Thầy giáo cũ của tôi, một người dạy toán cực giỏi, 28 tuổi đã là hiệu phó cấp 3. Ở thời buổi mỗi huyện có một trường cấp 3, thầy là một trong những hiệu phó trẻ nhất nước, đường đi thênh thang.
Đùng một cái, thầy nghỉ. Mười mấy năm sau, một ngày, tôi gặp lại thầy ở Sài Gòn. Thầy kể hồi đó đi học sư phạm ở Cần Thơ, thầy yêu một cô gái nghèo. Ra trường, về dạy nhiều năm, nhớ quá, thầy vào Cần Thơ chấp nhận làm đủ nghề, bán chợ trời, dạy kèm… để cưới cô đó.
Bà xã thầy thấy cực quá, qua Australia làm thuê chui. Có chút vốn, vợ chồng con cái kéo nhau lên Sài Gòn ở trọ, cô bán quà vặt cổng trường, thầy xin làm bảo vệ trường ban ngày, tối làm gia sư, rồi làm giám thị, rồi giờ lại được hợp đồng dạy.
Thầy nói: Có kiến thức và kỹ năng thì có nghề. Nghề nào chân chính nuôi được thân thì đấy là nghề, dù bảo vệ hay bán chợ trời. Quan trọng là phải nuôi sống bản thân bằng công việc chân chính.
Một thầy giáo khác của tôi - và của nhiều nhà báo khác - là người Thụy Điển kể ông có duy nhất một đứa con trai. Nó học xong đại học, có việc làm trong một tòa soạn báo lớn ở Stockholm, sau nó học thạc sĩ rồi tìm được học bổng qua Mỹ học tiến sĩ. Hai năm nó không về thăm nhà, email chỉ nói mọi chuyện rất ổn. Rồi một ngày nó về và bảo: “Ba chúc mừng con đi!”. Ông định chúc mừng chàng tiến sĩ truyền thông thì nó nói trước: “Không, ba hãy chúc mừng vì con đã trở thành một người hạnh phúc!”.
Ra là nó đi Australia, yêu một cô thổ dân và quyết định bỏ ngang chương trình tiến sĩ, đi học một khóa huấn luyện để trở thành nhân viên cứu hộ bờ biển ở nước này, lương thấp èo so với mức thu nhập trước đây và càng thấp hơn những gì một tiến sĩ truyền thông có thể kiếm. Nó nói miễn con có một nghề chân chính, con thấy lương vậy là phù hợp và con yêu vợ con, yêu biển và yêu nghề.
178.000 ông nghè - bà cử thất nghiệp, tôi nghĩ không có chuyện gì lớn. Tôi cũng không rõ sự thất nghiệp được tính trên tiêu chí nào nhưng khoan vội đổ lỗi cho xã hội. Tư duy “có việc làm” đồng nghĩa với việc đi làm thầy giáo, nhân viên công ty, chuyên viên hay công chức, viên chức xưa rồi. Hãy nghĩ bạn cần có một việc làm nuôi thân, có trách nhiệm với bản thân và gia đình trước khi đòi hỏi gì ở xã hội.
Đừng nghĩ có cái bằng cử nhân (trừ cử nhân sư phạm) thì có thể làm thầy thiên hạ. Và giả sử nếu kẹt quá mà phải xin làm việc ở nhà máy, hãng, xưởng thì cũng đừng băn khoăn sao tôi cử nhân, kỹ sư mà được trả tiền thấp hơn thợ cơ khí. Vâng, nếu cử nhân mà không giỏi, được tuyển làm công nhân thì làm thua, lương thua anh thợ lành nghề thì có gì phải bàn cãi?
Tôi đi dạy, vào lớp hỏi sinh viên năm ba khoa báo chí: Em nào từng có tin, bài đăng báo? Chỉ chừng 1/3 số sinh viên đưa tay lên. Vậy thì ra trường thất nghiệp trách ai? Chưa kể, tôi biết nhiều bạn đi học thạc sĩ là do rảnh thôi.
Chúng ta không nên bồng bế quá nhiều những “em bé 22 tuổi”. Dù xã hội còn đầy sự ẩm ương thì việc một ai đó thất nghiệp trước tiên là do chính họ. Các xưởng may vẫn thiếu nhân công đầy ra đó, tiệm ăn thiếu bồi bàn đầy ra đó, chỗ phụ hồ hay chạy xe ôm vẫn còn rộng. Hãy tự hỏi bạn có trách nhiệm với bản thân và yêu lao động không. Nếu câu trả lời là có thì thật không hiểu vì sao bạn thất nghiệp.
Làm việc đi, kiếm tiền nuôi thân đi, rồi cơ hội sẽ tới. Dĩ nhiên cơ hội thì không chia đều cho 178.000 vị. Nhưng nếu không làm việc thì chẳng có cơ hội nào cả.