhiều tháng.


Thế khó của công tố viên Tây Ban Nha khi cứu nô lệ tình dục-1Thanh tra cảnh sát Jose Nieto, giám đốc Rocio Mora (giữa) của tổ chức Apramp và công tố viên Beatriz Sánchez. Ảnh: The Guardian.

Các vụ buôn người mang tính tổ chức và xuyên quốc gia thường liên quan đến việc di chuyển số tiền rất lớn. Chúng là loại tội phạm phức tạp, khó để triệt hạ. Theo luật pháp Tây Ban Nha, công tố viên cần có bằng chứng về việc sử dụng bạo lực và đe dọa cực độ để truy tố các trường hợp dắt gái và ép buộc.

“Mọi hình thức ma cô, dắt gái cần phải bị trừng phạt về mặt hình sự. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể ngăn chặn nạn buôn người một cách hiệu quả”, nữ công tố viên nhận định.

Nữ công tố viên nói sự lạc quan tự nhiên của cô có thể tắt bởi cuộc đấu tranh gian nan để đưa các vụ buôn người ra tòa. “Sẽ rất khó nếu tôi thực hiện sứ mệnh ấy một mình, nhưng điều tốt là tôi có Rocio Mora và José Nieto. Chúng tôi là một đội. Vì vậy, khi bạn thất vọng và cảm thấy mọi thứ như vô vọng, bạn có lý do để tiếp tục. Những người khác có thể đón bạn và nói: Nào! Chúng ta phải tiếp tục tiến lên”, cô tâm sự.

Sanchez giữ liên lạc với tất cả người phụ nữ mà cô từng giúp. Cô nói: “Nhìn họ làm lại cuộc đời cũng mang đến cảm giác mãn nguyện như chứng kiến những kẻ ngược đãi họ phải vào tù”.

Câu chuyện của nạn nhân
Helena là một trong những phụ nữ mà Sanchez từng giúp. Gia đình cô đến từ Ecuador, nhưng cô đang sống ở ngoại ô thành phố Madrid, với hộ chiếu Tây Ban Nha, khi buộc phải bán dâm 5 năm trước. Đó là hậu quả của việc Helena trở thành nạn nhân của những kẻ lừa đảo cho cô vay tiền. Chúng dọa giết con nhỏ nếu cô không bán dâm để trả nợ. “Khi tôi lâm vào tình huống đó, tôi không thấy lối thoát và càng làm lâu, càng bế tắc,” cô nói.


Thế khó của công tố viên Tây Ban Nha khi cứu nô lệ tình dục-2Phần lớn nạn nhân nô lệ tình dục ở Tây Ban Nha đến từ Colombia, Venezuela, Romania, Honduras, Nicaragua và Trung Quốc. Ảnh: The Guardian.

Quá trình đấu tranh kéo dài nhiều năm, nhưng cuối cùng những kẻ buôn người ngược đãi cô phải vào tù và chính phủ trao khoản tiền bồi thường 100.000 euro cho Helena, trong đó 92.000 euro là số tiền mà giới chức ước tính những kẻ buôn người đã kiếm từ việc bán cơ thể cô.

Helena vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản nào trong số tiền bồi thường, và các khoản nợ của cô đối với gia đình và hàng xóm vẫn còn nguyên. “Tôi vẫn nợ bạn bè và gia đình 12.000 euro từ thời điểm đó và không biết làm cách nào để trả số tiền đó,” cô nói.

Proyecto Esperanza (Dự án Hy vọng), tổ chức phi lợi nhuận, đang giúp Helena tìm việc. Cô có nhà để ở và đang xây dựng lại mối quan hệ với các con. Bất chấp những trải nghiệm tồi tệ, Helena cố gắng dạy họ rằng thế giới bên ngoài có thể là nơi tốt đẹp.

Báo cáo về nạn buôn người ở Tây Ban Nha mà Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm 2021 cho thấy, chính phủ Tây Ban Nha đã chi 6,5 triệu euro trong năm 2020 cho các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các nạn nhân của bọn buôn người. Chính phủ cũng chi từ ngân sách trung ương 20 triệu euro cho các vùng tự trị trong năm 2020 để hỗ trợ nạn nhân buôn người.

Ngoài hỗ trợ chỗ ở, chính phủ cũng sẵn sàng tạo điều kiện để các nạn nhân mang quốc tịch nước ngoài trở về quê hương nếu họ muốn. Số liệu thống kê của giới chức cho thấy phần lớn nạn nhân nô lệ tình dục ở Tây Ban Nha đến từ Colombia, Venezuela, Romania, Honduras, Nicaragua và Trung Quốc.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/the-kho-cua-cong-to-vien-tay-ban-nha-khi-cuu-no-le-tinh-duc-post1332943.html

nô lệ tình dục


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.