Toàn cảnh vụ bắt cóc con tin chấn động Sydney

Tới đêm qua, tay súng khống chế hàng chục con tin trong quán café ở thành phố Sydney được xác định là người tị nạn Iran - một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan nhiều lần bị cáo buộc tấn công tình dục, tổ chức sát hại vợ cũ. Sau khi cảnh sát tổ chức tấn công giải cứu con tin, tay súng 50 tuổi và 1 con tin thiệt mạng.

Tới đêm qua, tay súng khống chế hàng chục con tin trong quán café ở thành phố Sydney được xác định là người tị nạn Iran - một giáo sĩ Hồi giáo cực đoan nhiều lần bị cáo buộc tấn công tình dục, tổ chức sát hại vợ cũ. Sau khi cảnh sát tổ chức tấn công giải cứu con tin, tay súng 50 tuổi và 1 con tin thiệt mạng.

Hai con tin giương lá cờ màu đen có chữ Ảrập ở trong quán café (ảnh lớn); Giáo sĩ người Iran tị nạn ở Úc, Man Haron Monis, được xác định là kẻ khống chế con tin ở Sydney (ảnh nhỏ). Ảnh: Telegraph, AAP
Hai con tin giương lá cờ màu đen có chữ Ảrập ở trong quán café (ảnh lớn); Giáo sĩ người Iran tị nạn ở Úc, Man Haron Monis, được xác định là kẻ khống chế con tin ở Sydney (ảnh nhỏ). Ảnh: Telegraph, AAP

Đêm qua, hơn 16 giờ sau khi vụ khống chế con tin xảy ra, cảnh sát đặc nhiệm Úc xông vào quán café, các hãng tin lớn của thế giới đồng loạt đưa tin. Cảnh sát vũ trang và nhân viên y tế có mặt tại hiện trường; vài người được khiêng ra khỏi tòa nhà bằng cáng cứu thương. Cảnh sát Úc tuyên bố, vụ giải cứu con tin đã kết thúc, robot xử lý bom mìn đang hoạt động tại hiện trường.   

Tay súng được xác định là Man Haron Monis - một người Iran được hưởng quy chế tị nạn chính trị ở Úc, BBC đưa tin. Cựu luật sư của Monis nói rằng, ông này là một nhân vật cô độc.

Nhân vật nhiều tai tiếng

Tối qua, báo điện tử 9News của Úc đưa tin, giáo sĩ Hồi giáo cực đoan Manteghi Bourjerdi (sau khi sang Úc đổi tên là Man Haron Monis) là hung thủ vụ khống chế con tin. Năm 1996, Monis từ Iran sang Úc, nhưng không được cộng đồng Hồi giáo chính thống ủng hộ. Monis từng được truyền thông chú ý khi phản đối sự hiện diện của lính Úc ở Afghanistan, gửi các lá thư với nội dung thù hằn tới gia đình lính Úc chết trận ở Afghanistan. Những năm gần đây, Monis bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan đến tấn công tình dục nhiều phụ nữ trong thời gian ông này giảng đạo, tổ chức sát hại vợ cũ… Monis hiện được bảo lãnh tại ngoại, sẽ hầu tòa vào tháng 2/2015 với cáo buộc tấn công tình dục và có hành vi khiếm nhã.

Monis bị kết án lao động công ích 300 giờ năm 2009, bị giám sát về hành vi trong 2 năm từ năm 2013. Cuối năm ngoái, ông này bị cáo buộc tổ chức sát hại vợ cũ là Noleen Pal. Bà Pal bị đâm và cơ thể bị đốt cháy trong một căn hộ. Tháng 4 năm nay, Monis bị cáo buộc tấn công tình dục 7 phụ nữ khi hành nghề với tư cách là chuyên gia thiền, ma thuật, chiêm tinh. Hồi tháng 10, ông này lại bị cáo buộc 40 lần phạm tội liên quan tình dục.

Trong giờ cao điểm sáng qua, tay súng khống chế các nhân viên và khách hàng trong Lindt Chocolat Café ở trung tâm Sydney. Đến cuối ngày mới có 5 người thoát ra ngoài. Sáu giờ sau vụ khủng hoảng con tin, ba người đầu tiên chạy ra khỏi quán. Không lâu sau đó, hai phụ nữ chạy ra từ lối cửa thoát hiểm rồi lao vào vòng tay của lực lượng cảnh sát đứng chờ bên ngoài. Hai phụ nữ này đều đeo tạp dề mang logo của quán Lindt. Năm người thoát ra ngoài nói rằng, tay súng cảnh báo đã đặt 2 quả bom trong quán và 2 quả khác ở trung tâm Sydney. Tuy nhiên, cảnh sát chưa xác nhận thông tin này. Tay súng cũng yêu cầu chuyển cho hắn một lá cờ của IS và được nói chuyện với Thủ tướng Úc Tony Abbott qua đài phát thanh. 

Phóng viên của kênh tin tức Úc Seven Network quan sát tay súng và các con tin suốt nhiều giờ qua một cửa sổ tầng 4 của văn phòng đối diện quán café. Họ thấy tay súng đi lại qua các cửa sổ của quán. Tay súng được mô tả là người để râu, mặc một chiếc áo phông trắng, đội mũ đen và mang khẩu súng có vẻ là súng săn. Họ cũng đếm được khoảng 15 người đang chống tay vào cửa sổ. Khi màn đêm buông xuống, các bóng đèn trong quán café bị tắt hết. Đến đêm 15/12, nhiều câu hỏi cơ bản về vụ khống chế con tin vẫn chưa được giải đáp. Cảnh sát từ chối cho biết có bao nhiêu con tin bị giữ trong quán và động cơ của tay súng có thể là gì, hắn có đưa ra đòi hỏi gì không và 5 con tin nói trên đã trốn thoát hay được thả khỏi quán. 

Cảnh sát trưởng bang New South Wales Andrew Scipione cho biết: “Trước tiên và trên hết, chúng tôi phải đảm bảo không gây nguy hiểm cho những người vẫn còn ở trong tòa nhà”. Quán café và sô-cô-la Lindt nói rằng, khoảng 10 nhân viên và 30 khách hàng bị khống chế trong quán. Ông Scipione nói cảnh sát vẫn chưa xác nhận vụ việc liệu có liên quan đến khủng bố. “Mục tiêu duy nhất của chúng tôi trong đêm nay hoặc có thể lâu hơn thế là đưa những người đang bị giữ trong tòa nhà đó ra ngoài an toàn”, ông Scipione nói. Kênh truyền hình Úc Channel 10 đưa tin, họ nhận được một đoạn phim trong đó một con tin trong quán café đã ghi lại yêu cầu của tay súng. Cảnh sát yêu cầu họ không phát sóng đoạn phim và ông Scipione đã đề nghị tất cả các phương tiện truyền thông được tay súng liên hệ hãy kêu gọi đối tượng đối thoại với cảnh sát. 

Cảnh sát phủ kín thành phố, các con phố đã bị phong tỏa và các văn phòng, Nhà hát Sydney bị sơ tán hết. Các tuyến tàu gần khu vực này phải ngừng hoạt động, giao thông ở cầu cảng Sydney bị phong tỏa. Người dân được yêu cầu tránh xa tòa nhà Martin Place. Trụ sở lập pháp bang chỉ cách đó vài tòa nhà. Những công nhân làm việc trong khu vực phong tỏa được yêu cầu nghỉ ở nhà trong hôm nay, cho thấy cảnh sát tin rằng vụ việc có thể kéo dài. “Đây là sự cố rất đáng lo ngại. Thật sốc khi những người dân vô tội lại bị bắt làm con tin bởi một kẻ có vũ trang có thể mang động cơ chính trị”, Thủ tướng Tony Abbott hôm qua phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia tại thủ đô Canberra.

Cờ thánh chiến, nhưng không phải của IS

Vụ việc bắt đầu vào khoảng 9h45 (giờ Úc) tại Martin Place, một trung tâm thương mại nằm giữa quận mua sắm và tài chính của thành phố đang đông người mua hàng dịp cuối năm. Các nhân chứng nói rằng, họ nhìn thấy một người đàn ông mang túi và súng đi vào quán. Đoạn phim phát sóng trên truyền hình được quay qua các cửa sổ quán cho thấy nhiều người giơ tay chống vào vách kính, còn hai người giương lá cờ màu đen có dòng chữ Shahada, tức lời tuyên bố trung thành với Hồi giáo. Loại cờ này thường được các nhóm thánh chiến sử dụng, nhưng khác cờ của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông. 

AP dẫn lời chuyên gia chống khủng bố Charles Knight ở Đại học Macquarie (Úc) cho rằng, vụ việc lần này có vẻ do “sói đơn độc” hành động, chứ đây không phải một cuộc tấn công do nhóm thánh chiến nước ngoài phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, GS Greg Barton ở Đại học Monash (Úc), cho rằng, tay súng có thể không hành động một mình và đã lên kế hoạch kỹ để đạt được mục đích. Hắn bắt cóc nhiều người ở một quán café đối diện đài truyền hình, lại sử dụng cờ đen có chữ Ảrập như để thu hút sự quan tâm của truyền thông, của cả thế giới, GS Barton nhận định.

Chính phủ Úc hồi tháng 9 đã nâng mức cảnh báo khủng bố trước nguy cơ những đối tượng ủng hộ IS tiến hành tấn công. Các nhóm thực thi pháp luật đã thực hiện hàng chục chiến dịch săn tìm và bắt giữ những kẻ tình nghi tại 3 thành phố lớn nhất, gồm Melbourne, Sydney và Brisbane. IS từng đưa ra lời kêu gọi thúc giục các tay súng thánh chiến tự mình tấn công ở nước ngoài, trong đó đề cập cụ thể nước Úc.

Infosys, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin lớn thứ hai của Ấn Độ, xác nhận một trong các nhân viên của họ nằm trong số con tin. Hơn 40 nhóm Hồi giáo trên khắp nước Úc hôm qua lên án vụ khống chế con tin tại trung tâm Sydney.

Theo Tiền Phong



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.