Trung Quốc mở dịch vụ 'hỏa táng' người sống

Tham gia "Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D" ở Trung Quốc, người thua cuộc sẽ phải nằm trên băng chuyền dẫn tới lò hỏa táng, với khí nóng và hiệu ứng ánh sáng như thật.

Tham gia "Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D" ở Trung Quốc, người thua cuộc sẽ phải nằm trên băng chuyền dẫn tới lò hỏa táng, với khí nóng và hiệu ứng ánh sáng như thật.

Trung Quốc mở dịch vụ 'hỏa táng' người sống
Trò chơi "Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D" lần đầu được trưng bày tại triển lãm của các doanh nghiệp xã hội ở Gongyi Xintiandi, Thượng Hải. Ảnh: CNN

"Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D" sẽ được mở của ở Thượng Hải từ tháng 9. Sau khi "hỏa táng", người thua cuộc sẽ được đưa tới một cái kén mềm mại và tròn trịa, đại diện cho sự "tái sinh". 

Ding Rui, người đồng sáng lập Samadhi cho biết, người thắng cuộc "cũng sẽ chết" bởi "ai rồi cũng phải chết, dù họ đã sống thế nào". 

Ding và đồng nghiệp, Huang Wei-ping, đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về hỏa thiêu, phương pháp mai táng phổ biến nhất ở Trung Quốc. Hai người thậm chí đã tới thăm một đài hóa thân và yêu cầu được nằm trong lò hỏa táng. 

"Ding vào đó trước. Tôi thấy rất căng thẳng khi phải quan sát từ bên ngoài. Người kiểm soát lò hỏa thiêu cũng lo lắng. Ông ấy chỉ quen đưa thi thể vào mà chưa bao giờ giúp con người thoát ra", Huang nói. 

Đến lượt mình, Huang thấy việc nằm trong lò hóa thân là quá sức chịu đựng. "Nhiệt độ trong đó rất cao. Tôi không thể thở và nghĩ mình sắp chết", anh nói. 

Trung Quốc mở dịch vụ 'hỏa táng' người sống
Lò hỏa thiêu của "Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D" được thiết kế như thật. Ảnh: CNN

Huang cho biết, anh bắt đầu quan tâm về sự sống và cái chết từ khi còn là một doanh nhân, bởi anh rủng rỉnh về tài chính nhưng nghèo nàn trong tâm tưởng. "Trung Quốc cho tôi sự giàu có, nhưng không dạy tôi cách để có một cuộc sống đầy đủ. Tôi đã lạc lối", anh nói. 

Huang chuyển sang tìm hiểu về tâm lý học và tình nguyện tham gia khắc phục hậu quả của thảm họa động đất Tứ Xuyên năm 2008. Không lâu sau đó, anh quyết định sáng lập "Hand in Hand", tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ các hoạt động tế bần ở một bệnh viện u bướu. 

"Tôi tìm thấy một hướng đi mới. Khi giúp đỡ người khác, tâm hồn tôi cũng được cứu rỗi", Huang cho hay.

Trong khi đó, Ding lại đi tìm ý nghĩa của cuộc đời bằng cách tổ chức các hội thảo về vấn đề này. "Tôi đã mời các chuyên gia từ nhiều tôn giáo và lĩnh vực khác nhau tới để nói chuyện về mục đích sống", anh cho biết. Và ý tưởng "trải nghiệm cái chết" ra đời. 

Trung Quốc mở dịch vụ 'hỏa táng' người sống
Sáng lập viên của "Samadhi - Trải nghiệm cái chết 4D", Ding Rui (ngoài cùng bên trái) và Huang Wei-ping (ngoài cùng bên phải), cùng hai nhà thiết kế của dự án. Ảnh: CNN

Ban đầu, hai người khá mơ hồ về nhu cầu dành cho mô hình trải nghiệm cái chết của người dân Trung Quốc đại lục, dù những trò chơi tương tự đã ra đời ở Hàn Quốc và Đài Loan. 

Tuy nhiên, công việc thiện nguyện giúp họ nhận ra mong muốn trải nghiệm những gì xảy ra sau cái chết của rất nhiều người. "Phần buồn nhất trong công việc không phải là chứng kiến các bệnh nhân ra đi, mà là nỗi đau của những người ở lại", Ding nói.

Để hiện thực hóa ý tưởng, Huang và Ding mở một chiến dịch gây quỹ trên Jue.so, phiên bản tiếng Trung của Kickstarter.

"Chúng tôi nhận hơn 67.000 USD trong 3 tháng, vượt xa mục tiêu ban đầu. Điều đó cho thấy rất nhiều người ở Trung Quốc tò mò về cái chết", Huang cho biết.

Ding hy vọng trải nghiệm độc đáo này sẽ giúp người chơi nhận được bài học về cuộc sống, khiến họ có trách nhiệm với cuộc đời và dũng cảm đối mặt cái chết. 

"Không giống những môn học dạy bạn giàu có và thành công, chúng ta không có đáp án chung về cuộc sống và cái chết. Bạn phải tự học để rút ra kinh nghiệm cho riêng mình", Huang nói.



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.