Người tiêu dùng vô cảm với giá xăng, hoang mang vì giá điện

Khảo sát cho thấy, dù giá xăng mới tăng ở mức khá cao, 1.600 đồng/lít, song không ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý người tiêu dùng bằng những thông tin về giá điện.

Khảo sát cho thấy, dù giá xăng mới tăng ở mức khá cao, 1.600 đồng/lít, song không ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý người tiêu dùng bằng những thông tin về giá điện.

Sau 13 lần giảm giá xăng liên tiếp từ năm 2014 tới đầu tháng 3 năm nay với tổng mức giảm là 9.970 đồng, tâm lý người tiêu dùng dường như chưa quen với việc giá xăng đã tăng trở lại.

Theo khảo sát của PV trên các đối tượng khách mua xăng ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp, sử dụng phương tiện khác nhau tại Hà Nội và TP HCM, việc xăng tăng giá 1.600 đồng/lít mới đây chưa có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống.

Shipper Nguyễn Văn Hải (Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, dù nghề nghiệp phải di chuyển trên xe máy cả ngày nhưng giá xăng tăng tới 1.600 đồng/lít hầu như không ảnh hưởng tới anh. "Chỉ cần sắp xếp cung đường hợp lý thì thu nhập mỗi ngày vẫn đảm bảo. Giá xăng tăng, mỗi ngày cũng chỉ như tốn thêm chén nước, cốc chè, không phải vấn đề lớn", Hải chia sẻ.
 

Giá xăng tăng 1.600 đồng/lít từ ngày 11/3 không ảnh hưởng nhiều tới người tiêu dùng. Ảnh: Anh Tuấn.

 
Chị Ánh Hồng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), một nữ shipper không chuyên, cho biết thêm, dịp trước Tết Nguyên Đán, xăng đã giảm giá mạnh, các khách hàng quen luôn thắc mắc tại sao xăng giảm mà phí vận chuyển hàng hóa không giảm. Nguyên nhân, theo chị, là giá dịch vụ vận chuyển bằng xe máy không phụ thuộc quá nhiều vào giá xăng mà thực chất, được tính dựa trên công sức bỏ ra của người vận chuyển, đóng gói hàng hóa.

Thời điểm cận Tết, đường xá tắc nghẹt khiến shipper mệt mỏi, năng suất lao động trong ngày giảm, mức phí vì thế càng không thể tăng giảm theo xăng. Cũng nhờ vậy, nay giá xăng tăng, giá loại dịch vụ này không thay đổi so với trước.

Đối với nhân viên văn phòng, dù phương tiện đi lại chính là ôtô, xe máy nhưng theo ý kiến chia sẻ của nhiều người, mốc tăng đầu tiên sau 13 lần xăng giảm giá liên tiếp "không phải vấn đề đáng đau đầu". Thậm chí, như cách nói của chị Mỹ Hạnh (nhân viên ngân hàng, KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội): "Giá xăng miễn cứ duy trì dưới 20.000 đồng là ổn!"

Theo chị Hạnh, chị Hồng và nhiều người được hỏi, việc giá xăng tăng trở lại đã được người dân dự đoán từ trước nên không mấy bất ngờ. Tuy nhiên, các thông tin về giá điện gần đây mới là vấn đề gây hoang mang dư luận. Cụ thể là giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ tăng 7,5% trong tuần tới và những thông tin về cách tính giá mới.

"Xăng tăng không đáng ngại vì mỗi ngày cũng chỉ dùng xe máy 1-2 lần nhưng điện thì phải dùng suốt nên nghe tăng là thấy lo rồi. Qua tìm hiểu, tôi được biết giá điện mới sẽ lên tới gần 1.700 đồng/số, lại sẽ tính theo cách mới mà chưa biết cụ thể thế nào, làm cách nào để tiết kiệm", nhà giáo về hưu Nguyễn Văn Long (quận 7, TP HCM) cho biết.

Lo việc tăng giá điện sẽ ngốn chi phí sinh hoạt không nhỏ trong tháng tới, bác Long đã huy động cả nhà cùng tham gia tiết kiệm điện. Thậm chí, dựa trên cách tính giá theo bậc thang cũ, bác đã vận động các con dâu, rể ở cùng nhà tách hộ khẩu, chia công-tơ để giảm số kWh tiêu thụ mỗi tháng, hưởng giá ưu đãi.

Chung tâm trạng, gia đình chị Lê Minh Ngân (phường 13, quận Gò Vấp, TP HCM) cũng cùng "hô khẩu hiệu" tiết kiệm điện. Chị Ngân cho biết, theo giá cũ, mỗi tháng nhà chị đã phải chi tới trên dưới 500.000 đồng tiền điện. Nay giá điện tăng 7,5%, lại tính theo cách mới, chị chỉ biết phí sinh hoạt sẽ tăng nhưng tăng bao nhiêu thì... "chịu".

Đúng như băn khoăn của người dân, nếu giá điện được tính theo bậc thang như cũ thì giải pháp tách hộ khẩu để chia công-tơ điện sẽ giúp người dùng "hạ nấc thang", tránh bị tính giá cao khi tổng số kWh tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, nếu áp dụng cách tính giá điện theo khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm thì việc chia hộ khẩu là vô ích.

Thậm chí, theo cách tính mới đang được cân nhắc trước khi đưa vào áp dụng, nếu người dân sử dụng điện trong giờ cao điểm, sẽ phải chịu thêm mức chênh gần 1.000 đồng mỗi số. Theo phản ánh của nhiều hộ dùng điện, khung giờ cao điểm từ 17h tới 20h, các nhà đều phải ăn uống, cho con cái học hành, đều dùng tới điện, rất khó tiết kiệm. Bên cạnh đó, cách tính giá điện theo giờ sẽ khó minh bạch, khó thể hiện rõ ràng trên hóa đơn như cách tính bậc thang cũ.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.