Một loạt các nước có tỷ lệ sinh thấp đang đứng trước nguy cơ “tuyệt chủng”. Đó là Nhật Bản với tỷ lệ sinh là 1,3%, Đức 8,5 trẻ/1.000 dân. Đặc biệt tại Hàn Quốc, theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, đến năm 2750, Hàn Quốc sẽ đứng trên bờ vực tuyệt chủng, nếu xu hướng giảm tỷ lệ sinh sản hiện nay vẫn tiếp diễn.
Hàn Quốc: Sinh con là nhiệm vụ của quân nhân
Năm 2013, tỷ lệ sinh sản của Hàn Quốc chỉ là 1,19 con/1 phụ nữ. Dân số của Hàn Quốc hiện là 50 triệu người, đến năm 2136 sẽ giảm chỉ còn 40 triệu người. Đặc biệt, nguy cơ lớn nhất sẽ đến với Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Seoul.
Theo nghiên cứu, tại Busan đang giảm mạnh số lượng thanh niên và người trung tuổi. Như vậy, đứa trẻ cuối cùng ở ngôi làng này sẽ ra đời khoảng năm 2413. Trước tình trạng tỷ lệ sinh thấp ở mức kỷ lục, quân đội Hàn Quốc đã ban hành chính sách mới nhằm khuyến khích quân nhân sinh nhiều con.
Do tính chất công việc phải di chuyển nay đây mai đó và có khi xa nhau khá lâu nên các cặp vợ chồng quân nhân xứ kim chi thường không có nhiều cơ hội “gần gũi”. Chính vì thế, tỷ lệ sinh của các bà vợ quân nhân rất thấp, chỉ ở mức 0,83 so với tỷ lệ sinh trung bình của cả nước là 1,08 con/phụ nữ.
Với chính sách mới có hiệu lực từ 1/8, các cặp vợ chồng quân nhân có nhiều thời gian ở bên nhau hơn. Những cặp mới cưới được phép sống gần nhau trong 5 năm để có thể sinh và nuôi con. Nữ quân nhân có thai không phải di chuyển đến các địa điểm mới từ tháng thứ 2 của thai kỳ cho đến 6 tháng sau khi sinh để giảm nguy cơ sẩy thai cũng như có thêm thời gian chăm sóc con cái. Ngoài ra, gia đình quân nhân có thêm con thứ 3 đều được quyền chọn địa điểm để chuyển công tác.
Nhật Bản: Chồng được nghỉ khi vợ sinh con
Số lượng trẻ mới sinh của Nhật Bản trong năm 2001 là 1,18 triệu em. Nước này trở thành nơi có dân số già nhất thế giới. Tỷ lệ sinh của xứ sở mặt trời mọc (1,3%) thấp hơn cả trong khu vực châu Á và Trung Đông, so với mức trung bình là 2,6%. Tỷ lệ sinh là biện pháp tính số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi).
Điều tra cho thấy, lý do chính của tình trạng ít con là việc lập gia đình muộn. Độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Nhật Bản hiện nay là 27,2; so với 25 tuổi trong thập kỷ 1980. Còn độ tuổi mang thai lần đầu tiên là 28,2; so với 26 tuổi hồi những năm 1980.
Toshiyuki Shiomi - giảng viên Khoa Giáo dục thuộc Đại học Tokyo giải thích tình trạng này xảy ra do tư tưởng thâm căn cố đế: Nuôi con là công việc của phụ nữ. B
ắt đầu từ tháng 4/2003, Bộ Trợ cấp, Lao động và Y tế Nhật Bản sẽ đưa chương trình hỗ trợ sinh con trị giá 9 tỷ USD vào hoạt động. Hạt nhân của dự án này là cho người cha nghỉ phép khi vợ sinh nở. Các công ty có thể nhận nhiều nhất 80.000 USD từ Bộ Trợ cấp, Lao động và Y tế để thực thi quyết định này. Bên cạnh đó, những bậc cha mẹ khi nghỉ phép vì có con nhỏ sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, họ sẽ nhận thêm 40% lương từ quỹ bảo hiểm việc làm cho tới khi đứa trẻ lên một tuổi. Mục tiêu của chính sách mới là thúc đẩy tỷ lệ sinh ở đất nước 125 triệu dân. Yoriko Abe - chủ bút tờ Tin tức Phụ nữ nói: “Sáng kiến cho người cha nghỉ phép trông con thật thần kỳ”. Tờ báo của Yuriko từ lâu đã phản đối truyền thống người đàn ông luôn đặt công việc lên trước gia đình và phụ nữ chỉ làm nội trợ. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ nam giới nghỉ phép sẽ đạt 10%, so với mức hiện tại là 0,4%. Ngoài ra, số phụ nữ nghỉ đẻ cũng sẽ tăng lên, chiếm 80% so với 56,4% trong năm tài khóa 1999.
Trong khi đó, Takahashi Kiriku - Giám đốc nghiệp đoàn lớn nhất Nhật Bản Keidanren cho rằng, chính sách mới không thể thúc đẩy người cha nghỉ phép trông con. Ông nói: “10% là mục tiêu ao ước với Chính phủ. Một số công ty cho rằng biện pháp của Chính phủ đã can thiệp vào công việc làm ăn của họ”. Lấy trường hợp của Minoru Onishi, 35 tuổi, nghỉ phép 3 tháng để săn sóc 3 đứa con sinh ba trong năm 1999 làm ví dụ. Khi trở lại cơ quan, người nhân viên này rất choáng váng khi biết rằng công ty đã phạt thời gian nghỉ phép bằng cách giáng cấp làm việc của anh từ C xuống E - mức thấp nhất.
Đức: Sinh con được phần thưởng
Tỷ lệ sinh của người Đức đã tiếp tục giảm mạnh (giảm hơn 2,8%) và trở thành quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất tại châu Âu. Trong khi đó, tỷ lệ tử tại Đức lại tăng 1,5%. Tỷ lệ sinh đặc biệt thấp tại Đông Đức cũ, trong đó thành phố Chemnitz là nơi có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Số liệu từ Cục Thống kê Liên bang cho biết, chỉ có 686.000 trẻ được sinh ra, giảm gần 50% so với những năm 1960. Tại Đức, trên 1.000 người thì có 8,5 trẻ được sinh ra, so với tại Anh là 12, Pháp là 12,7 và Ireland là 15,2 (cao nhất trong khối EU).
Trong khối EU, tỷ lệ sinh trung bình (tính trên 1.000 người) là 10,5. Các chuyên gia kinh tế cho biết, tình hình tỷ lệ sinh giảm liên tục như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của khối EU ít nhất là trong một thập kỷ. Trước tình hình tỷ lệ sinh giảm liên tục, đầu năm nay, Nội các Đức đã đồng ý tăng thêm phần thưởng cho những cặp vợ chồng chịu sinh con.