PGS.TS Phạm Minh Mục, Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Việt Nam dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 6 vấn đề lớn HS gặp phải ở trường học là bạo lực học đường (51,6%).
Không gian buổi tọa đàm ngày 25/3. (Ảnh: Văn Chung).
|
Kết quả một nghiên cứu khác cũng cho con số, khoảng 80% HS cho biết đã bị bạo lực giới trong trường học ít nhất một lần. Trong đó bạo lực tinh thần như mắng chửi, đe dọa, bắt phạt, đặt điều, sỉ nhục,...chiếm tỉ lệ cao nhất: 73%; bạo lực thể chất là 41%, bạo lực tình dục chiếm 19%".
Đối mặt với tình trạng bạo lực học đường, theo nghiên cứu của PGS Mục, tỉ lệ học sinh chọn cách im lặng không phản ứng lên đến 32,3%, nhờ bạn bè trong trường lớp giúp đỡ là 41,9% và nhờ trợ giúp từ bạn ngoài lớp, ngoài trường là 35,5%. Việc báo cho gia đình, phụ huynh không được các em lựa chọn.
Những hậu quả lâu dài về cả thể xác lẫn tinh thần là điều được tất cả các ý kiến tham luận phân tích, mổ xẻ.
Mỗi ngày nói những lời cảm ơn
Những đề xuất như tăng cường vai trò của gia đình, nâng cao kiến thức kĩ năng cho giáo viên về tâm lý học, đặc biệt là việc Bộ GD-ĐT cần có chính sách để các trường có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, được trả lương trong đã được các đại biểu đưa ra.
Thạc sĩ Lê Thanh Hà, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: “Hơn bao giờ hết chúng ta cần một nhà chuyên môn về tâm lý học. Không thể dạy trẻ theo kinh nghiệm được nữa. Điều đó dễ thực hiện khi bối cảnh xã hội ổn định. Nhưng xã hội thay đổi về mọi mặt buộc ta phải làm theo biện pháp khoa học”.
Hiệu phó Nguyễn Thị Lê phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hùng). |
Từ trải nghiệm thực tế, bà Nguyễn Thị Lê, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thực Nghiệm (Hà Nội) cho rằng, ngay lúc này cần cấp bách nâng cao chất lượng của đội ngũ “máy cái” là đào tạo giáo viên: “Rất nhiều tình huống trong thực tế mà một giáo viên mới chỉ có 5 năm tuổi nghề chưa thể ứng xử được” – bà Thu cho biết..
Bức xúc trước clip xảy ra ở Trà Vinh, giáo viên, nhà trường nói không biết, bà Lê khẳng định: “Giáo viên nếu có đủ năng lực sư phạm, có tay nghề hoàn toàn có thể ngăn chặn, phát hiện sớm, tư vấn giúp học sinh vượt qua được các nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường”.
TS Đặng Thu Thủy chia sẻ: “Mỗi ngày tôi vẫn có quyển sổ nhỏ ghi những lời cảm ơn, xin lỗi về những việc mình đã làm và dạy con như vậy. Tôi tin nếu HS được nói lời cảm ơn mỗi ngày thì ý thức làm điều tốt đẹp của các em sẽ tốt lên”.
Đề xuất buổi lễ tạ lỗi
PGS.TS Mạc Văn Trang (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) chia sẻ: Thời ông đi học, thầy giáo như linh mục, học sinh như con chiên - mọi điều thầy giảng đều như chân lí. Nhưng giờ khác, khoảng cách tâm lý giáo viên, học sinh xa cách. Hệ thống quản lí, quản trị học đường kém nên khi xảy ra sự việc không có người để quy trách nhiệm cụ thể.
PGS.TS Mạc Văn Trang phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Văn Chung). |
“Ngay cả phương pháp xử lí bạo lực học đường hiện nay cũng quá cũ. Vẫn là viết kiểm điểm, có cô yêu cầu trò 10 lần bản kiểm điểm rồi góp ý, phê bình, đuổi học, mời cha mẹ đến khiến tác dụng trở nên nhàm chán, không tác động đến lương chi, sự tự sám hối của trò” – ông Trang trăn trở.
Chuyện học sinh bị đánh ở Trà Vinh đã chuyển đến trường mới theo vị PGS: “Như thế giáo dục hoàn toàn thất bại, là chạy trốn. Ở lại cùng hòa giải và yêu thương mới thực là giải quyết vấn đề. Việc của em đã từ họa thành phúc nhưng có ai hiểu em sẽ mặc cảm suốt đời vì chuyện bị đánh”.
PGS Trang đề xuất giải pháp một buổi lễ tạ lỗi cho các trò đánh nhau, có sự tham gia của gia đình và học sinh toàn trường.
“7 em đánh bạn sẽ quỳ xuống trước toàn trường xin lỗi. Em bị đánh sẽ đến nâng từng bạn lên, nói lời tha lỗi. Sau đó những giáo viên, nhà trường cũng xin lỗi. Các em kia quỳ xuống không chỉ để xin lỗi cho mình em, mà còn là tạ lỗi cho cả cha mẹ của chúng và nhà trường.
Cử chỉ nâng bạn lên, nói lời tha lỗi ấy tôi tin em bị đánh sẽ lớn lên nhiều. Giờ chạy trốn sẽ đem theo ấm ức. Học sinh gây sai lầm phải đối mặt với sai lầm và tự biết nhận, hối cải. Em bị bạo lực dũng cảm đứng lên, đối diện để hòa giải và yêu thương, thức tỉnh lương tâm và lòng sám hổi trong mỗi con người của các em.
Tôi đề nghị đem clip học sinh đánh nhau và clip buổi lễ tạ lỗi đó cho tất cả học sinh toàn quốc xem và thảo luận tại sao các bạn lại đánh, tại sao mọi người không can ngăn, tác động sâu xa như thế nào, chúng ta phải làm gì.
Các nhà giáo
dục phải lấy sai lầm làm bài học giáo dục cho học sinh. Mọi biện pháp
phải quay về với học sinh. Ai cũng có thể phạm lỗi nhưng phải biết nhận
lỗi và sửa chữa sai lầm. Ai cũng có thể bị người khác phạm lỗi và sẵn
sàng tha thứ mới là cách hòa giải và yêu thương”– PGS Trang nêu ý kiến.
Theo Văn Chung/VietNamnet