Chuyện lạ Vĩnh Long: Chen chân mua cá 'trời cho' lấm lem bùn đất

Không như các loại cá đồng, cá sông tự nhiên, không hề thả nuôi nhưng với hình thức “cá tự động vô ao nuôi sinh sống”.

Chuyện lạ có thật ở Vĩnh Long. Không như các loại cá đồng, cá sông tự nhiên, không hề thả nuôi nhưng với hình thức “cá tự động vô ao nuôi sinh sống”.

Những loại cá này tuy không lớn, nhưng khi mang ra chợ Trà Côn, huyện Trà Ôn khiến hàng chục người xúm lại, chen chân nhau mua.

Đó là hình ảnh bán cá “trời cho” tại chợ Trà Côn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vào sáng nay (14/4). Theo quan sát, hơn chục ký “cá trắng” đổ ra bán chưa đầy ba mươi phút chỉ còn…vài con.

Rất nhiều bà nội trợ tranh nhau lựa, mặc cho những con cá còn lấm lem sình bùn. “Cái đó bao nhiêu? - 600 gram 18.000 đ thôi chị. Còn cái này của anh hơn 2 ký, bán 2 ký luôn”. Tiếng cười nói giữa người mua người bán cá lấm lem sình bùn cứ thế mà sôi động cả một khúc chợ.

Chuyện lạ Vĩnh Long: Chen chân mua cá trời cho lấm lem bùn đất-1

Nhiều loại “cá trắng” như cá linh, cá mè, cá he,… ở Trà Ôn không thả nuôi mà tự động sinh sống trong ao, lớn hơn 2 ngón tay.

Người bán không kịp rao và người mua thì cũng “tự động ngồi xuống lựa”. Cá linh, cá mè, cá he,… “lớn nhỏ đủ loại, chỉ giá 30.000 đ/ký”. Vừa lựa cá, chị Võ Thị Năm (ngụ ở ấp Nhơn Trí, xã Nhơn Bình) cho biết, vừa mua cá lóc đồng, thấy “cá trắng” này “tươi, rẻ quá thấy ham” nên lựa hơn 2 ký.

Chị Năm cũng như rất nhiều người dân đang mua cá biết rõ về loại cá này. Nhiều người vừa lựa cá vừa trao đổi, cá này “trời cho” (chỉ các loài “cá trắng” như cá linh, cá mè, cá he,…) tự động theo nước vào mương cá nuôi, nó ăn và tự lớn, “tới hồi tát thu hoạch cá nuôi thì kéo bán nó luôn”.

Một người đàn ông đang lựa cá nói: “Cá này muốn chiên ăn…”. Người kế bên hướng dẫn liền: “Chiên cũng ngon mà xương dữ lắm à. Ai sợ xương thì kho với nước dừa và mía, nhưng phải nấu cho cá nhừ mới ngon!”.

Chuyện lạ Vĩnh Long: Chen chân mua cá trời cho lấm lem bùn đất-2

Người bán cho biết, cá trắng này từ ngoài sông tự động vô ao sinh sống, không nuôi nấng, chăm bẵm gì, tới hồi thì tát ao bắt đem bán.

Người bán cũng chính là người “nuôi”, chị Nguyễn Thị Tuyền (ngụ ở ấp La Ghì, xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn) cho chúng tôi biết, những con cá này cũng đang được bán tại chợ Vĩnh Xuân vào sáng nay. Vì sợ nó ngộp nên bắt lên là đem bỏ bao chở bán liền, chưa có rửa sạch.

Gia đình chị Tuyền nuôi cá hơn chục năm, với diện tích ao hơn một công đất. Chị Tuyền cho biết: “Mương tôi thường nuôi cá. Năm nay nuôi mè hoa, cá dãnh, cá phi. Sau khi nuôi 3 năm, tát ao cân bán cho thương lái”.

Khi thu hoạch cá nuôi, các loại “cá trắng” này cũng đem lại thu nhập khá cho người nông dân.

Còn các loại “cá trắng” đang bán, chị Tuyền nói: “Ngoài sông nó vô ao tự nhiên, không biết bằng cách nào mà vô được. Lần nào tát bán cá nuôi thì cũng có rất nhiều cá này”.

Nhiều người lựa cá xong góp ý, “bán cá mà không có nước để rửa tay”, chị Tuyền tình thiệt: “Tôi không phải người bán chuyên nghiệp, bà con thông cảm! Vừa kéo lên khỏi mặt nước là chở đi bán liền!”.

Có mặt tại đây, bà Thạch Cà Thol (ngụ ấp Thôn Rôn, xã Trà Côn) cho biết, chợ này cá đồng, cá sông cũng còn khá nhiều. Nhiều người bắt cá đồng, ghe còn đậu cặp bờ kè chợ, nhưng muốn mua cá đồng, cá sông thì phải đi thật sớm. Hôm nay hơn 7 giờ không khí chợ còn khá xôm tụ vì “bà con đến mua đồ ăn Tết Chol Chnam Thmay”-bà Thạch Cà Thol cho biết thêm.

Theo Báo Vĩnh Long


ngư dân

cá sông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.