Con trai tôi đi học về rơm rớm nước mắt bảo: "Mẹ đến nhà cô tặng quà đi, mấy hôm nay con thấy thái độ của cô khác lắm"

“Cô không gọi con trả lời dù cả lớp mỗi con biết đáp án đúng, mỗi con giơ tay”, con trai chị H. kể.

Chị H. (giấu tên) có con trai học cấp 2 tại một trường THCS ở Hà Nội. Mới đây, chị đã chia sẻ một trải nghiệm không mấy vui vẻ của mình.

"Hôm nay cô không gọi dù mỗi con giơ tay..."
5h30 phút chiều ngày 22/10, con trai tôi đi học về, khuôn mặt mệt mỏi, thất thần. Đây là một biểu hiện lạ bởi hàng ngày, cậu nam sinh lớp 7 nhà tôi rất năng động. Học trên lớp dù mệt đến mấy thì về nhà con đều cười nói huyên náo, hỏi mẹ hết cái này đến cái kia.

Mãi đến buổi tối, lúc tôi đang đứng rửa bát thì con chạy ra, thẽ thọt bảo: "Mai mẹ đến nhà cô giáo chủ nhiệm của con chơi nhé?" - "Sao lại thế?", tôi vội hỏi bởi nhận ra sự bất thường. "Chẳng biết có phải vì nhà mình không tặng quà 20/10 cho cô không mà con thấy thái độ của cô khác lắm. Cô không gọi con trả lời dù cả lớp mỗi con biết đáp án đúng, mỗi con giơ tay. Con còn liên tục kêu: "Em ạ! Em biết" nhưng cô nhìn rồi bảo: "Cả lớp về nghiên cứu thêm cái này nhé".

Lúc con xin đi vệ sinh cô không cho đi, bảo là: Ra chơi không tranh thủ đi luôn. Giờ đi ra ngoài mất thời gian, ảnh hưởng đến tiết học. Thế mà lúc sau bạn T. xin đi, cô chỉ giục đi nhanh rồi cho đi luôn". 

Ngập ngừng một lúc, con tôi nói thêm: "Con hỏi dò các bạn trong lớp rồi mẹ ạ. Cả lớp ai cũng đến nhà cô chơi hết, có đứa bố mẹ bận nên đi từ hôm 18, 19. Mọi năm con thấy mẹ vẫn đi, sao hôm nay lại không?". 

Con trai tôi đi học về rơm rớm nước mắt bảo: Mẹ đến nhà cô tặng quà đi, mấy hôm nay con thấy thái độ của cô khác lắm-1Năm nay tôi không tặng quà cô ngày 20-10. (Ảnh minh họa)

Tôi chết sững trước câu hỏi của con, chẳng biết phải mở lời thế nào. Tôi chẳng thể kể với con là năm nay công việc của bố trục trặc, mẹ vì đang thiếu tiền tháng này nên mới không mua quà 20-10. Mẹ cứ nghĩ quỹ hội phụ huynh đã trích tiền mua quà cho cô rồi thì chắc cô cũng không quá để ý chuyện phụ huynh đi riêng.

Sau cùng, tôi không trả lời câu hỏi của con mà nhẹ nhàng động viên: "Con đừng nhạy cảm. Cô không có ý đó đâu". Sau khi an ủi con xong, chính tôi lại rơi vào trạng thái mệt mỏi, thất thần. Có lẽ ngay sáng mai, tôi sẽ vay tiền đồng nghiệp rồi tối đến nhà cô rồi đưa ra một lý do nào đó như: "Em mới đi công tác về, nay mới có thời gian đến thăm cô",...

Tôi cũng không dám chắc việc cô bỗng dửng dưng với con có phải do thiếu sót ngày 20/10 không? Nhưng tôi thật sự sợ con có thể bị cô "trù". Chẳng cần quát mắng, cô chỉ cần dửng dưng, bơ đi là con tôi đã thiệt thòi, khổ sở so với các bạn khác rồi. Việc đi bù 20-10 sẽ khiến cả tôi và cô "an lòng", theo cách này hay cách khác...

Đừng khiến việc tặng quà cho thầy cô trở nên biến tướng
"Tôn sư trọng đạo" vốn là một truyền thống quý báu của người Việt. Không chỉ riêng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh và phụ huynh mới tặng quà giáo viên mà còn cả những ngày lễ khác. Điều này nhằm thể hiện lòng biết ơn thầy cô đã dìu dắt, quan tâm con mình trong suốt cả năm học.

Tuy nhiên việc tặng quà - nhận quà giữa phụ huynh - giáo viên đôi khi biến tướng, khiến nét văn hóa đẹp bị hoen ố, nhuốm màu vật chất. Không còn là lòng biết ơn đơn thuần, nhiều phụ huynh tặng quà cho thầy cô với mục đích mua chác điểm, muốn con mình được thiên vị hơn.

Ngược lại, nhiều thầy cô cũng có hành vi đòi hỏi, ứng xử không đúng với món quà của học sinh. Trong phút chốc, những món quà không mang ý nghĩa của lòng tri ân mà là sự nhắn gửi "ngầm". 

Con trai tôi đi học về rơm rớm nước mắt bảo: Mẹ đến nhà cô tặng quà đi, mấy hôm nay con thấy thái độ của cô khác lắm-2

Tất nhiên không phải thầy cô nào, phụ huynh nào cũng chăm chăm tặng quà - nhận quà. Có nhiều thầy cô thẳng thừng từ chối khi bố mẹ học trò dúi phong bì. Hay có những giáo viên cứ đến ngày lễ là đóng cửa, kéo rèm vì sợ phụ huynh đến quà cáp, biếu xén. Đối với nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, việc tặng thầy cô bó hoa thật đẹp vào ngày lễ còn khó khăn, huống chi là mua quà cáp, phòng bì. 

Nói vậy để biết chúng ta không thể đánh đồng một bộ phận nhỏ với toàn bộ thầy cô. Tuy nhiên với trường hợp, con không may bị "trù dập" vì không quà cáp vào ngày lễ, bố mẹ cần có cách ứng xử khéo, không nên vội vàng lôi chuyện lên mạng xã hội để đấu tố, xả tức. Bởi người lớn có mâu thuẫn thế nào thì trẻ nhỏ sau cùng vẫn là người chịu tổn thương.

Hãy chia sẻ với giáo viên về những điều bạn thấy được cũng như những gì đang diễn ra, hậu quả của nó thế nào và bạn cần giáo viên trả lời lại. Hãy chắc chắn với giáo viên rằng đây chỉ là cuộc trao đổi đầu tiên giữa bạn với giáo viên. Bạn sẽ không đẩy nó đi quá xa nếu như cả hai tìm được sự đồng thuận. Và nhất thiết phải cho giáo viên thấy bước tiếp theo nếu như giáo viên và phụ huynh không tìm ra giải pháp tốt. Đó là bạn sẽ tiến thêm một bước nữa: Đối thoại với nhà trường mà ở đây chính là Ban giám hiệu cũng như Hội phụ huynh. 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/con-trai-toi-di-hoc-ve-rom-rom-nuoc-mat-bao-me-den-nha-co-tang-qua-di-may-hom-nay-con-thay-thai-do-cua-co-khac-lam-162202410124034605.htm

tặng quà

Quà tặng 20/10


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.