"Con trai là không được yếu đuối khóc nhè" và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ

Trước những kẻ xâm hại, bé trai cũng không an toàn hơn bé gái. Nhưng khi bé trai là nạn nhân, nhiều khi chúng không dám chia sẻ, không dám khóc, không dám kể lể về chuyện đó, bởi "con trai khóc là hèn".

Những tiếng khóc thầm

Em đi học bơi theo chương trình của trường tại một hồ bơi thuộc quận Tân Bình. Ngay buổi học đầu tiên, khi em vào phòng thay đồ thì một anh kia cao to lắm đi vào cùng, tông cửa và… nhìn vùng kín của em. Anh ấy vừa nói mấy câu tục tĩu vừa giơ "cái đó" anh ấy cho em xem nữa.

Mấy bữa sau, trong phòng vệ sinh, vẫn anh đó chụp lấy em, bịt chặt miệng không cho em la lên, dồn em vào góc tường và sờ soạng vùng kín rất thô bạo. Hắn ta còn rú lên khi thấy em có phản ứng sinh lý, nói em “đã nghiện còn bày đặt ngại”. Hắn hẹn bữa sau sẽ cho em “lên mây”.

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-1


Em sợ muốn khóc luôn nhưng không dám kể với ba mẹ. Em sợ ba mẹ la em. Ghê tởm hơn là về nhà, em vẫn nằm mơ thấy cảnh đó, rồi tưởng tượng linh tinh. Nó không hẳn là thích, làm sao em có thể thích chuyện đó được, nhưng cảm giác đó ám ảnh lắm… Em sợ gặp lại kẻ đó nên học bơi xong là em mặc đồ ướt về thẳng nhà, không dám thay đồ nữa…

(Chuyện của T.H.M., 2007)

Hồi đó em qua nhà thằng bạn chơi, mà nó đi đâu á, có mẹ nó ở nhà thôi. Mấy lần cô đó kỳ lắm, cứ hỏi em mấy chuyện riêng tư kiểu sáng mới dậy có thấy hiện tượng kỳ kỳ không, dậy thì chưa, mặc đồ lót từ khi nào… Cô cũng hỏi em là được rờ ngực bạn gái bao giờ chưa, thấy “chỗ đó” của con gái chưa? Cô nói sẽ cho em coi, còn cho em mấy cuốn truyện bậy nữa. 

Có bữa kia đang đọc lén thì mẹ bắt được, mẹ xé luôn xong chửi em tàn canh… Cái đó có tính là quấy rối tình dục không ha?

(Chuyện của N.M.P, 2006)

Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn câu chuyện có thật của các bé trai từng bị xâm hại tình dục được chia sẻ. Sự thật là, các bậc phụ huynh thường lo lắng cho con gái, tìm cách bảo vệ chúng trước nguy cơ bị xâm hại tình dục hơn là con trai. Với quan điểm con trai thì “không mất gì”, người ta giăng mắc một niềm tin ngây thơ rằng những bé trai sẽ có thể lớn lên TUYỆT ĐỐI AN TOÀN trước nguy cơ bị lạm dụng.

Trong khi đó, có một sự thật là, bất cứ ai có tiền mua vé đều có thể vào trong hồ bơi công cộng bơi thỏa thích. Cửa ở các dãy phòng thay đồ nam thường rất sơ sài, là “miếng mồi ngon” cho những kẻ biến thái chực chờ. Đó là kẽ hở cho nhiều yêu râu xanh tấn công tình dục trẻ em trai. Những WC công cộng, thang máy, những khu đường vắng, thậm chí ngay ở nhà, các bé trai vẫn có nguy cơ bị tấn công tình dục.

Thống kê của Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, 16% nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục là trẻ nam. Đây chỉ là con số nổi của tảng băng chìm, thực tế tình trạng này phổ biến nhiều hơn chúng ta nghĩ. Bởi lẽ, ngoài những vụ việc bị phanh phui, nhiều trẻ em nam (từng) bị xâm hại vẫn chưa dám tiết lộ, mà giấu nỗi đau trong những giọt khóc thầm. 

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-2


Trên thực tế, một số lượng lớn các vụ việc chưa được xử lý vì gia đình, nạn nhân không tố giác, hoặc vì e ngại thông tin sẽ ảnh hưởng trẻ em trong gia đình. Nhiều phụ huynh, thậm chí cả cơ quan quản lý chưa có cái nhìn đầy đủ về việc xâm hại tình dục trẻ em.

Định kiến về giới cho rằng thật may mắn vì con trai không có nguy cơ bị xâm hại tình dục, hoặc nghĩ rằng nạn nhân là con trai nên... chẳng mất mát, thiệt hại gì. Nếu một bé trai bị tấn công và khóc lóc, kể lể về chuyện đó, nó sẽ bị coi là kẻ yếu đuối, kẻ vô dụng không thể bảo vệ bản thân (và bị hoài nghi năng lực bảo vệ người khác). Vì bị áp đặt “con trai không được khóc”, “con trai mà khóc là hèn”, rất có thể có những bé trai bị lạm dụng nhưng không dám khóc, không dám kể chuyện với ai. Đó chính là rào cản lớn cho hành trình tiết lộ và chữa lành tâm lý của các nạn nhân. 

Mặt khác, những nhận định sai lầm này trong nhiều trường hợp đã tiếp tay cho những kẻ ấu dâm có thể ngụy biện, chống chế cho rằng những hành vi họ thực hiện chỉ là hành động vui đùa bình thường.

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-3


Những giọt nước mắt của các nạn nhân bị xâm hại là bé trai “không được phép chảy”, một phần khác còn vì sự kỳ thị giới tính với những người nam có quan hệ đồng giới. Ở nhiều nơi trên thế giới, có một niềm tin rằng những bé trai, những người đàn ông bị xâm hại ắt hẳn phải là người đồng tính hoặc có thể “biến thành” người đồng tính sau các vụ xâm hại. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lệch bởi xâm hại tình dục xảy ra với mọi người ở mọi xu hướng giới tính.

Ở những nền văn hóa còn tồn tại sự kỳ thị hay ác cảm với người đồng tính, việc công nhận mình là một nạn nhân nam của xâm hại tình dục mang lại nguy hiểm khôn lường. Thừa nhận mình là nạn nhân bị lạm dụng vốn đã khó khăn, với một nạn nhân là nam, trước những rào cản về tư tưởng và áp đặt xã hội, lại càng khó gấp bội. 

Bé trai không an toàn

Trong các dạng bạo hành trẻ em, xâm hại và lạm dụng tình dục là dạng bạo hành đau lòng nhất, gây tranh cãi nhiều nhất, bị che đậy nhiều nhất và bị hiểu lầm là ít xảy ra nhất. Công chúng thường “quen thuộc” với các hành vi lạm dụng tình dục thể xác và lên án mạnh mẽ khi một sự vụ trẻ em bị xâm phạm thân thể bằng một cách rõ rệt, có thể để lại hậu quả nhìn thấy được (ví dụ tác động vào bộ phận cơ thể, các vùng nhạy cảm của trẻ bằng cơ thể hoặc một vật nào đó; bắt ép trẻ đụng chạm bộ phận sinh dục của người lớn theo cách gợi dục; giao cấu…). 

Tuy nhiên, những hành vi lạm dụng về mặt tâm lý còn nguy hiểm hơn. Ví dụ những hành động như cho trẻ tiếp xúc với văn hóa phẩm đồi trụy; phô bày cơ thể một cách không phù hợp, phản cảm trước mặt trẻ; cố tình thủ dâm, quan hệ tình dục trước mặt trẻ; dùng lời nói để kích dục… cũng được coi là xâm hại tình dục. 

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-4


Như sự hoang mang của P. khi mẹ của bạn học “gợi tình” mình chẳng hạn, các bé trai bị tấn công theo những cách thậm chí còn kín đáo và tinh vi hơn. Các đối tượng không chỉ ép buộc ngay, hành động nhanh như xâm hại các bé gái. mà “yêu râu xanh” còn có thể dụ dỗ bé trai qua nhiều bước rồi kích động, khơi dậy bản năng tình dục để các em có vẻ như tự nguyện thực hiện các hành vi tình dục. 

Nhiều nạn nhân còn có thể cương cứng hoặc thậm chí là xuất tinh trong quá trình bị xâm hại. Điều đó không có nghĩa là họ đồng thuận và thích thú với việc bị lạm dụng nhưng chính là điểm mấu chốt để nạn nhân không/ít dám lên tiếng và dễ bị tấn công (bởi kẻ xâm hại và dư luận) khi sự việc bị phanh phui. 

Cũng như các trẻ em gái, trẻ em trai có thể gặp phải nguy cơ bị xâm hại tình dục ở bất cứ đâu, trên sân chơi, ở trường học hay thậm chí ở trong chính ngôi nhà của mình. Thủ phạm xâm hại tình dục trẻ em trai có thể thuộc nhiều đối tượng như những kẻ ấu dâm, người đồng tính, những phụ nữ lớn tuổi…

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-5

Theo số liệu do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, trong năm 2017 - 2018, 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, quen. Trong đó, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; người thân trong gia đình như bố đẻ, bố dượng, cậu, bác, anh, em họ… chiếm trên 21%. Con số này được thống kê với nạn nhân là cả bé trai và bé gái. 

Phần lớn hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em chỉ khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý, nên những con số được nêu ra mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Và các bé trai, vì thế cũng không an toàn như nhiều người lầm tưởng.

Hãy để bé trai được khóc

Thường thì khi một đứa trẻ bị xâm hại tình dục, ảnh hưởng để lại trong tâm lý cũng rất nặng nề, bất kể việc nạn nhân là trai hay gái. Thuộc phái nam không có nghĩa họ dễ “ổn” hơn sau chấn thương, bởi nỗi ám ảnh sẽ đeo đuổi, tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của nạn nhân. 

Có thể các nạn nhân là bé trai không bị rách màng trinh, không có tổn hại rõ rệt đến thể chất, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng họ thường bị trầm cảm, căng thẳng sau sang chấn, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, nguy cơ tự tử cao gấp 2 lần những người đàn ông khác. 

Có một điều đặc biệt nguy hiểm là trong nhiều trường hợp, nếu nạn nhân trai không được hỗ trợ, giúp đỡ để hàn gắn những tổn thương tâm lý, khi lớn lên có thể trở thành những người rất hung hãn, dễ gây tội ác, có hành động bạo lực, xâm hại một thế hệ trẻ em mới. Chính từ đó hình thành nên vòng tròn xâm hại, tạo ra những thế hệ nạn nhân khác và những kẻ phạm tội trong tương lai.

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-6


Câu chuyện là, ngoài việc giải quyết những hậu quả của việc các bé trai bị xâm hại (nếu có), chúng ta thật sự phải nhìn nhận lại cách dạy con. Với quan niệm con trai phải mạnh mẽ, khi nuôi dạy các bé trai các bố mẹ thường có xu hướng hạn chế việc để các bé được bộc lộ các cảm xúc mà bố mẹ cho là “yếu đuối” như khóc, sợ hãi, thậm chí chúng ta có thể phạt khi chúng nhạy cảm và ủy mị. Đó là một quan niệm cực kỳ sai lầm khiến cho các bé trai dễ sa lầy vào các cảm xúc tiêu cực hơn khi gặp phải các vấn đề về tâm lý, trong đó có xâm hại cơ thể.

Cảm xúc không phân biệt giới tính, bố mẹ hãy dạy con biết cách nhận biết và thể hiện cảm xúc của mình, để trẻ bộc lộ nó một cách tự nhiên và chân thật nhất. Bố mẹ cần tôn trọng cảm xúc của con, khuyến khích con chia sẻ cảm xúc, bất luận giới tính của trẻ là gì, bất luận cảm xúc đó tiêu cực hay tích cực (theo quan niệm của mình). 

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-7


Phụ huynh cũng không thể “ngây thơ” về mặt giáo dục giới tính cho bé trai. “Quy tắc đồ lót”, “quy tắc bàn tay”, phân biệt đụng chạm an toàn và không an toàn là điều cần dạy cho cả bé trai nữa. Nhiều trẻ có thể cảm thấy dễ chịu khi bị đụng chạm không an toàn, khi đó, những kẻ xâm hại sẽ lợi dụng điều này để khiến trẻ tin rằng đụng chạm cơ thể là bình thường. Yêu râu xanh sẽ lợi dụng cảm xúc này của trẻ để nhấn mạnh rằng trẻ thích được làm thế. Bởi vậy, bố mẹ bắt buộc phải giúp trẻ hiểu rằng, không ai được đụng vào vùng kín và một số vùng trên cơ thể con, kể cả khi sự đụng chạm ấy khiến chúng thoải mái.

Có một số hành vi giới tính được cho là bình thường của các bé trai như việc trẻ xoa nắn bộ phận sinh dục. Đây là một hành vi hoàn toàn bình thường, tuy nhiên bố mẹ phải dạy con không được làm thế ở nơi công cộng. Hãy dạy cho con đó là một hoạt động riêng tư, giống như đi vệ sinh, tắm rửa, nó khác với các hoạt động công cộng như chơi đá bóng, đạp xe…. 

Con trai là không được yếu đuối khóc nhè và những giọt nước mắt bẽ bàng lặng thinh đằng sau cánh cửa phòng thay đồ-8


Nếu trẻ thực hiện hành vi xoa nắn bộ phận sinh dục ở nơi công cộng thì bố mẹ hãy nhắc nhở và dừng hành động khám phá đó của con một cách nhẹ nhàng, tế nhị để con không cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi. Tuy vậy, cần dạy con rằng nếu ai đó phô bày bộ phận sinh dục, cơ thể riêng tư của họ trước mặt con và yêu cầu con chạm vào, đó là một điều sai trái. Muốn trẻ em được an toàn hơn, bố mẹ phải cẩn trọng trước nhất. 

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/con-trai-la-khong-duoc-yeu-duoi-khoc-nhe-va-nhung-giot-nuoc-mat-be-bang-lang-thinh-dang-sau-canh-cua-phong-thay-do-co-phai-chinh-chung-ta-dang-tiep-tay-cho-nan-xam-hai-tinh-duc-tre-nam-162201511072920325.htm

Trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.