"14 năm đi dạy, tôi thấy mình mất đi nhiều thứ..."

14 năm qua, tôi thấy mình càng "chạy" càng đuối: Chưa đến được trái tim học trò, chưa nghe bằng tâm, nói những lời công kích gây tổn thương...

14 năm qua, tôi thấy mình càng "chạy" càng đuối: Chưa đến được trái tim học trò, chưa nghe bằng tâm, nói những lời công kích gây tổn thương...

Tôi từng là một học sinh trường chuyên, từng thi đỗ học sinh giỏi quốc gia và được tuyển thẳng vào đại học. Ra trường, tôi mang trong mình niềm nhiệt huyết phơi phới và ước mơ những tiết dạy của mình sẽ ghi lại dấu ấn trong lòng học trò.

Việc lên lớp với tôi vì thế không hề mệt mỏi. Tôi cảm thấy sức sống trong mình lúc nào cũng căng tràn.

14 năm đi dạy, tôi thấy mình mất đi nhiều thứ...-1

“Tôi từng là một giáo viên nhiệt huyết khi mới vào nghề” – Cô giáo Lê Thanh Nga

Phải kể thêm rằng mẹ của tôi là một giáo viên nghiêm khắc và rất có uy tín trong ngành. Tôi từng nghe một đồng nghiệp của bà kể lại rằng, trong một tiết dạy, cô rất khó khăn trong việc làm cho lớp học yên tĩnh. Bỗng nhiên, học sinh im phăng phắc. Cô rất ngạc nhiên nhìn xuống thì thấy mẹ tôi đang đứng ở cửa sổ. Đám học trò rất sợ “cái uy” của mẹ tôi.

Vì thế, khi ra trường tôi cũng muốn được như mẹ là trở thành giáo viên có uy với học sinh. Tôi tin rằng muốn tiết học hiệu quả thì lớp học cần nghiêm túc. Khoảng cách giữa giáo viên và học sinh cũng phải rõ ràng trên dưới.

Điều này vô tình khiến tôi nghĩ mình là người cho đi còn học sinh là người nhận lại. Và trong nhiều năm liền tôi trở nên áp đặt học trò.

Nhưng càng về sau, khi bản thân phải gồng lên để tạo ra không khí lớp học nghiêm túc, tôi thấy mình mệt mỏi. Đặc biệt, tôi lại công tác trong môi trường bán công, đối tượng là những học sinh rất đặc biệt và sức học không thực sự tốt.

Tôi luôn đặt ra một ngưỡng khá cao. Khi học trò không đạt được kỳ vọng, tôi thấy khó chịu và rất tức giận. Nó giống như thể công sức mình bỏ ra lãng phí và không được đền đáp. Khi quá mệt mỏi, tôi bắt đầu sử dụng những lời nói gây tổn thương học trò.

Những lời nặng nề có lẽ không nên nói ra ở đây. Nhưng những ngôn ngữ để mỉa mai học sinh tôi sử dụng rất nhiều.

Ví dụ, có những câu hỏi đơn giản học trò không trả lời được, tôi hay nói rằng: “Ra cổng rẽ trái, đi khoảng 200m, mua một thứ rất tốt cho hai, ba thế hệ của em”. Học sinh của tôi ngơ ngác chưa hiểu đó là thứ gì. Tôi nói rằng: “Đó là muối iot. Chắc em cần phải ăn muối iot để tăng cường trí thông minh”.

Khi tôi nói những câu như thế, học trò vẫn cười. Kể cả học trò là “nạn nhân” của những câu nói ấy cũng không có biểu hiện gì cảm thấy xấu hổ hay tổn thương. Do đó, tôi thấy điều này hết sức bình thường.

Nhưng thực ra, tôi đang ở đỉnh dốc mất đi sự tôn trọng giữa thầy và trò.

14 năm đi dạy, tôi thấy mình mất đi nhiều thứ...-2

“Tôi đang ở đỉnh dốc mất đi sự tôn trọng giữa thầy và trò” – Cô giáo Lê Thanh Nga (Ảnh: VTV7)

Tôi hay tỏ thái độ với học sinh, đặc biệt với những học sinh cá biệt. Học trò quậy phá, khi sự tức giận đẩy lên đến “tận cổ”, tôi bắt đầu “tổng xỉ vả” các em để xả cơn tức ra ngoài. Thậm chí, khi cơn tức giận chưa nguôi ngoai, tôi mang cả chúng về nhà. Chồng con của tôi cũng đã phải hứng rất nhiều “đạn” từ mẹ, từ vợ. Tôi thấy thương những đứa con của tôi khi phải khép nép trước những cơn thịnh nộ ấy.

Sau 14 năm đi dạy, tôi nhận ra nhiệt huyết trong mình đã vơi cạn đi rất nhiều. Nó giống như thể một cục pin sắp hết điện, càng "chạy" càng đuối.

Tôi vẫn có thể cứ tiếp tục dạy như thế. Nhưng sau 20 năm về hưu, có lẽ tôi sẽ cực kỳ hối hận. Quay lại nhìn dấu ấn nghề nghiệp, gần như tôi không có gì ngoài mấy giải thưởng, bằng khen. Và 20 năm sau nữa có lẽ sẽ chẳng có gì cả.

Tôi không hề thấy thoải mái! Học trò của tôi cũng chẳng hề thấy hứng thú, vui vẻ gì. Thậm chí trong suốt một thời gian dài, học trò của tôi cảm thấy áp lực, khốn khổ vì bị kẹp giữa kỳ vọng của bố mẹ, kỳ vọng của thầy cô trong khi năng lực lại có hạn.

Tôi muốn bản thân phải thay đổi mặc dù rất khó khăn.

Tôi nhớ thầy Peck Cho, một giáo sư người Hàn Quốc từng nói, thay đổi không phải là thay đổi 180 độ, cũng không phải làm điều gì đó vĩ đại. Đó chỉ là thay đổi rất nhỏ như tâm lý của giáo viên phải thoải mái khi vào lớp.

Ngoài ra, tôi không còn đòi hỏi học sinh quá cao. Tôi không so sánh học sinh này với học sinh khác mà trân trọng sự tiến bộ của chính học sinh đó ngày hôm nay so với ngày hôm qua. Dần dần, tôi cũng nhận lại những tín hiệu tích cực.

Tôi nhận ra khi lên lớp với một tâm lý thoải mái, bản thân giáo viên được nhiều hơn học sinh. Cuộc sống của tôi trở nên nhẹ nhõm; áp lực cũng không còn lớn nữa. Tôi cảm nhận được niềm vui trong quá trình dạy học.

Mặc dù niềm vui ấy không còn được như lúc ban đầu hay háo hức như một “cô dâu mới”, nhưng tôi cũng đã cảm thấy hạnh phúc hơn khi đến lớp.

Trong những giờ học của mình, tôi tích cực lồng rất nhiều câu chuyện vào bài giảng để bài học sinh động khiến học trò thích thú.

Tôi cũng phân ra đối tượng để dạy học tới từng học sinh. Một là đối tượng thi đại học, tôi tập trung nhiều hơn vào kiến thức. Còn lại với đối tượng “học để biết”, tôi sẽ tìm cách đưa những chi tiết cần rút ra để học trò có thể ứng dụng trong cuộc sống sau này.

Ví dụ, khi đến bài nước Mỹ giữa hai cuộc chiến tranh, để học sinh nhớ được năm 1933 Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô rất khó. Học sinh sẽ phải nhớ khi đó chủ nghĩa phát xít đang lên ở châu Âu. Đến khi có nguy cơ gây ra chiến tranh, họ phải tìm kiếm đồng minh.

Tôi nhấn mạnh cho học sinh rằng, cuộc đời của chúng ta không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng không có bạn bè vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn.

Học trò bắt đầu thích thú, lắng nghe hơn.

Ngoài ra, tôi còn thay đổi trong thái độ là chấp nhận sự khác biệt. Tôi không còn “phát điên” lên với những học sinh cá biệt.

Có một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu nhưng khiến tôi vô cùng hối hận. Trong giờ kiểm tra, một  học sinh vào lớp muộn. Khi vào lớp, cậu học trò này không chịu làm bài mà gục đầu xuống bàn ngủ. Tôi vô cùng tức giận. Đến khi đọc điểm, tôi không thấy bài của em đâu. Bạn lớp trưởng đã đứng lên thưa rằng: “Bạn ấy có làm đâu cô? Bạn ấy vứt bài của cô trong ngăn bàn”.

Đỉnh điểm của cơn tức giận đã khiến tôi định cho em điểm 0. Sau đó, tôi đã gặp giáo viên chủ nhiệm để phản ánh sự việc. Khi tìm hiểu tôi mới biết rằng em học sinh này mắc một căn bệnh lạ mất ngủ triền miên. Các giờ học trên lớp em nghỉ rất nhiều và đến trường trong sự mệt mỏi. Dù vậy, em luôn nỗ lực học và sức học rất tốt. Khi biết được điều đó, tôi rất hối hận vì đã không cảm thông với học trò.

Tôi nhận ra bản thân còn nhìn học sinh quá phiến diện quá. Tôi chỉ chú ý đến cảm xúc của bản thân mà không quan tâm tới học sinh. Lẽ ra có những điều tôi có thể làm tốt hơn.

14 năm đi dạy, tôi thấy mình mất đi nhiều thứ...-3

“Tôi muốn bản thân phải thay đổi mặc dù rất khó khăn” – Cô giáo Lê Thanh Nga

14 năm qua, tôi thấy mình mất đi nhiều thứ.

Tôi chưa đến được với trái tim của học trò nên học trò chưa trao cho mình cả trái tim.

Tôi mới chỉ nghe học trò bằng tai mà chưa nghe bằng tâm của mình.

Tôi nói những lời lẽ công kích gây tổn thương và khiến học trò phải xấu hổ.

Tôi dần làm mất đi sự gần gũi cần thiết giữa cô và trò.

Thời đại thay đổi khiến giáo viên cũng phải thay đổi. Tôi nhớ rất rõ ngày xưa mình từng bị cô giáo đánh đến sưng cả tay chỉ vì viết hai màu mực. Lớp học ấy tuyệt vời bởi 100% học trò đều rất thành đạt. Tôi cứ nghĩ rằng, thầy nghiêm khắc sẽ tạo ra trò giỏi.

Nhưng sự “uy quyền” ấy đã không còn phù hợp với giáo dục thời nay. Tất nhiên giáo viên không thể thay đổi từ cực nọ sang cực kia, từ nghiêm khắc để tạo không khí căng thẳng sang dễ dãi hoàn toàn. Nhưng nhất thiết đó phải là không khí tích cực, có sự cảm thông, tương tác và chia sẻ.

(Ghi theo lời chia sẻ của cô giáo Lê Thanh Nga, giáo viên dạy môn Lịch sử, Vĩnh Phúc)

 

Theo VietNamNet


dạy học

thầy cô

học sinh giỏi quốc gia


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.