Giá sữa khó giảm: Từ hợp lý đến... vô lý

Nông dân Việt Nam phải đổ sữa vì nhà máy không mua khiến người tiêu dùng kỳ vọng giá sữa sẽ giảm. Thế nhưng, ước mơ vẫn chỉ mãi là mơ ước!

Nông dân Việt Nam phải đổ sữa vì nhà máy không mua khiến người tiêu dùng kỳ vọng giá sữa sẽ giảm. Thế nhưng, ước mơ vẫn chỉ mãi là mơ ước!

Giá sữa nguyên liệu trên thị trường giảm gần 50% so với cách đây hai năm, nông dân Việt Nam phải đổ sữa vì nhà máy không mua khiến người tiêu dùng kỳ vọng giá sữa sẽ giảm. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đưa ra nhiều lý do giải thích cho việc không thể giảm giá sữa.

Lý do mà không ít doanh nghiệp sữa đưa ra lúc này là vì giá nguyên liệu chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của các sản phẩm, nhất là dòng sản phẩm sữa công thức.

Chưa hết, nguyên liệu nhập khẩu có giá như thế nào còn phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, khả năng dự báo, đánh giá của doanh nghiệp thể hiện qua hợp đồng được ký có thời hạn bao lâu. Bên cạnh đó, các yếu tố ngoài giá sữa như nhân công, bao bì... lại tăng. Còn về chuyện người nông dân đổ sữa ra đường, thực chất là do nông dân phá vỡ hợp đồng đã ký kết, không đảm bảo chất lượng sữa...

Những câu trả lời này nghe rất có lý. Vậy nhưng, nếu chắp nối với những gì đã xảy ra trước đó thì mọi thứ lại trở nên... vô lý. Cũng bằng giờ này năm ngoái, các doanh nghiệp sữa trong nước ào ạt tăng giá các mặt hàng, từ sữa bột đến sữa nước, sữa chua, dao động từ 5-10% mà lý do chính là giá sữa nguyên liệu nhập khẩu, nguồn chính để phục vụ thị trường biến động mạnh.

Mức tăng của giá sữa nguyên liệu được nhắc đến là 30-50% so với cùng kỳ năm 2013. Rồi đến khi Chính phủ quyết định áp giá trần cho mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số dòng hàng mới phải điều chỉnh giảm giá theo mức do Bộ Tài chính ấn định.
 

Các doanh nghiệp không giảm giá sữa vì giá nguyên liệu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành của các sản phẩm.


Tuy nhiên, bấy nhiêu chưa phải là lý do thực sự.

Những người trong ngành chia sẻ, khi có bất kỳ quyết định nào về giá, ba yếu tố được doanh nghiệp tính đến là cung cầu thị trường, động thái của đối thủ và khả năng chấp nhận của người tiêu dùng. Trong đó, yếu tố động thái đối thủ, tức là nhìn vào các doanh nghiệp cùng ngành hàng, nhất là đơn vị có thị phần lớn rất quan trọng.

Điều đó có nghĩa, nếu doanh nghiệp A muốn tăng giá hoặc giảm giá vì đầu vào biến động nhưng những doanh nghiệp dẫn đầu chưa có động thái gì thì doanh nghiệp A kia cũng sẽ không dám “động thủ”. Tăng giá trước thì sẽ mất thị phần, còn giảm giá trước thì sẽ bị các ông lớn o ép cách này cách kia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ tính đến khả năng chấp nhận của người tiêu dùng. Ngặt nỗi, ở Việt Nam, như chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp, chuyện tăng giá xem ra lại không nguy hiểm như giảm giá. Khi tăng giá, thời gian đầu doanh nghiệp bị sụt giảm rất nhẹ về thị phần nhưng rồi sau đó, mọi chuyện cũng trở lại bình thường. Vậy nhưng nếu giảm giá, doanh nghiệp lại mất thị phần. Bởi lẽ, “tâm lý của người tiêu dùng Việt Nam là hàng mà giảm giá bán là hàng chất lượng không tốt, nhất là với sữa, giá càng cao càng được tin tưởng”, vị này nói.

Vậy nên, cứ nhìn vào giá nguyên liệu rồi kỳ vọng giá sữa giảm theo, người tiêu dùng sẽ chỉ thất vọng. Giá sữa ở Việt Nam sẽ chỉ thực sự theo cung cầu thị trường khi người tiêu dùng không còn tâm lý “giá sữa càng cao, chất lượng càng tốt” cũng như không có doanh nghiệp nào giữ vị trí độc quyền hoặc có khả năng dẫn dắt, chi phối. Những điều này nhiều khi còn quan trọng hơn cả các công cụ quản lý như kê khai, đăng ký giá hay áp giá trần mà Việt Nam đang áp dụng.
 
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.