‘Mỗi tháng để ra 500.000 đồng, hơn 80 năm mới mua được nhà’

Đó là khẳng định của Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - tại buổi giao lưu trực tuyến về cơ hội mua nhà cho người nghèo tổ chức sáng nay ở Hà Nội.

Đó là khẳng định của Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - tại buổi giao lưu trực tuyến về cơ hội mua nhà cho người nghèo tổ chức sáng nay ở Hà Nội.

Theo ông Võ, với một gia đình có tổng thu nhập 9 triệu đồng/tháng (khoảng 100 triệu đồng/năm), thì sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, việc mua được nhà còn phụ thuộc vào số tiền để lại. Nếu số tiền để ra là 1 triệu đồng/tháng, sau hơn 40 năm, người có nhu cầu có thể mua được nhà, còn nếu 500.000 đồng, thì thời gian mua được nhà sẽ phải kéo dài tới 80 năm…nhưng mức này chỉ mua được nhà giá 500 triệu/căn.

Ông cũng tính toán, tỷ lệ giữa giá nhà trung bình trên thu nhập bình quân ở Việt Nam trước đây khoảng 25 lần, tức là nếu một người tiết kiệm được khoảng 25% thu nhập, phải mất 100 năm mới mua được nhà. “Đây là nghịch lý lớn nhất của giá cả bất động sản Việt Nam. Theo tính toán này thì chắc chắn mỗi người lao động dù rất tiết kiệm cũng phải đến khi chết mới mua được nhà”, ông Võ nêu ý kiến.


Với số tiền tiết kiệm hàng tháng 500.000 đồng, theo ông Đặng Hùng Võ, cũng phải hơn 80 năm, người dân mới có thể mua nhà. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, quy định “khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ” khi vay tiền ngân hàng mua nhà là rào cản lớn với người lao động thu nhập không ổn định. “Cho người nghèo vay tiền thì không thể áp dụng cơ chế bắt người nghèo chứng minh khả năng trả nợ”, ông Võ nêu quan điểm và bổ sung, tại nước ngoài, cơ chế áp dụng cho người nghèo vay tiền rất linh hoạt so với Việt Nam.

Chẳng hạn, ở Bangladesh có một nhà băng chuyên cho người nghèo vay tiền đã sử dụng cơ chế cộng đồng người nghèo, hỗ trợ, giám sát nhau trong việc sử dụng tiền vay cũng như việc trả nợ, và ngân hàng chỉ cần có mối quan hệ tốt với cộng đồng. Ở Việt Nam cũng cần những cơ chế tương tự, không nên áp dụng cơ chế cho người giàu vay tiền đối với nhóm đối tượng nghèo, ông bày tỏ.

Còn theo tính toán của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mức thu nhập hàng tháng 6 triệu đồng, người dân hoàn toàn có thể mơ về một căn nhà 30m2. Ông tiết lộ, ở Hà Nội, có một số dự án nhà thu nhập thấp giá bán chỉ 8-8,5 triệu đồng/m2, có loại diện tích hơn 30m2 giá khoảng 250 triệu đồng. Để mua được, khách cần có vốn đối ứng 50 triệu đồng, số còn lại 200 triệu ngân hàng cho vay. Trong vòng 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng, tính ra mỗi tháng trả 1,6 triệu tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi, chưa kể những tháng sau số này sẽ giảm theo dư nợ, nên thu nhập 6 triệu/tháng hoàn toàn có thể mua được nhà.

Tuy nhiên, ông Nam cũng nhấn mạnh, với những người có thu nhập quá thấp, chủ trương sau này là phát triển nhà cho thuê, và cho rằng, việc giải quyết khó khăn về nhà ở tại Việt Nam phải mất thời gian lên tới chục năm chứ không thể một sớm một chiều. Hiện tại, chủ trương của Bộ Xây dựng là tạo được tỷ lệ lớn những căn hộ giá 300-400 triệu đồng, thậm chí là những căn diện tích hơn 30m2 giá khoảng 240 triệu đồng. Cơ quan này cũng cam kết sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, địa phương tăng lượng căn hộ như vậy để phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở.

Theo Tri Thức



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.