Hệ thống chuồng nuôi trong khu "chung cư lợn" được xây dựng, lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu.
Với đầy đủ máy móc hiện đại, các khu nhà cao tầng, có cầu thang máy, đường dẫn… đó là những đặc điểm khi miêu tả về chung cư mà ông Nguyễn Trọng Long (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) xây dựng để… nuôi lợn. Để có được khu "chung cư lợn" cung cấp hàng trăm tấn thịt lợn mỗi năm như vậy là cả quá trình học hỏi nghiền ngẫm đầy gian khổ của ông Long, một trong chín "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016.
Từ con số không
Bắt đầu có ý tưởng làm trang trại nhưng kiến thức về tổ chức một khu chăn nuôi với ông Long những ngày đầu mới bắt đầu chỉ là con số không. Trong số năm người anh em chung vốn cùng thì có bốn người xuất thân chẳng có chút liên quan gì đến việc chăn nuôi. Người làm nghề bật bông, người làm chăn ga gối đệm, người lái xe và người bán vật liệu xây dựng… Xuất phát điểm như vậy nhưng ông Nguyễn Trọng Long - Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Hoàng Long không hề nản chí.
Quay trở lại một thời gian trước đó, trước khi ý tưởng xây dựng một khu chung cư khép kín dành cho lợn với đầy đủ tiện nghi của ông Long xuất hiện. Thời điểm ấy ông đang làm xây dựng trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), thấy có nhiều doanh nghiệp nước ngoài lập trang trại nuôi lợn, thuê công nhân người Việt vào làm, ông lại chạnh lòng khi nghĩ họ từ nước ngoài tới nhưng lại chi phối hết, người Việt chỉ làm thuê. Nên từ đó ông rủ anh em có cùng chí hướng góp vốn để làm một trang trại lợn hiện đại của riêng người Việt.
Ông Nguyễn Trọng Long tham quan khu chuồng lợn. |
Có vốn, ông Long đã lập đề án xây dựng cụ thể để gửi lên UBND xã xin mặt bằng. "Khi mang hồ sơ dự án trình lên xã, ai cũng bảo là hâm. Ở cái đất chiêm khê, mùa thối cây lúa còn khó sống được, huống chi mở trang trại chăn nuôi quy mô hàng tỷ đồng, khác nào vứt tiền qua cửa sổ. Nhưng tôi kiên trì thuyết phục và cuối cùng đã được xã đồng ý cấp mặt bằng", ông Long kể.
Với số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng và 2ha đất cùng sự giúp đỡ và ủng hộ của chính quyền địa phương, năm anh em bắt tay vào xây dựng trang trại lợn theo ý tưởng của ông Long. Mỗi người mỗi ngành nghề nên phụ trách công việc khác nhau, ai từng đi làm công nhân, hiểu biết về cơ khí thì chịu trách nhiệm khâu hàn xì, xây dựng nhà xưởng. Người nào làm thầu xây dựng nhận trách nhiệm thiết kế mảng xây cơ bản. Những người còn lại, người được cử đi học thú y, người học quản trị kinh doanh…
Biết rằng kiến thức rất quan trọng nên ông bôn ba khắp nơi để học hỏi về kinh nghiệm làm chuồng trại và học thêm từ sách vở. "Ngày đó gian nan vất vả lắm. Có lần khi đến một trang trại chăn nuôi ở Bắc Ninh để xin học hỏi kinh nghiệm nhưng chủ không cho, chúng tôi phải trèo trộm qua tường rào để xem mô hình thế nào và kĩ thuật xây dựng chăm sóc của họ. Tôi còn bị mảnh sành đâm vào người chảy cả máu…", ông Long tâm sự.
Sau khi có nhiều kiến thức về chăn nuôi, ông Long nhận thấy với diện tích hơn 2ha mặt bằng do xã cấp, nếu tính xây trang trại theo cách truyền thống (chuồng trệt 1 tầng) thì sẽ không khả thi. Sau đó, ông cùng các anh em đã tính toán và tìm hiểu kỹ lưỡng việc xây dựng trang trại làm sao cho phù hợp với điều kiện địa hình, vừa tiết kiệm được diện tích, vừa đảm bảo quy mô lớn như trong đề án. Cuối cùng đã tìm được phương án xây nhà tầng và lắp cầu thang máy giống như ở chung cư cho người, để chăn nuôi" - ông Long chia sẻ.
Và rồi, trên khu đất ven sông, đồng ruộng chiêm trũng ấy mọc lên một khu "chung cư lợn" khang trang hiện đại. Xây dựng đến đâu, ông Long nuôi lợn đến đó, với những đồng vốn ít ỏi còn lại sau khi đầu tư vào cơ sở vật chất. Cũng như bao doanh nghiệp mới khởi nghiệp, trang trại của ông Long cho đến khi hoàn thành vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Điển hình như vào năm 2007, dù đã xong chuồng trại nhưng vẫn chưa hết vất vả bởi khu đất đó cỏ cây rậm um tùm, mùa mưa nước ngập đến nửa người. Đã từng có nhiều người khuyên ông từ bỏ đừng làm nữa, nhưng với sự quyết tâm biến khó khăn thành động lực, trang trại chăn nuôi của ông Long vẫn thành hình và bắt đầu phát triển. Doanh thu mỗi năm mà ông Long kiếm được từ khu chung cư lợn ngày một tăng.
Cổng vào HTX chăn nuôi Hoàng Long. |
Người "Công dân Thủ đô ưu tú"
Theo như ông Long cho biết, từ khi xây dựng, môi trường cảnh quan của khu chăn nuôi luôn được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là khởi đầu của ý tưởng khiến ông quyết định xây một khu chung cư ba tầng dành để nuôi lợn. Môi trường thông thoáng sẽ giúp vật nuôi sống khỏe và tránh được bệnh tật. Xung quanh khu vực "chung cư lợn", ông Long xây dựng hệ thống ao rộng thả bèo tây để điều hòa không khí và xử lý nước thải.
Hệ thống chuồng nuôi trong khu "chung cư lợn" được xây dựng, lắp đặt nhiều trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Chuồng trại kín đáo, đảm bảo điều chỉnh được nhiệt độ. Cũng nhờ đó mà trong hơn 10 năm qua, khu chăn nuôi của ông Long không hề có bệnh dịch.
Tại đây luôn có những biện pháp chủ động phòng bệnh. Lợn được vận chuyển từ chuồng úm (chuồng dành cho lợn con) lên trên chuồng nuôi lợn thương phẩm bằng thang máy. Trong trang trại có đầy đủ hệ thống máng ăn, hầm biogas, khu sản xuất thức ăn riêng cho lợn để đảm bảo độ "sạch" của lợn thương phẩm.
Với những người đến tham quan "chung cư lợn" thì đều phải thực hiện qua một quy trình sát trùng nghiêm ngặt và sử dụng đồ bảo hộ, giống như đi vào viện nghiên cứu khoa học hiện đại nào đó. Ông nói nhiều trang trại đã phải "dở khóc dở cười" khi rất chủ quan bỏ qua quy trình sát trùng và sử dụng bảo hộ trước khi vào tham quan trang trại. Bởi những người tham quan đi từ nơi có dịch bệnh đến và dịch bệnh được lây qua từ họ.
Đây là bài học quan trọng để các trang trại cũng như cho mỗi người có thêm ý thức khi đi tham quan các mô hình chăn nuôi điển hình. Về xuất nhập lợn ở "chung cư", ông Long đã bố trí một đường vào một đường ra, không để phương tiện, xe ôtô và cả dụng cụ chuồng nuôi đi qua. Theo ông Long, vì nhiều khi dịch bệnh thường lây qua chính từ con người (qua trại nọ trại kia) và qua vật dụng chuồng nuôi.
Hiện ông Long đang cho xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi - giết mổ - đến chế biến tiêu thụ sản phẩm với mong muốn tạo một chuỗi khép kín vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa làm chủ công tác phòng chống dịch bệnh.
Khu “chung cư” dành cho lợn. |
Để chủ động phòng bệnh cho đàn lợn tại trang trại, ông Long thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như cơ quan chuyên ngành thú y để biết ở đâu đang xuất hiện loại dịch bệnh gì, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, nơi nào có cách làm hay... để từ đó chủ động xây dựng kế hoạch phát triển trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho lợn.
Chỉ với diện tích hơn 2ha này nhưng hàng năm, như năm 2012 với trang trại ông đã cung cấp ra thị trường gần 800 tấn lợn hơi và hàng ngàn con giống các loại, doanh thu năm 2012 đạt gần 40 tỷ đồng. Hơn nữa, "chung cư lợn" của ông Long còn sản xuất ra những sản phẩm được coi là sạch trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang bủa vây bếp ăn của người dân.
Định hướng của trang trại ông năm tới là tiếp tục tập trung vào việc tăng đàn nái và tự sản xuất giống bố mẹ bằng việc phát triển chăn nuôi thêm 300 lợn nái ông bà; Nâng sản lượng thịt lợn hơi đạt 900 - 1000 tấn, có chất lượng tốt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 3000 con giống đạt tiêu chuẩn.
Ông Long chia sẻ thêm: "Hiện HTX đang xúc tiến việc xây dựng một lò mổ mini có công suất từ 4 - 6 tấn thịt/ngày. Theo đó, sản phẩm thịt lợn sạch sẽ được đóng gói, hút chân không và được đưa lên xe chuyên dụng chuyển đến cung ứng cho thị trường ở Thủ đô, sau đó sẽ mở rộng việc cung cấp thịt lợn sạch cho người tiêu dùng cả nước".
Say sưa kể về trang trại, về "chung cư lợn" của mình nhưng khi nói về chính bản thân, ông Long chỉ cười và nói ngắn gọn rằng ông có "chất" của một người lính Cụ Hồ với lòng đam mê và quyết tâm với nghề. Được biết, mới đây ông tốt nghiệp Đại học tại chức Quản trị kinh doanh ở cái tuổi 50. Bởi lẽ theo ông, chỉ kinh nghiệm thôi thì sẽ khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài mà còn phải có trình độ khoa học kĩ thuật mới có thể thành công.
Theo Cảnh sát toàn cầu