Câu hát của Trần Lập vào đề thi nghị luận

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường đã đưa câu hát nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trần Lập vào đề thi nghị luận xã hội. Ngay lập tức, đề thi này gây xúc động mạnh và truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường đã đưa câu hát nổi tiếng của cố nhạc sỹ Trần Lập vào đề thi nghị luận xã hội và đăng lên Facebook để học sinh rèn luyện. Ngay lập tức, đề thi này gây xúc động mạnh và truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường.
Tiến sĩ Phạm Hữu Cường.

Ngày 24/3, Tiến sĩ Phạm Hữu Cường (GV Ngữ văn, Trung tâm HOCMAI) đã đăng tải đề văn nghị luận xã hội lên Facebook cá nhân như sau: Trong bài hát Đường đến ngày vinh quang, cố nhạc sỹ Trần Lập đã viết: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai". Anh/chị hãy viết một bài văn khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về quan niệm đó.

+ Hẳn phải có lí do khiến ông đưa câu hát nổi tiếng trong bài hát Đường đến ngày vinh quang của cố nhạc sỹ Trần lập vào đề thi nghị luận xã hội?

- Không phải ai cũng yêu rock nhưng dám chắc rằng những khán giả thế hệ 7X, 8X và 9X cũng đều đã một lần nghêu ngao hát một đoạn hay một ca khúc nào đó của cố nhạc sỹ Trần Lập. Với rất nhiều người, Trần Lập không chỉ là một nhạc sỹ hay một ca sỹ, mà anh còn là người truyền lửa với ý chí kiên cường và trái tim chứa đầy hoài bão.

Câu hát “Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai” đã trở thành niềm cảm hứng, lan tỏa bài học về ý chí kiên cường vượt qua những khó khăn, thử thách trên đường đời. Nếu muốn thấy cầu vồng, phải biết chấp nhận những cơn mưa. Đó chính là lí do tôi chọn câu hát này vào đề thi để học sinh luyện tập.

+ Với đề thi này, ông đưa ra yêu cầu như thế nào với học sinh?

- Cũng như những bài nghị luận xã hội khác, học sinh khi làm bài cần giải thích được ý nghĩa (nghĩa đen/nghĩa bóng) của câu hát thông qua giải nghĩa các từ “chặng đường”, “hoa hồng”, “mũi gai”. Sau đó, học sinh cần trình bày được suy nghĩ, quan điểm của bản thân (đồng tình/phản đối…) và thuyết phục người đọc. Học sinh cần đưa ra một vài dẫn chứng để làm rõ suy nghĩ, quan điểm đó. Muốn đạt điểm cao, bài nghị luận xã hội nên có bài học rút ra từ câu nói đó.

+ Ông có thể đưa ra một vài gợi ý về những vấn đề thường xuất hiện hoặc có thể xuất hiện trong phần nghị luận xã hội của đề thi Ngữ văn năm nay?

- Không thể khẳng định hay đoán mò những vấn đề sẽ xuất hiện trong đề thi THPT quốc gia. Theo thực tế xã hội và đề thi những năm gần đây, học sinh nên quan tâm đến một số vấn đề như lí tưởng, lẽ sống, phẩm chất, sự thành đạt của tuổi trẻ. Vấn đề biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ với biển đảo của đất nước; thực phẩm bẩn và lương tâm con người; sự vô tâm của con người nhìn từ vụ án ở Bình Phước; ý thức con người về biến đổi khí hậu… cũng là những vấn đề nên được lưu tâm.

+ Là giáo viên có kinh nghiệm hướng dẫn thi tốt nghiệp, đại học, ông nghĩ học sinh cần ôn tập như thế nào để đạt điểm cao phần nghị luận xã hội?

- Trước tiên, học sinh cần nắm vững phương pháp, kĩ năng làm các kiểu bài nghị luận xã hội, nhất là dạng đề tổng hợp, vừa hướng về một tư tưởng - đạo lí, vừa đề cập đến một hiện tượng đời sống. Bởi lẽ, trong thực tế, đề thi THPT quốc gia thường ra theo dạng này.

Thường xuyên đọc sách báo, tạp chí, theo dõi các tin tức thời sự, cập nhật các vấn đề mà xã hội đang quan tâm, nhất là các vấn đề liên quan đến tuổi trẻ và vận mệnh dân tộc, đất nước, đời sống cộng đồng. Tìm, giải thích và bình luận những câu danh ngôn thể hiện những tư tưởng đạo lí sâu sắc, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội và gần gũi với tuổi trẻ. Các câu danh ngôn này thường có rất nhiều trên internet, sách vở, các cuốn lịch...

Đặc biệt, học sinh nên tập thói quen suy nghĩ, bàn bạc, đánh giá, nhận xét, bày tỏ quan điểm riêng cũng như đưa ra các lí lẽ, lập luận về một vấn đề nào đó. Bởi vì, một bài văn nghị luận xã hội hay và đạt điểm cao không phải là đúng hay không đúng đáp án. Ở đây, điều quan trọng là đưa ra được những quan điểm riêng về vấn đề cần bàn luận, những lập luận, lí lẽ vững chắc, có sức thuyết phục người chấm bài.

Học sinh nên viết bài bài nghị luận xã hội khoảng 600 chữ, trong vòng 54 phút, lấy dẫn chứng trong lịch sử dân tộc và đời sống xã hội để làm sáng tỏ quan điểm và sự đánh giá của mình.

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường có hơn 20 năm kinh nghiệm dạy và luyện thi đại học môn Ngữ văn, nhiều năm tham gia bồi dưỡng Học sinh giỏi đạt giải Quốc gia môn học này.

Ông có một số cuốn sách đã xuất bản: Tuyển tập đề và chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia môn Văn - NXB Giáo dục - Năm 2003; Lối nhỏ đến trang Văn (2 tập) - NXB Giáo dục - Năm 2004; Mười hai chuyên đề ôn luyện thi đại học - cao đẳng môn Văn - NXB Giáo dục - Năm 2005; Bí quyết ôn thi đại học môn Văn (2 tập) - NXB Đại học Quốc gia - Năm 2005; Phương pháp ôn tập và hướng dẫn giải các kiểu bài tiêu biểu trong kì thi đại học môn Văn (3 tập) - NXB Đại học Sư phạm - Năm 2008.















Theo Tiền Phong


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.