Shipper bỏ về quê: Chủ hàng ê ẩm lái ô tô, chạy SH giao hàng

Cận Tết, các shipper chuyên nghiệp đang oằn mình đi giao hàng, trong khi đó đội ngũ xe ôm kiêm giao hàng đã nghỉ sớm về quê.

Cận Tết, các shipper chuyên nghiệp đang oằn mình đi giao hàng, trong khi đó đội ngũ xe ôm kiêm giao hàng đã nghỉ sớm về quê. Không ít chủ cửa hàng phải đánh ô tô, đi SH ship cho kịp Tết.

"Cháy" shipper

Đang có một chậu lan cần gửi nhưng tới ba ngày, anh Trần Anh Duy - chủ một shop online tại Linh Đàm - vẫn không thể tìm được shipper (người chuyên đi giao hàng). Liên hệ nhiều cộng đồng shipper, đơn hàng của anh Duy đều bị từ chối vì lý do khó vận chuyển. Do khách cần gấp, anh Duy chịu trả chi phí gấp 3 lần nhưng các shipper vẫn lắc đầu. Sốt ruột vì số hàng còn nhiều, anh Duy đành phải đánh ô tô đi giao hàng cho khách.

Tương tự anh Duy, chị Nguyễn Thị Nga (kinh doanh đồ ăn) cũng đang khổ sở vì không có người giao hàng. Số đơn hàng đặt đồ ăn dịp Tết tăng mạnh nhưng gia đình chị méo mặt vì shipper đang trong tình trạng "cháy hàng". Không như ngày thường, chỉ cần lên diễn đàn là hàng chục người nhận đi, nhưng hiện nhiều người như anh Duy, chị Nga không tìm được shipper trên mạng.

Shipper bỏ về quê: Chủ hàng ê ẩm lái ô tô, chạy SH giao hàng

Cháy shipper dịp Tết

Chị Nga đặt qua ứng dụng shipper cũng gặp khó khăn do số lượng lái xe online rất ít. Hầu hết họ đều chạy bên ngoài để có thu nhập cao hơn và không phải trả phí cho đơn vị cung cấp ứng dụng. Chị Nga cho hay, mỗi đơn hàng chị đều tăng giá ship từ 20 nghìn đồng ngày thường lên 50 nghìn, thậm chí có đơn đi xa lên tới 100 nghìn đồng.

Trao đổi với giám đốc một đơn vị cung cấp shipper, ông này cho hay số lượng shipper ngày Tết giảm hẳn vì nhiều lái xe nghỉ sớm về quê. Đặc biệt, đội ngũ sinh viên cũng đã nghỉ từ 23 âm lịch nên rất khan hiếm shipper.

Mặc dù công ty có nhiều chính sách cho shipper nhưng họ cũng ít chạy qua ứng dụng. Những người ở lại kiếm thêm thu nhập thường ở gần Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Khảo sát các đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng đều đã từ chối nhận các đơn đi trước Tết. Anh Tuấn, quản lý một shipper tại Giải Phóng, chia sẻ, tất cả các nhân viên đều làm việc kín lịch. Đơn vị này sẽ chỉ hoạt động đến hết ngày 29 Tết nên các đơn hàng còn lại sẽ phải giao sau Tết.

Trong khi dó, anh Hải, một shipper chuyên nghiệp cho hay, ngày Tết mặc dù số đơn hàng nhiều nhưng các shipper thu nhập không cao bởi đường tắc thường xuyên. Để chạy được một đơn hàng, phí 50 nghìn đồng, các lái xe cũng mất thời gian trên đường ít nhất 1 tiếng, chưa kể tới việc đường đông có thể gây tai nạn, hỏng hàng.

“Đúng là ngày Tết mức giá cao thật, nhưng anh em cũng ít người đi vì riêng phục vụ các mối quen đã làm không hết việc. Để an toàn không phải đền hàng, chúng tôi đều chọn những loại dễ vận chuyển. Chúng tôi cũng chỉ giao hàng đến hết 28 Tết là nghỉ”, anh Hải cho biết.

Mất tiền triệu vì shipper

Anh Duy (chủ shop online bán lan) chia sẻ, trong đợt kinh doanh dịp Tết này anh đã mất hơn 10 triệu vì shipper. Do số đơn hàng lớn, anh Duy đã tìm shipper cạnh nhà. Cách đây mấy ngày, vìnsơ sẩy, lái xe đã gây tai nạn làm vỡ của anh 5 chậu lan, tổng giá trị đơn hàng hơn 10 triệu đồng.

Shipper bỏ về quê: Chủ hàng ê ẩm lái ô tô, chạy SH giao hàng
Giao hàng quá tải dịp Tết

Mặc dù vậy, anh Duy cũng không thể bắt đền shipper được bởi hai bên làm việc không có thoả thuận gì. Lái xe cũng khó khăn đi làm thêm nên không có tiền để đền bù.

“Đúng là dịp lễ Tết đường đông, chỉ cần sơ sẩy một chút là mất luôn cả chục triệu. Lỗi là của shipper nhưng mình đành chấp nhận thiệt thòi bởi bắt đền mà họ không trả thì cũng không làm thế nào được”, anh Duy chia sẻ.

Anh Duy cho biết thêm, do mặt hàng đặc biệt nên nhiều shipper không có kinh nghiệm rất dễ làm hỏng hoa. Mấy đơn hàng trước đó, anh đã nhận được phản hồi từ khách hàng là hoa bị hỏng, gẫy cành do vận chuyển không tốt. Anh Duy đã phải nhận trách nhiệm và đền bù cho khách. Đây là khoản chi phí phát sinh mà anh chưa tính tới.

Tương tự như vậy, chị Mai Thu (chủ shop hoa quả nhập khẩu ở Trung Văn) cũng bức xúc vì thùng hàng chuyển cho khách bị dập nát. Đơn hàng chuyển đi nhiều, chị gọi shipper xe ôm bên ngoài. Do chưa có kinh nghiệm nên lái xe đã làm đổ hàng, gây dập nát. Sau khi giao hàng, khách đã phản hồi đòi lại tiền.

“Đúng là mình chỉ biết hoàn lại tiền cho khách chứ làm thế nào. Khổ nhất là những đơn hàng mua quà đi biếu. Họ đã trả tiền trước, giờ không còn hàng để bù cho khách. Mấy ngày này, shipper làm ăn ẩu lắm, mình thì không thể kiểm soát được tất cả các đơn hàng”, chị Thu ngán ngẩm.

Cũng giống như anh Duy, chị Thu huy động thêm người nhà đi giao hàng. Những đơn hàng gần, chị Thu đi SH để giao cho kịp. Dù vất vả nhưng chị Thu vẫn yên tâm hơn là tìm shipper bên ngoài.

Theo VietNamNet


shipper

khách hàng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.