Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật

Câu chuyện người đàn ông tìm được sự công bằng sau 9778 ngày bị giam giữ về tội giết người đã khiến cho nhiều người xót xa.

Gần 28 năm trước, tại thôn Trương Gia yên bình ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc xảy ra một vụ án mạng gây rúng động dư luận. Nạn nhân là hai đứa trẻ trong làng và nghi phạm cũng là một người đàn ông sống gần đó, Trương Ngọc Hoàn.

Nghi phạm Trương Ngọc Hoàn vì muốn bảo vệ bản thân khỏi những trận đánh đập dã man ở trại giam cũng như lời đe dọa tổn hại đến gia đình nên cắn răng thừa nhận tội giết người. Không ngờ lời thú tội đó đã khiến cuộc sống cả nhà ông trở thành bi kịch, khốn đốn suốt gần 3 thập kỷ trên hành trình tìm lại sự công bằng.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-1
Vì mang tội giết người, cả gia đình của Trương Ngọc Hoàn đã bị hủy hoại.

Trở về thời điểm năm 1993, vào cuối tháng 10 năm đó, hai anh em Trương Chấn Vinh (6 tuổi) và Trương Chấn Vĩ (4 tuổi) sống tại thôn Trương Gia bỗng nhiên mất tích. Một ngày sau, thi thể của hai đứa trẻ được tìm thấy tại hồ chứa nước ở địa phương.

Vụ sát hại dã man làm tất cả người dân đều xót xa và sợ hãi. Trương Ngọc Hoàn khi ấy nghe tin cảnh sát đến khám nghiệm tử thi ở hiện trường cũng tò mò cùng mọi người đến theo dõi. Kết quả khám nghiệm cho thấy hai nạn nhân đều tử vong trước khi bị bỏ xuống hồ, nguyên nhân cái chết là do ngạt thở cơ học.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-2
Hồ nước nơi 2 thi thể được tìm thấy.

Nhớ lại hoàn cảnh ngày hôm đó, Trương Ngọc Hoàn nghẹn ngào kể: "Ngày hôm sau, khi tôi đang làm đồng thì các nhân viên cảnh sát đến hỏi thăm vài câu. Họ nói đưa tôi đi giám định vết thương trên tay, hỗ trợ điều tra vụ án. Tôi không ngờ khi tôi đi rồi thì không bao giờ được quay về nhà nữa".

Lúc đó trên bàn tay của Trương Ngọc Hoàn có vài vết xước do lúc làm việc vô tình gây ra. Cảnh sát tin rằng vết xước này chính là lúc ông Trương sát hại các nạn nhân nên bị thương. Theo ghi chép của hồ sơ vụ án, ông Trương đã lợi dụng cơn mưa vào đêm khuya để lén ra khỏi nhà phi tang thi thể hai nạn nhân ở hồ chứa nước.

Trong khoảng thời gian ở trại tạm giam, Trương Ngọc Hoàn kiên quyết không nhận tội giết người, thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, ông lại thay đổi khẩu cung, hai lần thừa nhận mình chính là kẻ gây ra cái chết cho hai đứa trẻ.

Tháng 1 năm 1995, Trương Ngọc Hoàn được đưa ra xét xử. Tòa án cho rằng nghi phạm gây ra tội ác dã man, giết người có chủ đích nên đã tuyên phạt án tử hình, hoãn thi hành án. Bản án khiến Trương Ngọc Hoàn ngất ngay tại chỗ.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-3
Trương Ngọc Hoàn trong một phiên xét xử.

Không thể chấp nhận bản án, Trương Ngọc Hoàn đã nộp đơn kháng cáo và cho biết ông chỉ nhận tội giết người để tránh bị đánh đập ở trại giam. Ông nói rằng một số cán bộ tại trại giam đã dùng vũ lực ép buộc ông nhận tội, thậm chí có người đã đe dọa làm tổn hại đến vợ con ông.

Tháng 3/1995, tòa án gửi trả hồ sơ để điều tra lại vì không đủ bằng chứng. Hành trình đòi lại công bằng, trả lại sự trong sạch cho bản thân của Trương Ngọc Hoàn tiếp tục kéo dài dai dẳng đến hơn 6 năm tiếp theo.

Đầu tháng 11/2001, vụ án của Trương Ngọc Hoàn được đưa ra xét xử lại. Kết thúc buổi xét xử, tòa vẫn giữ nguyên phán quyết cũ. Trương Ngọc Hoàn rơi vào trạng thái tuyệt vọng cùng cực, từng 2 lần tự sát trong trại giam nhưng may mắn được cứu sống.

"Tôi tưởng lần này mình có thể trắng án nhưng không ngờ bản án vẫn được giữ nguyên. Tôi đã không thể chấp nhận nổi sự thật đó", ông Trương nói. "Sau khi tôi tự tử, một tù nhân trong trại nói với tôi rằng nếu tôi chết đi thì mãi mãi tội giết người oan uổng này sẽ không bao giờ được rửa sạch, mọi người sẽ cho rằng tôi sợ tội nên tự tử. Nghĩ đến mẹ, vợ và các con vì tôi mà phải chịu điều tiếng, tôi biết mình phải tiếp tục sống và kháng cáo đến cùng".

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-4
Phía sau căn nhà cũ nát của Trương Ngọc Hoàn được cảnh sát xác định là hiện trường đầu tiên của vụ án mạng.

Những năm sau đó, ông Trương Ngọc Hoàn tiếp tục gửi thư cầu cứu và đơn kháng cáo, hy vọng có thể đưa vụ án ra xét xử lại nhưng nhiều lần đều bị bác bỏ. Tháng 6/2018, tòa án cấp cao tỉnh Giang Tây cuối cùng đã chấp nhận điều tra lại vụ án.

Đến tháng 7/2020, trong phiên tòa tái thẩm, các công tố viên đề nghị tòa xem xét lại và tha bổng Trương Ngọc Hoàn vì các lời khai của ông không nhất quán, các bằng chứng không đủ để chứng minh ông có tội. Sau 4 giờ xét xử, chủ tọa tuyên bố kết thúc phiên xử và kết quả sẽ công bố sau.

4 giờ chiều ngày 4/8/2020, tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Giang Tây tổ chức phiên xét xử công khai và tuyên bố Trương Ngọc Hoàn vô tội do vụ án không rõ ràng và đầy đủ bằng chứng, lập tức phóng thích. Trương Ngọc Hoàn và cả gia đình ông vỡ òa trong hạnh phúc. Sự kiên trì chờ đợi và đấu tranh đến cùng của họ đã giành lại được tự do cho ông Trương.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-5

Ngày hôm đó, ông Trương Ngọc Hoàn trở về làng trong tiếng pháo rợp trời và được cả làng đón chào nồng nhiệt. Dù rất hạnh phúc khi được trả lại trong sạch nhưng nỗi đau và những mất mát suốt 27 năm ông Trương phải ngồi tù là vô cùng khủng khiếp, không thể bù đắp được.

"Công lý đến với tôi hơi muộn màng", ông Trương cay đắng.

Trong khoảng thời gian ông Trương bị giam giữ, gia đình ông trải qua muôn vàn cay đắng. Mẹ già hơn 80 tuổi sức khỏe yếu mỗi ngày đều đứng ngóng ở cửa chờ con trai. Vợ ông từng bị ung thư phải phẫu thuật. Hai con trai vì có bố mang tội giết người mà bị phân biệt đối xử, phải bỏ học sớm để đi làm.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-6

Năm 1999, do hoàn cảnh bắt buộc, vợ ông Trương quyết định đi thêm bước nữa với điều kiện đặt ra cho người chồng mới là phải đối xử tốt với hai con trai riêng và cho phép cô thăm chồng cũ bất kỳ lúc nào.

"Lúc đó tôi và cô ấy đều khóc. Từ tận đáy lòng, tôi không muốn ly hôn nhưng thực tế quá phũ phàng. Cô ấy và các con tôi cần người chăm sóc. Tôi cũng mong cô ấy tìm được một người đàn ông tốt có thể lo lắng và bảo vệ cho mẹ con cô ấy", ông Trương nói.

Tò mò đến hiện trường án mạng, người đàn ông sốc nặng khi bỗng thành nghi phạm, gia đình khốn đốn gần 3 thập kỷ tìm sự thật-7

"Tôi đã chịu đựng nỗi đau không thể chịu đựng được của những người bình thường. Tôi đã đánh mất gần 30 năm tuổi trẻ, đây là điều mà ngay cả tiền bạc cũng không thể cứu vãn được. Là một người cha, tôi thất bại trong việc chăm sóc các con. Là con trai, tôi đã phụ lòng hiếu kính của mẹ. Tất cả những điều này đã gây ra tổn hại lớn cho gia đình tôi".

Nhìn về cuộc sống phía trước, ông Trương nói rằng điều quan trọng nhất là nuôi dưỡng và báo hiếu cho mẹ. Bản thân ông đã lớn tuổi, việc tìm người bạn đời sẽ rất khó khăn nên ông chẳng mong đợi gì. Ông cũng không dự định về sống với con trai vì không muốn gây thêm gánh nặng cho họ.

"Những thứ tôi đã mất đi không thể nào bù đắp được bằng tiền. Tuy nhiên tôi mong rằng mình có thể được thu xếp chỗ ở mới vì căn nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng, để tôi và mẹ có một nơi nương náu ổn định và tôi có thể tìm được việc làm phụ giúp gia đình".

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/to-mo-den-hien-truong-an-mang-nguoi-dan-ong-soc-nang-khi-bong-thanh-nghi-pham-gia-dinh-khon-don-gan-3-thap-ky-tim-su-that-162212609123819151.htm

Án mạng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.