Xin đừng bắt con phải chia sẻ nữa!

Muốn con học được cách sẻ chia, cha mẹ hãy để cho con tự quyền quyết định với những món đồ của mình. Đừng bắt con phải làm theo ý bố mẹ và cũng đừng gán mác "ích kỷ", "ki bo" cho trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ luôn dạy con phải biết chia sẻ với người khác nếu không sẽ là người ích kỷ và không ai thích chơi. Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn cảm thấy xấu hổ khi đứa con nhỏ của mình nhất quyết giành đồ chơi với bạn, không chia cho bạn món ăn vặt mình có… 

Họ dạy con không nên quá keo kiệt mà phải chia sẻ với bạn mới là đứa trẻ ngoan. Sau một hồi giải thích, bắt ép, chẳng cần biết con đồng ý hay không, bố mẹ lấy luôn một món đồ chơi hay món đồ ăn của con chia cho các bạn.

Xin đừng bắt con phải chia sẻ nữa!-1

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy xấu hổ khi đứa con nhỏ của mình nhất quyết giành đồ chơi với bạn, không chia cho bạn món ăn vặt mình có…

Trường hợp tiếp theo thường thấy là bố mẹ luôn bắt anh, chị phải nhường em. Các bé lớn hơn trong gia đình có em thường quen thuộc với câu nói của cha mẹ: "Con là anh/chị, con phải nhường cho em".

Cách hành xử nói trên của bố mẹ chỉ là bắt buộc các con mình phải chia sẻ mà không hề quan tâm tới cảm xúc của các bé.

Trẻ bị buộc phải chia sẻ và thậm chí phải hi sinh bản thân mình để đáp ứng nhu cầu của người khác sẽ rất buồn. Bị ép chia sẻ, trẻ sẽ có rất nhiều bạn chơi cùng, nhưng thực sự con bạn lại không hề thấy hạnh phúc.

Xin đừng bắt con phải chia sẻ nữa!-2

Các bé lớn hơn trong gia đình có em thường quen thuộc với câu nói của cha mẹ: "Con là anh/chị, con phải nhường cho em".

Bởi vì không có quyền quyết định việc chia sẻ các món đồ của mình nên trẻ sẽ dần mất đi cảm giác kiểm soát và cố gắng chịu đựng chứ không hề thật lòng mong muốn. Cũng vì việc phải chia sẻ trở thành một định nghĩa trong đầu nên các bé sẽ coi việc người khác phải chia sẻ bất cứ thứ gì của họ mà mình muốn là điều đương nhiên. Điều đó cũng khiến cho các bé thấy có được mọi thứ thật dễ dàng và không trân trọng những thứ mà người khác chia sẻ cho mình.

Làm thế nào để dạy trẻ cách chia sẻ đúng đắn?

Xác nhận quyền sở hữu một vật nào đó với con

Đầu tiên từ giai đoạn phát triển "tự nhận thức" của con, cha mẹ phải dạy con cách khẳng định chủ quyền đồ vật của mình.

Ở tuổi lên 2, khả năng "tự nhận thức" của con bắt đầu phát triển rõ rệt như bé thích nói "của con" (tay của con, quần áo của con, đồ chơi của con, đồ ăn của con…). Các bé cũng thích làm theo ý mình hơn là làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.

Vào tầm 2 tuổi, khi bố mẹ yêu cầu con chia sẻ đồ chơi với bạn, trẻ sẽ lập tức nói: "Không, đó là của con". Thực tế, trẻ muốn khẳng định giữa "Tôi" và "Người khác", thiết lập ranh giới giữa bản thân và những người xung quanh.

Xin đừng bắt con phải chia sẻ nữa!-3

Cha mẹ không nên gán cho con cái mác "ích kỷ", "ki bo". Thay vào đó cha mẹ nên giúp con thiết lập khái niệm "cái tôi".

Trong thời điểm này, cha mẹ không nên gán cho con cái mác "ích kỷ", "ki bo". Thay vào đó cha mẹ nên giúp con thiết lập khái niệm "cái tôi". Bố mẹ nên dạy con quyền sở hữu từ những thứ đồ nhỏ nhất như: "Chiếc cốc nước nhỏ này là của con, chiếc cốc nước to này là của mẹ", "Bàn chải đánh răng con hổ này là của con, bàn chải đánh răng màu hồng này là của mẹ"… Điều này sẽ giúp cho trẻ hiểu thế nào là của riêng chúng và cái gì không phải là của chúng, từ đó khả năng tự nhận thức của trẻ sẽ dần phát triển.

Cho con sở hữu đồ đạc của chúng

Tôn trọng "tài sản" và cho bé quyền kiểm soát đồ chơi hoặc đồ ăn vặt của mình. Trước khi muốn lấy một món đồ gì của bé cho một bé khác mượn, cha mẹ phải hỏi ý kiến con. Nếu đứa trẻ không muốn chia sẻ, đừng ép buộc, hãy bày tỏ cách bạn mong muốn được chia sẻ.

Nhiều bậc cha mẹ buộc con phải chia sẻ đồ chơi hay món đồ ăn vặt cho bạn vì nghĩ những thứ đó không quan trọng và chia sẻ với người khác không phải là chuyện lớn. Tuy nhiên, với trẻ em, đồ chơi hay đồ ăn nhẹ yêu thích của chúng là những thứ quan trọng và được coi như tài sản của các bé.

Do đó chúng ta phải tôn trọng "tài sản" của trẻ và cho phép trẻ tự ý kiểm soát những món đồ đó. Cách này sẽ giúp cho trẻ chủ động và sẵn sàng chia sẻ đồ với người khác hơn bởi trẻ sẽ có quyền quyết định cho bạn đó chơi món gì của mình, chứ không phải theo sự áp đặt của bố mẹ.

Nếu cha mẹ vẫn cứng nhắc bắt con phải chia sẻ, không tôn trọng sự kiểm soát của trẻ với món đồ của chúng, sẽ càng khiến con giữ đồ hơn và thậm chí có thái độ thù địch với những bạn mà bố mẹ bắt chia sẻ đồ.

Trao đổi với trẻ để giúp trẻ cảm nhận được niềm vui trong việc chia sẻ, chơi chung

Xin đừng bắt con phải chia sẻ nữa!-4

Hãy cho trẻ cảm giác công bằng trong việc chia sẻ, đừng bắt trẻ chia sẻ một cách vô điều kiện. Bạn có thể dùng phương pháp thỏa hiệp với con, đó là trao đổi đồ chơi hoặc đồ ăn nhẹ giữa con và bạn. Làm như vậy bạn sẽ cho trẻ một cảm giác công bằng và trẻ sẽ vui vẻ, sẵn sàng chia sẻ hơn.

Tuy nhiên, làm theo phương pháp này, bố mẹ nên trao đổi với cả hai bên về nguyên tắc: chỉ trao đổi khi cả hai trẻ cùng đồng ý và chơi xong thì cả hai sẽ cùng trả lại cho nhau món đồ đã mượn lúc trước.

Thông qua trao đổi, hãy để trẻ thiết lập cảm giác an toàn và chia sẻ niềm vui để trẻ dần dần sẵn sàng chủ động chia sẻ.

Để trẻ tự trải nghiệm hậu quả của việc không chia sẻ

Nếu trẻ thực sự không muốn chia sẻ đồ chơi hay đồ ăn với bạn, cha mẹ không nên ép buộc mà để trẻ tự trải nghiệm hậu quả sau đó.

Khi con không chia sẻ với người khác thì đương nhiên bạn khác cũng không chia sẻ cho con đồ của họ. Khi bị một bạn khác từ chối chia sẻ, con bạn sẽ hiểu việc mình không muốn chia sẻ với người khác là đúng hay sai. Bằng cách để trẻ tự trải nghiệm như vậy, trẻ sẽ biết cách chia sẻ mọi thứ và kết bạn dễ dàng hơn.

 


 THEO NHỊP SỐNG VIỆT 


Cách dạy con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.