VFF siết chặt việc kiểm tra chất cấm với cầu thủ

Đây là một trong những quy định mới được Tổng cục TDTT yêu cầu VFF bổ sung vào bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2013.

Đây là một trong những quy định mới được Tổng cục TDTT yêu cầu VFF bổ sung vào bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2013.

Các cầu thủ sẽ phải kiểm tra doping từ mùa giải 2013. Ảnh: Thế Ngọc.

Công tác kiểm tra doping là một trong những vấn đề “nóng” nhất không chỉ của thể thao Việt Nam mà của các quốc gia trên thế giới. Ngoài vấn đề phạm luật thi đấu dẫn đến bị cấm thi đấu có thời hạn hoặc vĩnh viễn, một VĐV bị “dính” doping còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự quốc gia đó. Với kiểu sống buông thả của các cầu thủ trẻ Việt Nam hiện nay, rất khó lường trước những thứ mà họ sẽ làm.

Để đảm bảo công bằng trong thi đấu và phòng chống nạn doping trong giới cầu thủ, hôm qua, Tổng cục TDTT đã gửi tới LĐBĐ Việt Nam công văn số 1347/TCTDTT-VP do Phó tổng cục Trưởng Phạm Văn Tuấn ký, yêu cầu “sửa đổi, bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp áp dụng tại mùa giải 2013”, trong đó có nội dung rất quan trọng là yêu cầu từ mùa giải tới, sẽ “tiến hành kiểm tra doping bắt buộc đối với các cầu thủ tham gia thi đấu trong suốt mùa giải”.

Trước đó, liên tiếp cầu thủ dính tệ nạn xã hội liên quan đến ma túy nhưng đa số các trường hợp này đã không được xử tới nơi tới chốn, do CLB chủ quản bao che. Trường hợp gần nhất của trung vệ Huy Hoàng, đã được SLNA xử tội “quá chén”, khiến dư luận phản ứng. Đó là lý do mà Tổng cục TDTT yêu cầu từ mùa giải 2013, vấn đề kiểm tra doping các cầu thủ cần phải làm chặt.

Vài năm gần đây, ngành thể thao đã ý thức được tác hại từ việc sử dụng doping nên đã rục rịch xây dựng trung tâm kiểm tra doping trong nước. Dù rất tốn kém nhưng về lâu về dài, chi phí gửi ra nước ngoài xét nghiệm sẽ không quá sức như hiện nay. Quan trọng hơn, việc kiểm tra doping đại trà sẽ chấm dứt lạn gian lận trong thi đấu, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn cuộc sống bên ngoài xã hội của các cầu thủ.

Cũng trong công văn gửi VFF hôm qua, Tổng cục TDTT đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém và thực trạng của bóng đá Việt Nam, qua đó đưa ra một số yêu cầu phải bổ sung vào bản Quy chế bóng đá chuyên nghiệp mùa giải 2013.
Công văn ghi rõ: “Trong thời gian qua, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp đã bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng chuyên môn được nâng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong hoạt động thi đấu bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn có nhiều hạn chế như tình trạng thi đấu bạo lực, sử dụng chất bị cấm của cầu thủ còn chưa được ngăn chặn, số lượng cầu thủ ngoại của các CLB quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của các cầu thủ trong nước… Thêm vào đó, sau mùa giải năm 2012, tình hình tài chính của các CLB chuyên nghiệp có nhiều khó khăn, phải tiết kiệm chi phí trong mùa năm 2013. Vì vậy, theo quan điểm của Tổng cục TDTT, để góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực nêu trên và giúp cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp giảm bớt khó khăn, Tổng cục TDTT yêu cầu VFF nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt để áp dụng từ mùa giải năm 2013”.

Theo đó, ngoài việc tiến hành kiểm tra doping, Tổng cục TDTT cũng yêu cầu: “Giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có nhiều cơ hội thi đấu, tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế” và “Quy định cụ thể và tăng nặng các chế tài xử phạt các hành vi thi đấu bạo lực, thiếu văn hoá, sử dụng doping, chất bị cấm của cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài...”.

Theo Ngoisao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.