Chị Phương kể, chị mệt mỏi và phải đầu hàng với chứng lười ăn của đứa con gái hai tuổi, mặc dù chị đã dùng đủ cách khác nhau. Thậm chí, có hôm chị bỏ đói con cả 1 ngày, chỉ ăn vài cái bim bim, vậy mà đến tối nó vẫn không chịu ăn cháo hay cơm. Được một đồng nghiệp mách, chị mua ruốc giun quế về cho con ăn.
“Ra các cửa hàng thực phẩm sạch, nhân viên bán hàng nói phải đặt trước ít nhất nửa tháng mới có bởi ruốc không có chất bảo quản nên hạn dùng ngắn. Sau đó, tôi hỏi về tận các trang trại nuôi giun quế để Gia Lâm để mua. Cũng may, chủ trang trại này vừa làm xong mẻ ruốc để ăn nên bán lại một nửa cho tôi”, chị Phương nói.
Bản thân chị Phương cũng không biết món ruốc này ngon, bổ tới cỡ nào, mùi vị ra sao vì chị ghê, không dám nếm thử. Tuy nhiên, khi đem trộn vào cháo cho con ăn, chị thấy mỗi bữa cháu ăn hết một bát, điều mà chị chẳng bao giờ dám mơ tới.
Cùng chung hoàn cảnh, chị Lan Anh ở Trần Cung (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ, chỉ cần nhìn thấy con giun thôi là chị đã nổi hết cả da gà. Nhưng, chị quyết tâm ép con trai ăn bằng được hòng mong ruốc kích thích con ăn ngon miệng hơn.
“Tôi cho con trai ăn ruốc giun được hai tháng nay rồi nhưng tuyệt nhiên không dám chấm mút tới, kể cả để nếm thử. Cùng lắm, tôi chỉ dám đưa lên mũi ngửi xem mùi vị có thơm hay không”, chị Lan Anh nói.
Theo ghi nhận của PV, ruốc giun quế trên thị trường còn gọi là ruốc địa long, ruốc trùn quế, có giá dao động 450.000-600.000 đồng/kg. Theo chị Hạnh, nhân viên một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Nguyễn Công Trứ (Thanh Xuân), nhiều người tưởng ruốc giun làm từ 100% giun nhưng thực chất không phải vậy. Đây thực chất là ruốc thịt lợn trộn với giun theo tỷ lệ 80% thịt lợn, 20% giun.
“Loại ruốc này có mùi thơm, ăn ngọt đậm như được nêm bằng hạt nêm hay mì chính. Nhưng thực chất, khi làm ruốc, người làm không cho bất cứ loại gia vị nào trừ mắm, muối”. Loại ruốc này không để được lâu (chỉ bảo quản trong tủ lạnh trong vòng 1 tuần) nên khách muốn mua phải đặt trước khoảng 2 tuần.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Liên, chủ trang trại giun quế ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, trong giun có từ 12-14% là đường nên nếu ăn nguyên giun sẽ có vị ngọt đắng giống như mì chính. Do đó, khi làm ruốc chỉ trộn với tỷ lệ nhất định, trộn nhiều quá ruốc ngọt rất khó ăn.
Theo bà Liên, hiện ở Nhật Bản, Đài Loan có tới 200 loại thực phẩm được chế biến từ giun. Bột giun được đưa cả vào bánh bích quy. Ở Ý, giun được dùng chế biến patê. Ở Úc, người ta ăn giun với món trứng ốp lếp. Nhiều nước khác cũng có nhiều cách chế biến giun thành các loại món ăn quý phái. Thậm chí, còn có cả đồ hộp làm bằng giun và bánh bích quy có giun.
Tuy nhiên, do giun làm thực phẩm cho người làm rất cầu kỳ, mất ít nhất 2 tuần mới làm sạch được nên các cơ sở chỉ làm theo đơn đặt hàng. Khách mua về có thể chế biến thành ruốc, cho vào canh nấu rau, nấu cháo, làm chả giun,...
Bác sĩ Phùng Đình Khánh, Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình, cho biết, giun quế hay còn gọi là địa long, không phải là loại sinh vật xa lạ với nhiều người dân ở vùng nông thôn Việt Nam. Đây là thực phẩm bổ âm nên có thể trị chứng biếng ăn của trẻ. Ngoài ra, giun quế sấy khô còn là loại thuốc đặc trị để chữa chứng tai biến mạch máu não của người già và được sử dụng trong các bài thuốc đông y khác.
Tuy nhiên, khi sử dụng làm thực phẩm thì các khâu chế biến giun quế phải thật sự đảm bảo vệ sinh để người dùng không bị nhiễm khuẩn. Cách làm sạch giun không hề đơn giản, phải dùng kim châm hai đầu để chúng xả hết chất thải. Nếu dùng nước mạnh để xả, các dịch nhầy tiết ra ở giun sẽ mất và không còn các tác dụng điều trị bệnh.
Theo VietNamNet