Xăng dầu tăng giá: Doanh nghiệp vận tải ngại tăng giá

Doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá cước, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác chưa có nhiều biến động.

Doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá cước, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác chưa có nhiều biến động.

Sau khi giá xăng chính thức được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh tăng 1.616 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 713 đồng/lít trong ngày 11/3 vừa qua, nhiều lo ngại cho rằng, giá xăng dầu tăng sẽ tác động và làm tăng giá một loạt các loại mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác.

Doanh nghiệp vận tải “ngại” tăng giá

Vận tải hành khách và hàng hóa là loại hình kinh doanh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, chiếm tới 45% chi phí cấu thành của giá dịch vụ vận tải. Đồng thời, giá cước vận tải cũng sẽ có tác động mạnh đến giá nhiều loại hàng hóa khác. Do đó, sau nhiều lần giảm giá xăng dầu về mức thấp trong thời gian qua, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã tiến hành giảm giá phù hợp với giá thị trường, đảm bảo lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Với sự tăng trở lại của giá xăng dầu lần này, đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải khẳng định, giá xăng dầu tăng lần này chưa đến mức quá cao để doanh nghiệp phải tiến hành làm thủ tục thay đổi giá cước. Trên thực tế, mỗi lần thay đổi giá cước, doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu nhiều chi phí không nhỏ, đặc biệt là về thời gian.

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết, vận tải taxi có liên quan trực tiếp đến giá xăng dầu, tuy nhiên nếu giá xăng dầu chỉ tăng, giảm trong khoảng 2.000-3.000 đồng/lít thì doanh nghiệp sẽ không có động thái thay đổi giá cước. Chỉ khi giá xăng dầu tăng giảm quá mạnh, trong khoảng 3.000–5.000 đồng/lít, Hội đồng Quản trị của Tập đoàn mới họp để tính toán và ra quyết định điều chỉnh lại giá cước.

“Mỗi lần thay đổi giá cước đối với doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là doanh nghiệp taxi có nhiều đầu xe như Mai Linh là một chuyện không hề đơn giản. Với 12.000 chiếc xe taxi phải ngừng hoạt động kinh doanh để làm các thủ tục thay đổi giá cước sẽ gây xáo trộn lớn. Nếu làm thủ tục thay đổi giá nhanh nhất, mỗi xe cũng phải mất cả buổi, do đó, việc thay đổi giá cước đối với Mai Linh là việc làm bất đắc dĩ”, ông Hồ Huy cho biết.

Tuy nhiên, ông Hồ Huy cũng cho rằng, doanh nghiệp taxi Mai Linh cũng sẽ căn cứ vào biến động giá cả vận tải chung của thị trường, không cứng nhắc theo mức tăng giảm của giá xăng dầu. Chủ trương của Tập đoàn là giá cước sẽ luôn biến động nhịp nhàng với thị trường, thị trường quyết định giá cước.

Nhiều hãng taxi chưa có kế hoạch tăng giá cước theo giá xăng dầu.

Nhiều hãng taxi chưa có kế hoạch tăng giá cước theo giá xăng dầu.

“Quan điểm của HĐQT Công ty CP Tập đoàn Mai Linh luôn bám sát theo giá cước vận tải của thị trường, để thị trường quyết định. Mai Linh không quyết định giá, thị trường tăng giảm đến đâu Mai Linh sẽ theo tới đó, đồng thời bám sát vào các quy định, thông tư của Nhà nước về giá cả. Nói một cách khác, doanh nghiệp hoạt động theo quy luật thị trường nhưng có định hướng từ các chính sách của Nhà nước”, ông Hồ Huy nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho biết, thị trường vận tải không như trước đây, cứ mỗi khi giá xăng dầu tăng là doanh nghiệp vận tải tăng giá cước tức thì. Với mức tăng giá xăng dầu lần này trong khoảng 10%, chưa đến mức khiến cho các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định hoặc vận tải hàng hóa phải bù lỗ, do đó tạm thời các doanh nghiệp vận tải không điều chỉnh tăng giá cước.

“Theo nhiều tín hiệu từ thị trường, giá xăng dầu thời gian tới còn có xu hướng tăng, khi đó Hiệp hội cùng các doanh nghiệp sẽ chọn thời điểm thích hợp để làm căn cứ xây dựng phương án tính giá. Trong thời điểm giá xăng dầu chưa ổn định trong thời gian dài, các doanh nghiệp sẽ còn phải cân nhắc nên tăng, giảm giá cước lúc nào cho hợp lý, điều đó vừa tránh phiền phức cho doanh nghiệp, đỡ mất thêm chi phí”, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội cho biết.

Ông Liên cũng cho rằng, quan điểm của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cũng như các doanh nghiệp sẽ duy trì mức giá cước vận tải như hiện tại, khi giá xăng dầu tăng quá cao, Hiệp hội và các doanh nghiệp mới quyết định tăng giá, việc tăng giảm giá cước cũng cần phải có quy trình và thời gian nhất định.

Hàng tiêu dùng chưa ảnh hưởng từ giá xăng dầu

Theo khảo sát vào sáng hôm nay (13/3) tại một số chợ lớn của Hà Nội, giá cả các thực phẩm, rau xanh, sản phẩm tiêu dùng… hầu như chưa có nhiều biến động.

Tại chợ Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Du, chủ quầy bán thịt cho biết, trong thời gian trước Tết do nhu cầu tiêu dùng tăng cao đã khiến giá thực phẩm, giá các loại thịt tăng rất mạnh. Từ sau Tết đến nay, giá thịt các loại hầu như ổn định ở mức cao và chưa có thay đổi.

Anh Du cho biết, hiện giá thịt lợn các loại bán tại các quầy trong chợ dao động trong khoảng 80.000-100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt nạc thăn, thịt rọi, sườn có giá 100.000 đồng/kg, thịt chân giò, thịt mông sấn có giá 80.000-90.000 đồng/kg.

“Từ khi giá xăng dầu tăng, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tại chợ, nhất là giá thịt chưa có biến động. Có thể do nguồn cung trong chăn nuôi của người dân đang dồi dào nên với mức tăng giá xăng dầu như vậy cũng khó tác động đến giá thực phẩm”, anh Du cho biết.

Ngoài thịt lợn, các loại thịt bò, thịt gà, ngan, vịt và các mặt hàng thủy sản tại chợ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) thời điểm hiện tại cũng chưa có nhiều thay đổi. Giá thịt bò đang ổn định trong khoảng 280.000 đồng/kg, giá gà thịt sẵn ở mức 110.000-150.000 đồng/kg. Cá các loại dao động trong khoảng 60.000-100.000 đồng/kg, lượng hàng dồi dào, không có dấu hiệu khan hiếm.

Đặc biệt, giá các loại mặt hàng rau củ quả nhiều chợ nội thành có chút biến động nhẹ. Các chủ sạp bán rau củ tại chợ Hàng Bè cho biết, giá rau củ có tăng nhẹ từ nhiều ngày trước do ảnh hưởng của đợt mưa nhỏ kéo dài. Hiện giá rau xanh tăng 1.000-2.000 đồng tùy từng chủng loại. Giá rau muống ở mức 7.000-10.000 đồng một bó. Rau cần có giá 10.000 đồng một bó; Su hào loại to đang có giá 5.000 đồng một củ.

Tuy nhiên, một số mặt hàng hoa quả có xu hướng giảm hơn so với những ngày trước. Cụ thể tại chợ Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) giá xoài giảm còn 9.000-10.000 đồng/kg, một số loại hoa quả khác như thanh long, vú sữa, mận, chôm chôm giá có giảm nhưng mức giảm không lớn.

Theo VOV



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.