Cơm “băm”, bún “chém" sau bến xe Giáp Bát

Sau khi một số quán “cơm chém” ở khu vực Bến xe Giáp Bát bị dẹp, quán cơm Hương Tuấn ở ngõ 897 đường Giải Phóng lại nổi lên

Sau khi một số quán “cơm chém” ở khu vực Bến xe Giáp Bát bị dẹp, quán cơm Hương Tuấn ở ngõ 897 đường Giải Phóng lại nổi lên, chủ yếu nhằm vào những người ngoại tỉnh lỡ độ đường.

50.000-60.000 đồng một suất bún chả lõng bõng, 70.000-80.000 đồng một bát phở lèo tèo dăm miếng thịt gà, hay gần 400.000 đồng cho 2 suất cơm bụi… nhưng thực khách vẫn phải “ngậm đắng nuối cay” móc ví trả tiền sau khi trót đặt chân vào quán cơm Hương Tuấn phía sau bến xe Giáp Bát.

chặt chém

Quán cơm “chém” Hương Tuấn

Bóp cổ người nghèo?!

Sau 1 ngày chạy khắp Hà Nội để xin việc đến mệt nhoài, trưa 19-5-2015 anh Vũ Thế Huy và Vũ Thế Long trú tại thôn Liên Phương, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn ra bến xe Giáp Bát để bắt xe về quê. Vì đến bến đúng giữa trưa, xe đã chạy hết nên 2 anh buộc phải chờ đến chuyến đầu tiên của buổi chiều. Trong lúc mệt mỏi vì chờ đợi giữa trời nắng gắt, hai anh bàn nhau vào quán cơm cạnh bến ngồi nghỉ, đồng thời cũng là tranh thủ lấp đầy cái dạ dày vốn trống rỗng từ sáng. Chọn một quán cơm bình dân nằm giáp với tường của dự án chợ Đuôi Cá tại ngõ 897 đường Giải Phóng, 2 anh Huy - Long gọi 2 suất cơm gồm: 1 bát canh cá, 1 đĩa đỗ luộc, 1 khúc cá kho, 5 miếng chả lá lốt, 4 miếng thịt gà và 1 chai bia.

Tuy đói và mệt nhưng khi suất cơm bày ra, dù rất cố gắng anh Huy cũng không thể nuốt nổi vì… đồ ăn quá tệ. Nhưng khi đứng lên gọi thanh toán, anh Huy cảm thấy choáng váng khi bà chủ quán cơm thông báo số tiền anh phải trả là 395.000 đồng. Bất bình với mức giá này, anh Huy thắc mắc thì chủ quán quắc mắt: “Giá ở đây nó thế, ăn rồi còn kêu gì?”. Nghĩ mình đất khách quê người, vả lại cũng đã trót ăn nên anh Huy cố gắng phân trần: “Chị xem tính lại giúp chứ đồ ăn dở quá, anh em tôi là dân thợ thuyền, không phải người kén ăn mà cũng không nuốt nổi phải bỏ lại hơn một nửa đây này”. Thế nhưng chủ quán nhất định không chịu: “Không ăn hết thì gói đem về, ở đây không có chuyện trả lại. Ai bắt gọi cho lắm vào”. Biết gặp phải quán cơm “chém”, anh Huy đành cắn răng thanh toán.

chặt chém

Bữa cơm “trị giá” 260.000 đồng của phóng viên tại quán “cơm chém” Hương Tuấn

Câu chuyện của anh Huy nhận được rất nhiều sự “cảm thông” từ cánh “xe ôm” hay những người bán quán nước ngay gần đó. Bà T, một chủ quán nước khi thấy anh Huy quay ra đã nói ngay: “Lúc thấy 2 chú rẽ vào quán cơm đó, tôi đã cố gọi theo mà không kịp. Đấy là quán cơm của nhà Hương Tuấn nổi tiếng là làm đồ ôi thiu và chặt chém ở khu vực này. Rất nhiều khách ăn cơm ở đó rồi ra đây than thở. Chính vì thế, dân chúng tôi từ “xe ôm”, taxi, lái xe khách hay cả hàng xóm láng giềng không ai dám vào quán của nhà đấy ăn cả”.

Câu chuyện của bà chủ quán nước thêm sôi động bởi sự xuất hiện của 4 thực khách khác quê Thanh Hóa. 4 vị khách này vừa từ quê lên thăm người nhà nằm viện và cũng bị “chém” 240.000 đồng cho 4 suất bún chả. “Em làm thợ xây đã 6 năm nay, đi ăn cơm “thiên hạ” từ Nam ra Bắc cũng nhiều nhưng chưa bao giờ gặp quán cơm nào “chém đẹp” và đồ ăn kinh hoàng như quán cơm này cả” – vị khách quê Thanh Hóa nói.

Trò kinh doanh vô lương tâm

Để tận mục sở thị “tay đao” của bà chủ quán cơm Hương Tuấn, trưa 20-5 chúng tôi quyết định làm thực khách của quán cơm này. Bữa cơm của chúng tôi gồm: 1 đĩa rau muống xào, 1 bát canh cá, một khúc cá sốt, 4 miếng chả lá lốt và 1 chai bia được bà chủ “chém” với giá 260.000 đồng. Và quả thực, đồ ăn của quán thì đúng như những phản ánh chúng tôi nhận được – không thể nuốt nổi.

Bát canh cá gồm toàn những vụn cá sốt và được bỏ thêm chút giá đỗ bốc mùi khét lẹt như thể nấu bằng dầu chiên thừa. Còn mấy miếng chả thì dù đã được hương vị của lá lốt át đi nhưng vẫn không thể át được thứ mùi của loại thịt ôi. Đem thắc mắc này phản ánh với bà chủ quán thì chúng tôi nhận được câu trả lời tưng tửng: “Giá là giá chung, tôi bán ở đây lâu nay chưa từng có ai kêu ca gì”.

Tuy nhiên so với 2 thực khách khác ngồi bàn bên cạnh là anh Trần Ngọc Trường và Phạm Văn Hậu (quê ở Đồng Lạc, Nam Sách, Hải Dương) thì hóa đơn của chúng tôi vẫn còn khá dễ chịu. Với 2 suất cơm rang lèo tèo thịt bò, 1 miếng chả lá lốt, 4 miếng thịt gà và 2 chai bia, anh Trường phải thanh toán số tiền là 335.000 đồng. Móc túi thanh toán cho bữa ăn “cắt cổ”, anh Trường ngậm ngùi: “Cơm Hà Nội có khác, nghe bà chủ tính tiền mà huyết áp tăng vùn vụt. Ăn vào bụng rồi nên đành phải chịu”. Và cũng giống như chúng tôi, đồ ăn của anh Trường gần như bị bỏ lại đến 2/3.

chặt chém

Dù đã gắp bỏ gần hết chả vì có “mùi là lạ”, nhưng anh Nam cũng không nuốt nổi suất bún 50.000 đồng


Một nạn nhân khác mà chúng tôi chứng kiến tại quán ăn này là anh Lê Hoài Nam ở Khánh Thượng, Yên Mô, Ninh Bình. Vì là sinh viên về quê nên không có tiền, Nam chỉ dám gọi một suất bún chả. Tuy nhiên khi suất bún được bưng ra, Nam phải gắp bỏ gần hết số thịt vì dính toàn muội và có “mùi là lạ” như được nướng bằng than tổ ong. Thế nhưng cũng chỉ gắp được 2 miếng thì cậu sinh viên này đành bỏ dở và vội vàng đứng dậy trả tiền vì quá hoảng khi nhìn thấy cảnh những thực khách trước đó bị “chặt chém”. “Suất bún đó em không thể ăn nổi, mùi kinh lắm anh ạ. Nước bún thì không hiểu đó là nước canh hay nước chấm nữa” – Nam nói. Số tiền mà Nam bị “chém” cho suất bún này là 50.000 đồng.

Cách đây 1 năm, dư luận đã rất phẫn nộ về hành vi kinh doanh thiếu đạo đức của một số quán ăn nằm tại ngõ 24 Kim Đồng và ngõ 897 Giải Phóng phía sau bến xe Giáp Bát. Những người dân ở đây cho biết, ngoài quán Hương Tuấn còn có quán M.Chuyên của bà chủ tên Phượng Ớt cũng bán đồ ăn rất mất vệ sinh nhưng “chặt chém” thì thuộc loại… quán quân.

Tuy nhiên, quán M.Chuyên sau đó đã bị dẹp và hiện chỉ còn quán Hương Tuấn. Đối tượng chính của các quán cơm “chém” kiểu này chủ yếu nhằm vào những người nghèo ngoại tỉnh lỡ độ đường để bắt chẹt. Với suy nghĩ, khách ở bến xe chỉ vào một lần và không bao giờ quay lại nên chủ quán tha hồ chặt chém, không quan tâm đến việc giữ uy tín, giá cả cũng như chất lượng phục vụ.

Theo ANTĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.