Sáng cà phê, chiều quán nhậu
Xin nhắc tiếp lời ông Junichi: “Nhiều người Việt trẻ tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ nhưng họ chưa làm việc thật bao giờ. Họ chỉ học trên giấy tờ, đọc sách, báo nhưng chẳng hiểu thực tế gì cả. Họ chỉ thích làm việc bàn giấy, họ nặng lý thuyết mà thiếu thực tế. Thiết nghĩ Việt Nam nên tạo điều kiện cho những người giỏi kỹ năng thay vì chỉ tạo điều kiện cho những người chỉ biết làm bài kiểm tra!”.
Đọc lời nhận xét thẳng thắn của ông CEO người Nhật này tôi chợt nhớ tới lời của một vị lãnh đạo Bộ GD&ĐT khi trả lời tình trạng đào tạo “thừa thầy thiếu thợ”. Vị này nói không phải là thừa thầy mà chỉ thừa những “thầy năng lực kém” thôi, vì nhiều người tuy tốt nghiệp ĐH nhưng thiếu năng lực, ít công ty nào chịu nhận, nếu bí quá nhận vào thì họ buộc phải đào tạo lại từ đầu rất tốn kém.
Còn tình trạng một bộ phận không nhỏ thanh niên không có việc làm sáng sáng ngồi đầy các quán cà phê Sài Gòn, ăn tục nói phét - nói theo cách người Sài Gòn và tha hồ “chém gió” tại các quán trà xanh Hà Nội - nói theo cách Hà Nội.
Một người Mỹ mới sang Việt Nam lần đầu theo một chương trình trao đổi văn hóa hỏi tôi: “Hình như ở Việt Nam tình trạng thất nghiệp cao lắm hả nên lúc nào tôi cũng thấy người ta đi đầy đường, trong giờ làm việc mà các quán cà phê lúc nào cũng đông?”. Tôi chưa biết trả lời thế nào thì người bạn Việt kiều đi chung đỡ lời giúp tôi (vì anh vốn thường về Việt Nam cố vấn cho một công ty điện toán nên khá rõ tình hình kinh tế-xã hội trong nước).
Anh trả lời ông bạn Mỹ nửa đùa nửa thật: Những người ngồi quán đó không phải thất nghiệp, mà vì họ có nghề ngỗng gì đâu mà thất. “Chỉ có điều là không biết tiền đâu mà sáng họ ngồi quán cà phê, chiều ngồi quán nhậu?”. - anh quay sang hỏi tôi. Tôi trả lời lấp lửng: Có lẽ họ chạy áp phe hay tiền của cha mẹ để lại chăng?
Đi làm thuê cho toàn thế giới
Hãy đến các quán cà phê, quán nhậu và nghe họ khoe mẽ oang oang về xe xịn, điện thoại cao cấp, áo quần hàng hiệu. Và hình như họ chẳng chút quan tâm tới sĩ diện quốc gia - chỉ nói riêng liên quan tới nền kinh tế hiện nay.
Không biết những người Việt trẻ hôm nay nghĩ gì khi nghe ông Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhắc lại lời một chuyên gia kinh tế nổi tiếng tại diễn đàn tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam ngày 19-11 vừa qua: “Hiện nay Hàn quốc xuất khẩu ông chủ sang Việt Nam, còn Việt Nam chủ yếu xuất khẩu lao động sang làm thuê cho Hàn Quốc!”. Ông Thiên cũng trích lời GS Trần Văn Thọ khi nói rằng: “… Cứ cái đà này (tiếp tục xuất khẩu lao động) thì Việt Nam sẽ là quốc gia đi làm thuê cho toàn thế giới”. Nghe đau lòng quá.
Tôi càng thấy thấm thía câu nói của ông CEO người Nhật “nhiều người Việt trẻ hôm nay coi thường người lao động tay chân”. Cách nay ít lâu ở Hà Nội, tôi chứng kiến những người lao động đang đứng ngồi lô nhô ở “chợ người” gần Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ trong một buổi sáng giá lạnh, chờ được người đến thuê đi làm.
Một thanh niên chắc chưa tới ba mươi chạy xe đến, đưa tay chỉ vào mấy người đàn ông khỏe mạnh, miệng nói: “Ê, hai thằng kia, thằng mặc áo nâu, thằng áo đen đó, đi hốt xà bần ngày hai trăm rưỡi, đi không?”.
Và nhiều câu nói, cử chỉ sỗ sàng, láo lếu nữa tôi nghe lùng bùng không rõ. Cái thái độ coi thường người lao động tay chân nghèo khó đó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài. Những hình ảnh tương phản của những người lao động nhập cư và những thanh niên chém gió, ăn tục nói phét ở Hà Nội hay Sài Gòn cũng đều gợi lên nỗi đau.