Chuyện hy hữu này xảy ra với bà Nguyễn Thị Thảo Vy, 43 tuổi ở quận 5, TP HCM, Trưởng bộ môn Vật lý Trường Dự bị Đại học TP HCM. Theo bà Vy, do bị sốc khi cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, bà đã xin nhà trường nhỉ phép từ ngày 10/7 tới 10/8/2014.
Hơn 9 tháng nay, bà Vy vẫn chưa được Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học TPHCM ra quyết định đồng ý cho thôi việc trong khi đã 3 lần nộp đơn xin nghỉ. Ảnh: Tiền Phong. |
Sau khi hết phép, bà Vy có email gửi hiệu trưởng trường này xin về trường trễ, xin không họp tổ chuyên môn ngày 11/8 và đã được hiệu trưởng “đồng ý”. Ngày 21/8/2014, bà Vy quyết định nghỉ việc nên nhờ bố đẻ, nguyên là hiệu trưởng trường này mang đơn tới nộp cho trường.
“Đến ngày 7/10/2014, sau 45 ngày gửi đơn theo quy định, lãnh đạo trường vẫn không ban hành 'Quyết định nghỉ việc' cho tôi. Ngày 22/10/2014, tôi gửi đơn xin nghỉ việc lần 2 và ngày 26/11/2014 tôi tiếp tục gửi đơn, nhưng Ban Giám hiệu vẫn chưa giải quyết và không có một thông tin bằng văn bản nào đến tôi cho biết lý do vì sao”- bà Vy cho hay.
Dù không ban hành “Quyết định nghỉ việc” cho bà Vy, song Ban giám hiệu trường Dự bị đại học TP HCM đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của trường cắt mọi khoản lương, phụ cấp và phúc lợi của bà Vy từ tháng 9/2014. Nơi đây cũng cắt luôn chức Chủ tịch Công đoàn của bà Vy đã được bầu lên từ mấy nhiệm kỳ qua.
Quá bức xúc về việc bị “ngâm” quyết định cho nghỉ việc, bà Vy đã gửi đơn đến Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Trong đơn, bà Vy cho biết, đã gần 9 tháng nay sống trong lo lắng vì "xin nghỉ việc nhưng trường không cho", các khoản lương đã bị cắt mà không rõ lý do trong khi nhà trường chỉ giải thích đơn của mình không có giá trị pháp lý.
“Thậm chí, nhà trường không có quyết định cho tôi nghỉ việc nhưng lại yêu cầu Văn phòng Đảng ủy không được thu Đảng phí quý III/2014 của tôi nữa! Đến giờ này tôi không rõ lý do vì sao họ lại làm khó dễ với tôi như vậy”- bà Vy viết trong đơn gửi Bộ trưởng.
“Cậy” tới cả... 3 bộTrao đổi với báo chí về sự việc hy hữu này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Hiệu trưởng nhà trường nói, “trường đã làm đúng pháp luật”. Đại diện nhà trường nói, họ gửi nhiều văn bản “tư vấn” về trường hợp xin nghỉ việc của bà Vy tới Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp và cả Bộ Nội vụ nhưng “đều không nhận được văn bản trả lời về cách thức giải quyết vụ việc này”?!
Theo ông Sơn, lý do phải “nhùng nhằng” hơn 9 tháng qua vì bà Vy xin nghỉ phép đi du lịch tự túc từ ngày 10/7 tới 10/8/2014. Nhưng đến ngày 21/8/2014, bố đẻ bà Vy mới mang đơn tới nộp thay con gái. Ông Sơn nói: Như vậy, bà Vy đã nghỉ quá 8 ngày không phép.
“Đơn của bà này là cha bà mang tới ngày 21/8 mà không ghi ngày trong đơn. Đơn ghi tại TP HCM nhưng ngày đó tôi biết chắc cô đang ở Mỹ. Cha bà mang đơn đến và lúc đó mới điền ngày vào đơn”- ông Sơn nêu lý do. Lãnh đạo nhà trường còn khẳng định dây dưa như vậy là để “răn đe”.
Ông Phạm Thiên Kha - Phó ban Đảng ủy khối ĐH-CĐ tại TP HCM cho biết, về mặt quy định nhà nước, khi người lao động có đơn xin nghỉ việc, thì đơn vị sử dụng lao động dù đồng ý hay không, phải có văn bản trả lời cho họ biết. Ông Kha cho rằng, nếu ông Sơn không đồng ý với đơn nghỉ việc của bà Vy vì bố nộp thay mà không có ủy quyền thì tại sao lúc đó không trả lại đơn ngay và yêu cầu bà Vy đích thân lên nộp.
“Nếu lần một, đơn của bà Vy không được chấp nhận do bà không đích thân lên nộp thì lần 2 và 3 bà lên nộp sao không được giải quyết và trả lời cho người nộp đơn” - người này nói.
Trước những rắc rối từ việc này, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Hiệu trưởng trường Dự bị đại học TP HCM đề nghị giải quyết đơn của bà Vy theo qui định của pháp luật và báo cáo kết quả về Bộ. Tuy nhiên, 20 ngày trôi qua, nhà trường vẫn không giải quyết cho bà Vy nghỉ việc.
Luật sư Trần Thanh Tiến - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, theo quy định tại khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức, sau 45 ngày gửi đơn xin nghỉ việc, nếu nhà trường không giải quyết hay trả lời người đứng đơn xem như Ban Giám hiệu đã chấp thuận cho bà Vy được nghỉ việc theo đơn. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động tại TP HCM cho rằng, trường này đã làm sai khi cắt chức Chủ tịch Công đoàn của bà Vy nhưng không báo cáo với công đoàn cấp trên. |