Dấu hỏi về hơn 42 nghìn tỉ đồng EVN gửi không kì hạn tại ngân hàng

Để hơn 42 nghìn tỉ gửi không kỳ hạn ở ngân hàng và gần 20 nghìn tỉ đầu tư tài chính ngắn hạn, EVN có đang lãng phí các nguồn lực tài chính?

Để hơn 42 nghìn tỉ gửi không kỳ hạn ở ngân hàng và gần 20 nghìn tỉ đầu tư tài chính ngắn hạn, EVN có đang lãng phí các nguồn lực tài chính?

Trao đổi với báo chí, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN từng cho biết: “Bản thân EVN cũng không muốn tăng giá điện nhưng đây là việc buộc phải làm, đảm bảo cho các nhà máy điện độc lập ngoài EVN có nguồn đầu tư”.

Để đánh giá tình hình tài chính của EVN, cần phân tích báo cáo tài chính của EVN trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trên website của EVN chỉ mới công bố báo cáo tài chính những năm 2014, 2015, 2016, 6 tháng 2017 và 6 tháng 2018.

Khó hiểu việc EVN gửi 42 nghìn tỉ không kỳ hạn

Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN ở thời điểm cuối quý II/2018 là 42,796 nghìn tỉ đồng; số liệu của khoản mục này ở cuối năm 2017 là 32,363 nghìn tỉ đồng (trước đó, năm 2015, 2016, EVN có khoảng 8 - 9 nghìn tỉ đồng trên tài khoản và 6 tháng đầu năm 2017 là khoảng 20 nghìn tỉ đồng).

Như vậy, rõ ràng khoản mục tiền và tương đương tiền (chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng) của EVN tăng rất mạnh trong 2 năm qua (132% 6 tháng 2018, 162% năm 2017 và 222% 6 tháng năm 2018). Nhưng vấn đề là, tại sao EVN lại để số tiền lớn như vậy trên tài khoản tiền gửi không kỳ hạn?

Dấu hỏi về hơn 42 nghìn tỉ đồng EVN gửi không kì hạn tại ngân hàng-1

So sánh lãi suất trên thị trường, có sự chênh lệch rất lớn giữa mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (chỉ ở mức 0.20%/năm) với mức lãi suất có kỳ hạn tối thiểu 1 tháng là 4,50%/năm và kỳ hạn 60 tháng, lãi suất có thể lên trên 6,80%/năm.

Nếu áp mức lãi suất này vào trường hợp của EVN (số dư bình quân 37 nghìn tỉ đồng, trong 6 tháng), chi phí cơ hội mất đi là vô cùng lớn, khoảng gần 800 tỉ đồng (= 37 nghìn tỉ đồng * (4,5%-0,20%) * 6/12).

“Nếu EVN quản trị tốt hơn dòng tiền, cơ cấu lại danh mục tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, hẳn nguồn lực tài chính khổng lồ này sẽ được sử dụng hữu ích hơn, tăng thu cho Tập đoàn hàng trăm tỉ đồng”, một chuyên gia cho biết.

Thêm gần 20 nghìn tỉ đồng đầu tư tài chính… ngắn hạn!

Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2018, số dư đầu tư tài chính của tập đoàn ở thời điểm cuối Quý II/2018 là 19,971 nghìn tỉ đồng; số liệu của khoản mục này ở cuối năm 2017 là 17,915 nghìn tỉ đồng.

Khoản mục này, theo như thuyết minh báo cáo tài chính bao gồm cả các khoản mục tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (toàn bộ là ngắn hạn). Tuy nhiên, ở báo cáo này, số liệu chi tiết không được công bố và đương nhiên, mỗi kỳ hạn, mức lãi suất cũng sẽ khác nhau.

Nắm tiền khủng, nhưng thu thuần từ hoạt động tài chính âm lớn

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng 2018 của EVN cho thấy, trong kỳ, Doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn này ở mức 2,431 nghìn tỉ, so với số thu cùng kỳ năm trước là 3,663 nghìn tỉ đồng; trong khi đó, Chi phí tài chính mà EVN phải chi ra là 11,901 tỉ đồng, cùng kỳ năm trước là 10,585 tỉ đồng.

EVN đang vay nợ khoảng 374,825 nghìn tỉ đồng dài hạn và hơn 22 nghìn tỉ đồng ngắn hạn. Như vậy, lỗ thuần từ hoạt động tài chính của EVN là rất lớn (6 tháng đầu năm 2018 âm 9,470 nghìn tỉ, cùng kỳ 2017 âm 6,922 nghìn tỉ).

Câu hỏi đặt ra là, tại sao EVN, với nguồn lực tài chính khủng (tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, đầu tư tài chính tăng mạnh trong 2 năm qua, đạt hơn 62 nghìn tỉ nhàn rỗi ở thời điểm Quý II/2018), EVN lại có kết quả thu thuần từ hoạt động tài chính âm ngày một lớn? (chênh lệch âm tăng thêm 35% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tiền vay ngân hàng chỉ tăng hơn 2%).

Câu hỏi này cần được lãnh đạo EVN giải trình, làm rõ. Đây là yếu kém trong quản trị tài chính hay còn động cơ nào khác?

Còn nhớ, ngay cuối năm 2017, EVN đã từng bị Thanh tra Bộ Tài chính kết luận là hạch toán sai gần 2.000 tỉ đồng nhưng tăng giá điện để bù lỗ.

Ngoài ra, EVN đã không tuân thủ quy định của Chính phủ tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP năm 2015 của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể:

Theo quy định tại Điều 18, DNNN phải công bố BCTC năm không muộn hơn ngày 31 tháng 5 của năm liền sau năm báo cáo. Tuy nhiên, đến nay, EVN vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 trên website của mình và trên website về công bố thông tin doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng không có dữ liệu này.

Mặc dù EVN không hoàn toàn chấp hành theo đúng quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP, tuy nhiên, việc EVN đã thực hiện công khai một phần thông tin tài chính, tình hình hoạt động (như đã được khai thác tại bài viết này) là rất đáng hoan nghênh; bước đầu tạo ra cơ sở hữu hiệu để người dân, công luận giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp, tránh các gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí các nguồn lực, tạo sức ép và động lực phát triển cho doanh nghiệp, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế.

Bài viết này là một minh chứng cụ thể cho việc người dân, công luận cùng phối hợp, giám sát việc đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nếu EVN có thể giải trình, làm rõ những vấn đề đặt ra trong bài viết, hẳn việc tăng giá điện sẽ được dư luận thông cảm, chia sẻ hơn.

Theo Lao Động


ngân hàng

tập đoàn điện lực

gửi tiết kiệm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.