Giáo dục năm Quý Mão

Trong năm Quý Mão, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi nhiều. Học phí tại các trường đại học có thể tiếp tục tăng.

Giáo dục năm Quý Mão-1
Chuyên gia cho rằng các kỳ thi riêng cần được tổ chức nhiều hơn. Ảnh: Việt Linh.

Năm 2022, ngành giáo dục trong nước đối mặt với những thách thức liên quan việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, tăng học phí, các kỳ thi lấy chứng chỉ đột ngột tạm ngừng tổ chức…

Trước thềm năm mới, TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục phổ thông, Tổ chức Giáo dục Equest và TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia, sẽ đưa ra dự đoán về bức tranh giáo dục năm Quý Mão.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT không thay đổi nhiều

Theo ông Đàm Quang Minh, trong vài năm gần đây, vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm khá nhiều và dự kiến trong năm 2023 sẽ tiếp tục giảm. Bên cạnh việc xét tốt nghiệp THPT, hiện điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ được các trường đại học xét tuyển một phần chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT không còn chiếm tỷ lệ nhiều như trước.

Về cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, ông Minh nhận thấy cấu trúc đề thi các năm gần đây khá ổn định và dự đoán trong năm Quý Mão cũng không có nhiều đột biến. Phải đến năm 2025, khi khóa học sinh đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp, cấu trúc đề thi mới có sự thay đổi lớn.

Giáo dục năm Quý Mão-2
Chuyên gia dự đoán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ không có nhiều thay đổi. Ảnh: Duy Hiệu.

Nói thêm về những bất cập trong thi cử, TS Đàm Quang Minh tin rằng Bộ GD&ĐT đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các kỳ thi lớn nên những yếu tố tiêu cực như lọt đề thi (giống như năm 2022) sẽ được khắc phục.

“Với những kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT, khả năng xảy ra các tình huống tiêu cực nhỏ có thể vẫn có. Nhưng Bộ GD&ĐT chắc chắn sẽ cẩn thận hơn để đảm bảo các tình huống nghiêm trọng sẽ không còn diễn ra”, ông Minh nói thêm.

Cần thêm nhiều kỳ thi riêng, giảm bớt phương thức xét tuyển

Hiện nay, Nhà nước đã cho phép các trường tổ chức kỳ thi riêng để phục vụ cho việc tuyển sinh nhưng mới chỉ có 5 cơ sở giáo dục tổ chức. Ông Hiệp cho rằng các trường phải tổ chức nhiều kỳ thi riêng hơn nữa. Đồng thời, Nhà nước cũng cần thực hiện bài toán để kiểm soát, giúp các kỳ thi riêng được thực hiện một cách có hệ thống, dễ hiểu.

Ngoài ra, ông Hiệp đề xuất các trường nên giảm bớt phương thức xét tuyển vì quá nhiều phương thức sẽ gây phức tạp và khiến thí sinh lúng túng. Theo ông, các trường chỉ nên dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh.

Hiện nay một số trường, một số chuyên ngành dùng IELTS như là tiêu chí quan trọng nhất nhưng ông Hiệp cho rằng phương án này không nên dùng vì IELTS chỉ phản ánh năng lực tiếng Anh. IELTS có thể dùng để chuyển đổi điểm thi tiếng Anh hoặc cộng thêm điểm chứ không nên dùng làm điều kiện cần và đủ khi tuyển sinh, nhất là khi tuyển sinh những ngành không liên quan.

Điểm học bạ cũng có thể dùng nhưng chỉ nên là điểm cộng, không nên dùng loại điểm này như điều kiện tiên quyết. Mỗi trường, mỗi địa phương lại có sự chênh lệch về cách tính điểm học bạ, chúng ta rất khó kiểm soát và tạo sự công bằng khi sử dụng đầu điểm này.

Giáo viên trẻ sẽ nắm bắt chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt hơn

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một định hướng đúng đắn vì nó đã thay đổi bản chất giáo dục, chuyển từ kiểu giáo dục thụ động, khuôn mẫu cho toàn bộ hệ thống sang kiểu giáo dục tự do hơn, cập nhật với tinh thần giáo dục quốc tế nhiều hơn. Nhìn chung, định hướng của chương trình này mang lại những chuyển biến tích cực cho nền giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, TS Minh nhận thấy chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự thay đổi lớn. Để làm quen với chương trình này, giáo viên và học sinh cần thêm thời gian. Điển hình là các giáo viên lâu năm, đã quen với phương pháp giảng dạy cũ nên đôi khi họ còn lúng túng và chưa hoàn toàn nắm bắt được những nhiệm vụ cần làm.

Với giáo viên trẻ, những người năng động, nhanh nhạy và am hiểu công nghệ, họ sẽ nắm bắt và thích nghi với chương trình mới tốt hơn.

Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10, tức là mới chỉ 50%. Trong giai đoạn này, việc triển khai đã bộc lộ một số vấn đề như thiếu giáo viên, tài liệu/sách giáo khoa nhiều điểm chưa hợp lý, học sinh lớp 10 gặp khó khăn khi muốn đổi môn tự chọn… Ông Minh nhận định những vấn đề trên không thể không tránh khỏi, nhưng đều là những vấn đề chúng ta đã lường trước được và có thể khắc phục trong những năm tới.

Đến năm 2023-2024, chương trình mới sẽ tiếp tục triển khai ở lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm 2024-2025 triển khai cho các lớp còn lại là 5, 9, 12. Khi chương trình được triển khai ở tất cả cấp học, chúng ta có thể đánh giá một cách đầy đủ và hiệu quả về sức ảnh hưởng của chương trình này.

Học phí đại học có thể tiếp tục tăng

Cuối tháng 12 vừa qua, Nghị quyết 165/NQ-CP yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022. Bàn về vấn đề này, ông Phạm Hiệp cho rằng nghị quyết chỉ là giải pháp tạm thời chứ không phải giải pháp lâu dài vì câu chuyện học phí luôn gắn với vấn đề tự chủ của các trường đại học.

Giáo dục năm Quý Mão-3
Nghị quyết 165/NQ-CP chỉ là giải pháp tạm thời, học phí đại học có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm Quý Mão. Ảnh: Duy Hiệu.

Hiện nay, chúng ta đang đứng giữa tiến thoái lưỡng nan. Nếu trường không đủ ngân sách, không đủ nguồn thu, chất lượng đào tạo, nghiên cứu sẽ không đủ đảm bảo. Nhưng nếu nguồn thu của nhà trường chỉ dựa vào học phí, việc này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên, nhất là những sinh viên thu nhập trung bình và thấp.

Theo truyền thống, chúng ta sử dụng mô hình học phí thấp, Nhà nước bao cấp. Nhưng mô hình này lại không tạo ra kết quả đột biến vì suất đầu tư cho sinh viên khá thấp, không đảm bảo chất lượng, dù nó giúp nhiều học sinh thu nhập trung bình và thấp có cơ hội đi học.

Nếu theo mô hình ngược lại là học phí cao, nhiều em lại không thể đi học. Vì thế, TS Hiệp cho rằng nghị quyết của Chính phủ chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề vẫn là làm sao đảm bảo được nguồn thu cho các trường ở mức có thể đảm bảo được chất lượng.

Theo ông Hiệp, mô hình chuẩn phải là học phí cao và nguồn hỗ trợ nhiều, gọi là mô hình 2 cao”. “Học phí có lẽ sẽ tiếp tục tăng, năm nay chưa tăng, năm sau phải tăng, nhưng việc hỗ trợ nhiều thì chưa thể hiện được”, ông Hiệp nói thêm.

Hiện nay các trường học phí cao thường rơi vào các trường tự chủ tài chính. Bản chất của các trường này là không nhận ngân sách Nhà nước cho việc chi thường xuyên. Vì thế, họ phải tăng học phí để đảm bảo nguồn thu chi.

Ông Hiệp đề xuất Nhà nước lập một quỹ dành riêng cho các trường tự chủ. Các trường sẽ đấu thầu để giành được quỹ này, phục vụ cho việc hỗ trợ sinh viên học tập. TS Hiệp tin rằng đây sẽ là phương án bền vững, khả thi trong 5-10 năm tới.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/giao-duc-nam-quy-mao-post1394089.html

giáo dục phổ thông


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.