Giới siêu giàu, tỉ phú Việt sẽ phải ăn gà bằng kéo?

Trang bìa tạp chí Forbes Vietnam - trong số ra mắt - in hình tỉ phú Phạm Nhật Vượng thắt càvạt, đứng khoanh tay và mỉm cười vừa đa nghĩa, vừa bí hiểm. Nhưng sự nghiệp tỉ phú của người Việt đầu tiên lọt vào top Forbes có vẻ rất rõ ràng.

Trang bìa tạp chí Forbes Vietnam - trong số ra mắt - in hình tỉ phú Phạm Nhật Vượng thắt càvạt, đứng khoanh tay và mỉm cười vừa đa nghĩa, vừa bí hiểm. Nhưng sự nghiệp tỉ phú của người Việt đầu tiên lọt vào top Forbes có vẻ rất rõ ràng.

Vingroup nợ gần 20.000 tỉ đồng, nhưng không có nợ xấu. Và trong khi các dự án BĐS đắp chiếu với các ông chủ ''chết không có chỗ chôn'' thì Vincom, một mặt vẫn bán những tòa nhà, toàn ở vị trí đắc địa với giá không hề rẻ”, dễ như thể bán mớ cá tươi ngoài chợ cóc và một mặt tìm cách mua lại những dự án khác.

Vincom Center A và trung tâm thương mại tại Đà Nẵng là những ví dụ điển hình. Trong khi Vincom Center A- vừa được bán với giá 9.823 tỉ đồng, 13 con số - thì Vincom cũng đã mua lại trung tâm thương mại tại Đà Nẵng của Vina Capital; để sau đó, sẽ lại là một Vincom Center X ra đời và lại được bán với giá không phải ai cũng mua được!

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng trên trang bìa Forbes Vietnam số ra mắt.


Nói đến vị tỉ phú, người ta nghĩ ngay đến những gói mì tôm Miniva huyền thoại một thời tràn ngập xứ bạch dương, xuất phát điểm của khối tài sản.

Vị tỉ phú nói về quan điểm kinh doanh của mình như sau:

“Tôi là nhất định không làm loãng giá. Tôi thà đi vay tiền, thậm chí bán những tài sản khác để cấp dòng tiền, hoặc chấp nhận bán cổ phần... Tôi chấp nhận thiệt hại về mình để không gây thiệt hại cho khách hàng đã mua sản phẩm của mình”. Ừ, thì có thể là một lời PR.

Nhưng tất cả những chi tiết trong một vedette của Forbes cho thấy: Một tỉ phú 45 tuổi với ''xuất phát điểm mì tôm'' được thừa nhận. Từng “thịnh” đến mức cần phải có những chuyến tài chỉ để chở muối nguyên liệu. Một chiến lược kinh doanh nhất quán. Được bạch hóa bằng sự hiệu quả của những sản phẩm dự án trên thị trường. Sự “ích kỷ ghi bàn” của một người luôn muốn chơi ở vị trí tiền đạo. Và thật ngạc nhiên, na ná như chuyện tỉ phú Bloomberg với triết lý “muốn thành công thì đi tắm ít thôi”, ông Vượng giờ vẫn dành thời gian xuống… công trường. Tất nhiên, không phải để chụp ảnh quăng Facebook.

Phải nhắc lại câu chuyện tỉ phú người Việt vì hôm qua, dư luận bày tỏ thái độ bắt đầu bằng một chữ phổ thông là “choáng”, khi báo cáo của Công ty tư vấn Wealth-X (Singapore) và Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) công bố con số có 195 người Việt siêu giàu.

Siêu giàu có nghĩa là phải có tài sản từ trên 30 triệu USD.

Tất nhiên họ có lý do, bởi nếu số người siêu giàu của Wealth-X và UBS chỉ căn cứ vào những con số thống kê tài sản công khai, thì chắc chắn 195 chưa phải là con số cuối cùng. Còn những Tàng KengNam - đã bị phát hiện và những Tàng khác đang tàng hình trong những bộ complet ngồi trong các công sở, có khi còn đang ''chém gió'' về quyết tâm chống tham nhũng.

Điều mà xã hội Việt Nam thiếu- không phải là những người siêu giàu, những tỉ phú dollar, mà thiếu một sự minh bạch, để giải tỏa những dấu hỏi trong dư luận.

Tất nhiên, còn có một ý nghĩa khác khi rất dễ nhìn thấy trong chữ ''choáng'' của dư luận có gì đó giống như sự kỳ thị, với những người giàu hơn mình.

Có thể, sự chật vật trong việc kiếm cơm khiến người ta nhìn những chiếc Rolls Royce Phantom Rồng có giá 35 tỉ đồng với sự căm ghét không che giấu.

Có thể, trong hoàn cảnh DN chết như rạ, số người “siêu giàu” vẫn tăng mạnh khiến trong mắt người ta có những cái nhìn hình dấu hỏi.

Và cũng có thể, đó là cách nhìn rơi rớt lại từ thời bao cấp xa xưa, khi nhà giàu là một nỗi hổ thẹn, bị xã hội… kỳ thị.

Đỉnh điểm là những ý kiến, đại loại “Vì sao chúng ta lại đi ca ngợi những người giàu, trong khi còn biết bao nhiêu người thậm chí còn đói cơm”.

Thật lạ, với một đòi hỏi xã hội ai cũng phải như nhau.

Thật ra, phải đặt câu hỏi vì sao với chính câu hỏi vì sao đó, rằng vì sao lại có thể kỳ thị với những người giàu, nếu như sự giàu có của họ được minh bạch hóa để biết rằng: Đó chính là giá của những giọt mồ hôi, của những thất bại và thậm chí cả máu.

Trên Forbes, ông Vượng tâm sự: “Có thể hình dung là để có được những doanh nghiệp Việt Nam lớn, đàng hoàng là nhu cầu của xã hội, nhu cầu của những người tử tế; còn người xấu chỉ muốn đạp cho doanh nghiệp ấy chết”.

Có lý nào một xã hội vẫn chấp nhận sự kỳ thị những vị tỉ phú - khi mà thời “ăn gà bằng kéo” vì sợ hàng xóm nghe tiếng dao thớt - đã qua tự bao giờ.

Theo Đào Tuấn (Lao Động)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.