Cô giáo mầm non hơn cả… “siêu nhân”!

Hai con nhỏ mới nghỉ Tết sang ngày thứ ba, chị Thảo đã bở hơi tai, thần kinh căng như dây đàn. Chị phải thốt lên: “Cô giáo mầm non hơn cả siêu nhân”.

Hai con nhỏ mới nghỉ Tết sang ngày thứ ba, chị Thảo đã bở hơi tai, thần kinh căng như dây đàn. Chị phải thốt lên: “Cô giáo mầm non hơn cả siêu nhân”.

Con nghỉ trước bố mẹ, người giúp việc xin về quê ăn Tết sớm, chị Huỳnh Ngọc Thảo, ngụ ở Q. Phú Nhuận, TPHCM buộc lòng phải xin nghỉ tuần làm việc cuối cùng trong năm ở nhà trông con.

Hai cậu con trai 5 và 3 tuổi hiếu động, nhà cửa từ bếp vào phòng tắm tan hoang. Gạo muối cho đến dầu ăn, bột giặt… rắc khắp nơi, chị nản không thèm dọn. Từ chuyện ăn uống ngủ nghỉ của con loạn cả lên, không đâu vào đâu. Khổ nhất là việc “canh” để đảm bảo an toàn cho hai con mà cũng chẳng ăn thua, được đứa này thì “sẩy” đứa kia ngay.

“Một đứa té u cả đầu, một đứa bị cửa kẹp thâm tím cả tay phải đưa đi viện, xây xát trên người thì nhiều vô số kể. Trông con còn không xong, cuối năm bận rộn mà tôi không làm nổi việc gì”, người mẹ ca thán.


Nhiều gia đình nhà cửa trở nên lộn xộn khi con nhỏ nghỉ Tết sớm (Ảnh: Hoài Nam)
Nhiều gia đình nhà cửa trở nên lộn xộn khi con nhỏ nghỉ Tết sớm (Ảnh: Hoài Nam)

Bình thường, ngày nghỉ cuối tuần hai vợ chồng anh Trần Minh Đạo, ở Q.12, TPHCM phải “đấu vật” với hai đứa con sinh đôi gần 5 tuổi. Anh Đạo kinh doanh tự do nên thời điểm này nhận trách nhiệm ở nhà trông con.

Cả ngày, anh chỉ kịp vớ tạm đồ ăn sẵn trong tủ lạnh, chẳng được chợp mắt được chút nào. Đứa này ngủ thì đứa kia khóc, đứa kia nguôi nguôi thì đứa này lại quậy. Cho dù vợ có “lệnh” không được dùng Ipad để dụ con nhưng trụ không nổi, anh vẫn buộc phải dùng game và tivi “trói” con ngồi yên cho bố thở. Thế là vợ chồng lại cãi nhau ầm ĩ. Vợ trách anh mỗi việc trông con cũng không xong, anh “thách” vợ giỏi thì ở nhà mà quản.

Cuối cùng vợ anh Đạo phải gọi điện cho cô giáo ở trường mầm non của các cháu để “cầu cứu”. Cô tư vấn rằng một bé nhà anh chị rất thích vẽ, một bé thích hát, cứ khuyến khích các cháu vào đam mê của mình sẽ bớt nghịch. Anh bày giấy cho con vẽ, còn lại ngồi nghe cháu nhỏ… hát, thế mà ổn hơn hẳn.

“Lớp con tôi có 36 cháu, hai cô phải lo tất tần tật từ ăn uống, đảm bảo an toàn rồi cả giáo dục theo chương trình. Con ở nhà mình trông còn khó tránh u đầu mẻ trán vậy mà có lần con đi học bị xây xước nhẹ, tôi đã đến trường làm ầm lên. Thấy tội lỗi quá!”, anh Đạo thấm thía cảnh vất vả khi trông trẻ nhỏ và thấy thông cảm lẫn kiêm phục cô giáo mầm non.

Sang ngày thứ 3 nghỉ việc ở nhà trông con, chị Huỳnh Ngọc Thảo đã như “tẩu hỏa nhập ma”. Chị than trên Facebook: “Cô giáo mầm non đúng là siêu nhân”, đăng kèm ảnh “bãi chiến trường” nhà mình. Rất nhiều ông bố bà mẹ ở nhà trông con dịp áp Tết cũng vào chia sẻ tình cảnh tương tự.

Một người mẹ tên Trang ngán ngẩm: “Mình phát rồ luôn rồi, hai vợ chồng như hóa điên. Chỉ mong hết Tết sớm mà đẩy hai đứa đến trường”.

“Dù cách nào đi chăng nữa, từ tuần này sang tuần khác, tháng này qua tháng khác, năm này tới năm khác, GV mầm non trụ nổi với “lũ giặc” này là điều mình không tưởng tượng nổi. Đến con mình, mình trông còn oải”, mẹ Nguyễn Thị Quyên bày tỏ sự mệt mỏi lẫn cảm phục đối với cô giáo mầm non.

Lịch nghỉ Tết giữa cha mẹ và con trẻ ở TPHCM chênh nhau một tuần đẩy nhiều ông bố bà mẹ vào thế rối bời. Giải pháp lúc này của nhiều phụ huynh là một số trường mầm non mở lớp nhận trẻ áp Tết. Tết nhất bận rộn, chẳng mấy GV mặn mà làm thêm khi quanh năm họ đã tất bật không có thời gian dành cho gia đình, con cái. GV chấp nhận đến trường vào lúc nước rút này chủ yếu để chia sẻ khó khăn với phụ huynh.

Phụ huynh còn ít thông cảm và chia sẻ với những vất vả của cô giáo mầm non (Ảnh: Hoài Nam)
Phụ huynh còn ít thông cảm và chia sẻ với những vất vả của cô giáo mầm non (Ảnh: Hoài Nam)

Việc bố mẹ "chới với" khi con nghỉ Tết trước bố mẹ, theo một GV mầm non ở Q.3, TPHCM đây là điều dễ hiểu do phụ huynh ngày nay rất bận rộn. Nhiều gia đình lâu nay phó thác hoàn toàn chuyện chăm con cho nhà trường và người giúp việc nên họ lúng túng trong việc chăm sóc con.

“Có những phụ huynh trong lớp tôi dạy còn không nắm rõ sở thích, thói quen ăn uống của con. Dù thế nào, bố mẹ nên cố gắng thu xếp công việc để dành nhiều thời gian cho trẻ hơn vì sự quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ thì không cô giáo, nhà trường nào thay thế được”, cô giáo chia sẻ.

Áp lực đối với GV mầm non từ lâu được đề cập rất nhiều. Khối lượng công việc đồ sộ từ chuyên môn giáo dục cho đến ti tỉ việc không tên với thời gian làm việc kéo dài 10 - 12 giờ/ngày, thu nhập thấp…

Và đặt biệt theo ông Đào Việt Cường (Khoa GDMN, ĐH Sài Gòn) một trong những nỗi buồn của GV mầm non là nhìn nhận của xã hội, dư luận về GV bậc học này rất thấp, chưa được coi trọng đúng mức. Áp lực mà GV phải đối diện hàng ngày không chỉ ở bậc quản lý mà còn từ phụ huynh.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Tuyền, một GV mầm non ở Q.6, TPHCM từng rơi nước mắt khi chia sẻ, rất nhiều người trong xã hội, kể cả phụ huynh nhìn GV mầm non như “ô sin có bằng cấp”. Trong khi, sự chia sẻ, thông cảm từ phụ huynh là một trong những động lực nhất để giáo viên mầm non bám trụ với nghề.

“Tết này nhất định vợ chồng tôi sẽ dẫn con đến nhà chúc mừng Tết cô giáo như một lời cảm ơn chân thành chứ không chỉ gửi quà cáp “cho xong” như mọi năm”, anh Trần Minh Đạo tiết lộ.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.