Súng giả, tai nạn thật bày bán công khai

Súng bắn đạn bi sắt, súng bắn đạn bi nhựa là mặt hàng thuộc dạng cấm kinh doanh, vì đây là đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực cao, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng.

Súng bắn đạn bi sắt, súng bắn đạn bi nhựa là mặt hàng thuộc dạng cấm kinh doanh, vì đây là đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực cao, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là những ngày cận tết, các mặt hàng thuộc dạng cấm kinh doanh này đang được bày bán tại các cửa hàng tạp hóa cho đến vỉa hè

Súng giả, tai nạn thật
.

Súng nguy hiểm kiểu gì cũng có

Hà Nội những ngày cận tết âm lịch không khó để người mua tìm thấy những đồ chơi bạo lực, nguy hiểm như súng ngắn, súng bán đạn bi, đạn sắt, đạn nhựa cùng nhiều đồ chơi bạo lực khác.

Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều các loại súng bắn đạn nhựa, súng bắn đạn bi được rao bán tại các cửa hàng bách hóa, trang web cho đến vỉa hè. Những khẩu súng được bán với giá 30.000 đồng đến một triệu đồng mỗi chiếc được công khai bày bán.
 Đơn cử như loại súng bắn đạn nhựa vẫn được các cửa hàng đồ chơi nhập bán với giá 30.000 - 100.000 đồng/chiếc có kết cấu vỏ nhựa nhưng bắn bằng lực nén lò xo rất căng, bắn vào người có thể gây bầm tím. Thậm chí, khi trẻ chơi, không may bắn vào mắt có thể gây mù mắt, ảnh hưởng đến thần kinh.

Phần lớn súng bắn đạn bi, đạn nhựa đều có nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc với tên gọi súng hơi hạng nhẹ. Một số loại súng tuy không được bày bán công khai nhưng chỉ cần người lớn dẫn trẻ nhỏ qua hỏi mua súng đồ chơi, chủ cửa hàng sẽ hỏi từng loại súng và cung ứng.

Một em nhỏ tên Huy hồ hởi cầm trên tay khẩu súng bắn đạn nhựa khoe: “Nhóm bạn trong xóm cháu được ba mẹ mua cho mỗi đứa một khẩu súng đạn bi từ hơn hai tuần nay. Mỗi chiều sau khi đi học về, cả nhóm rủ nhau ra khuôn viên chơi bắn nhau. Hôm nay cháu mới được mẹ mua cho khẩu súng bắn đạn nhựa. Tuy không được như các bạn nhưng bắn cũng căng lắm, đạn bay xa không kém súng đạn bi của các bạn”.

Nhiều trò chơi có xuất xứ Trung Quốc không an toàn cho trẻ nhỏ được bán tràn lan trên thị trường


Trên phố Lương Văn Can, Ngọc Khánh, Nguyễn Sơn (Hà Nội), các loại súng bắn đạn nhựa, đồ chơi trẻ em như ô tô được bày bán nhiều trên các kệ hàng. Đang lúc PV chần chừ xem hàng, bà chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Nguyễn Sơn đưa ra một khẩu súng nhựa có giá 35.000 đồng với lời mời chào: “Anh chị xem loại này đi. Đây đang là loại súng nhựa bán chạy, được lũ trẻ thích vì giá không quá cao, có thể sử dụng để chơi bắn nhau theo đội”.

Tại cửa hàng, bà chủ cho biết còn có loại đắt hơn với giá trên 100.000 đồng/khẩu. Mỗi khẩu súng loại này được trang bị thêm ánh laser, băng nạp đạn nhiều hơn tới 10 viên. Theo lời bà chủ, những loại đồ chơi bạo lực như súng bắn dù bị cấm nhưng nhập vào với giá thấp, bán với giá cao nên rất lãi. Mỗi khẩu súng bắn đạn nhựa nhập vào chỉ 10.000 đồng nhưng bán gấp hai, thậm chí gấp ba lần giá nhập. Súng AK giá gốc chưa tới 50.000 đồng/khẩu, nhưng về bán ra với giá cả trăm nghìn đồng.

Đạn bắn vào mắt vì chơi súng giả

Phần lớn các loại đồ chơi trên các tuyến phố Hà Nội đến phố cổ đều không rõ nguồn gốc, hoặc xuất xứ Trung Quốc. Thông tin về sản phẩm, hướng dẫn sử dụng chủ yếu bằng tiếng Hoa, phần chữ ghi bằng tiếng Anh mờ mịt, có phần bị tẩy xóa. 
Đặc biệt, sản phẩm không có chữ nào bằng tiếng Việt. Chị Nhung, chủ cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trước cầu Lũ thừa nhận, phần lớn các mặt hàng đồ chơi là mặt hàng trôi nổi hoặc không biết thông tin về sản phẩm. Các sản phẩm như đồ chơi, súng bắn đạn, robot điện tử, máy bay, ôtô các loại được bán với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn nhưng không được chứng nhận hay ghi thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, có những sản phẩm hạt bi tí hon, trò chơi lắp ghép có thể khiến trẻ nhỏ nuốt vào làm tắc thở ngay lập tức.

Chị Lê Thị Ánh Ngọc ở Thanh Xuân, Hà Nội đã từng chết lặng người khi nhận tin con trai nhập viện vì bị súng đạn nhựa bắn vào mắt. Chị Ánh Ngọc cho biết, mặc dù trước đó đã cấm con dùng nhưng do ngày thứ Bảy con trai được nghỉ nên cho con ở nhà chơi với bà ngoại. Ở nhà bà, con trai chị Ánh Ngọc đã xin bà ra chơi cùng các bạn. Một lúc sau, lũ trẻ cho nhau mượn súng, không may cháu bị bắn vào mắt. “Rất may khi đó, lũ trẻ dùng súng nhựa bắn ở cự ly xa nên mắt của bé tuy không phải mổ nhưng cũng ảnh hưởng đến giác mạc. Đến bây giờ, cháu vẫn còn đau mắt vì tổn thương chưa thể lành ngay” – chị Ánh Ngọc chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân đã bị một phen hú hồn vì trót cho con gái lên 5 tuổi chơi những viên bi, hạt đạn dùng để bắn trong súng đạn nhựa. Vì bận làm việc để kịp tiến độ nên chị Xuân đã để con gái cầm túi đạn chơi cùng cậu anh trai.

Vào buổi tối, con gái chị Xuân khó thở nên hai vợ chồng phải đưa con đi cấp cứu. Đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán có vật lạ trong khí quản. Khi bác sĩ gắp ra viên đạn nhựa, chị Xuân mới nghĩ đến túi hạt nhựa chị đã đưa cho con gái chơi lúc chiều. Sau chuyện này, chị Xuân đã quyết tâm không cho con chơi đồ chơi bạo lực.
Súng nhựa là đồ chơi nằm trong danh mục bị Nhà nước cấm kinh doanh. Tuy nhiên, một số chủ cửa hàng cho biết họ gần như không biết đến quy định này. Vì thế, cần xem lại công tác tuyên truyền trong hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn cho các bé trong nhà, góp phần hạn chế những điểm bán đồ chơi nguy hiểm, không rõ nguồn gốc, thay vì đợi các cơ quan chức năng vào cuộc, mỗi bà mẹ, ông bố nên là những người định hướng cho trẻ biết về sự nguy hại khó lường từ những đồ chơi bạo lực để tránh những tai nạn đáng tiếc như trường hợp kể trên./.

Theo Phapluatvn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.