“Không phải cứ vào đại học mới là học"

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội xung quanh câu chuyện đằng sau 1 đợt tuyển sinh nguyện vọng 1 vào Đại học, Cao đẳng được ví là “có 1 không 2” ở nước ta.

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội xung quanh câu chuyện đằng sau 1 đợt tuyển sinh nguyện vọng 1 vào Đại học, Cao đẳng được ví là “có 1 không 2” ở nước ta.

- Trong sự hỗn loạn của việc xét tuyển tại các trường ĐH, CĐ vừa qua, xuất hiện 2 câu truyện rất rất hay mà tôi nghĩ các thí sinh (TS), phụ huynh cần phải suy ngẫm. Đó là hình ảnh anh chàng cử nhân ôm bảng xuống đường xin việc kiếm tiền mua sữa cho con và chuyện TS nọ được 25 điểm nhưng từ chối xét tuyển ĐH để vào học ở trường nghề.

“khong phai cu vao dai hoc moi la hoc" - 1

Thí sinh chen lấn rút hồ sơ tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Ảnh; IT

Trên mạng tôi đọc có ý kiến người khen, kẻ chê. Tôi để ý thấy những người tỏ thái độ miệt thị anh chàng cử nhân thất nghiệp và nhiều ý kiến tung hô TS dám chọn học nghề khi mức điểm cao. Tức là phần lớn xã hội đã nhận thức được vào ĐH không phải con đường duy nhất, không phải học ĐH mới là học, tấm bằng ĐH cũng chưa đảm bảo cho bạn trẻ một tương lai tốt đẹp. Học phải là một cuộc chạy đua suốt đời, phải xác định được việc học theo sở thích và học theo năng lực mới là cái đích của các em. Ngay như việc rất nhiều em điểm cao nhất quyết phải chọn trường Đại học Y vì “đấy là trường xuất sắc chỉ dành cho người học giỏi” cũng là một sai lầm. Có em thậm chí sợ máu nhưng vì tác động của gia đình, họ hàng, vì tâm lý thích oai nên vẫn cố sống cố chết nộp đơn vào Đại học Y.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của đợt xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua đến tâm lý, lòng tin của xã hội nói chung và của những thí sinh (TS), phụ huynh nói riêng?

- Có 2 luồng ý kiến, những người ngoài cuộc nhìn nhận đây là lần đổi mới đầu tiên, có tính chất cách mạng đối với ngành giáo dục nên việc có sai sót là không tránh khỏi. Họ thông cảm chia sẻ với lãnh đạo cho Bộ GDĐT và chờ đợi những cải tiến tiếp theo để cho “ra lò” một sản phẩm hoàn thiện nhất. Họ chấp nhận đợt xét tuyển vừa qua là một cuộc thử nghiệm. Còn đối với gần 1 triệu phụ huynh, TS tham gia trực tiếp vào cuộc chạy đua xét tuyển, họ bức xúc cũng là lẽ đương nhiên vì họ đã phải quá vất vả, tốn kém trong 20 ngày qua. Báo chí phản ảnh cá biệt có trường hợp gia đình phải thuê cả xe cấp cứu để đưa con đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút – nộp hồ sơ.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi chỉ có thể gói gọn trong vấn đề: Bộ GDĐT đã chưa thể lường trước hết được sự việc, không kiên trì dùng công nghệ thông tin làm “chìa khóa” cho vấn đề xét tuyển.

Chỉ có 43.000 lượt thay đổi nguyện vọng (chiếm có 8,1% TS xét tuyển đợt 1) mà lại để xảy ra tình trạng hỗn loạn như vậy? Việc để cho TS phải cầm giấy xét tuyển chạy hết trường này đến trường kia là một sự lạc hậu khó tưởng tượng trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão hiện nay. Những khiếm khuyết này chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong phiên họp với Chính phủ sau ngày xét tuyển cuối cùng của nguyện vọng 1 cũng đã thừa nhận.

Nhưng cũng không thể không nói tới trách nhiệm của chính TS và phụ huynh. Nhiều người vẫn còn nặng tâm lý “sính bằng cấp”, chưa xác định được mong muốn ngành nghề mình theo đuổi, chưa biết mình biết người, chỉ có mỗi mục tiêu rất hoang đường là vào ĐH bằng mọi cách.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã lên tiếng nhận trách nhiệm trước những sai sót trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Ông nhận định gì về động thái này?

- Bộ GDĐT đã có thái độ cầu thị, nhận sai và quyết tâm sửa sai. Hành động này của Bộ trưởng dù sao cũng đã xoa dịu được sự bức xúc của dư luận trong những ngày qua. Cũng cần nói rằng, cái được của người đứng đầu ngành giáo dục là dám nghĩ, dám làm. Không chỉ vấn đề đổi mới tuyển sinh mà còn hàng loạt những quyết sách mới như: Không chấm điểm học sinh tiểu học, thay đổi chương trình phổ thông tổng thể… Nhưng mấu chốt vẫn là ở khâu chuẩn bị làm sao cho đủ, tính toán làm sao cho thực tế? Muốn vượt qua chướng ngại vật thì phải chạy lấy đà thật tốt. Cuộc cải cách nào cũng sẽ có những rủi ro, nhưng nếu chúng ta chuẩn bị tốt thì sẽ hạn chế được thấp nhất các rủi ro, khiến các TS không phải trả giá.

Vậy với những học sinh THPT sắp sửa thử thách mình trên “ghế nóng” tuyển sinh, ông cho rằng các em cần rút ra kinh nghiệm gì từ sự hỗn loạn của đợt xét tuyển này?

- Ngoài sự lo lắng, các em cần nhận thức được việc cần phải học hành một cách nghiêm túc vì chỉ có kết quả tốt thực sự thì mới có thể “chạy đua” vào trường mình yêu thích. Các giáo viên cũng nên thay đổi tư duy giảng dạy và đặc biệt là tư duy hướng nghiệp cho các em. Hiện nay, rất ít trường THPT làm tốt vấn đề hướng nghiệp cho các em. Phần lớn chỉ mới là giới thiệu các trường ĐH, CĐ chứ chưa định hướng cho học sinh của mình phải biết theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích chứ không phải đặt mục tiêu đỗ ĐH lên hàng đầu.

Trong đợt xét tuyển tới, Bộ GDĐT cũng đã đưa ra hướng giải quyết là cho các em dùng mã vạch đăng ký 1 lần các nguyện vọng và đảm bảo chuyển chính xác nguyện vọng của các em đến các trường. Theo ông, cách làm này có khả thi?

- Vẫn là xuất phát từ mục đích tốt, chủ trương hay của Bộ. Nhưng còn việc thực hiện như thế nào thì chưa thể nói trước được. Tuy nhiên, tôi nghĩ Bộ nên nhìn nhận vấn đề rộng hơn. Tại sao ta cứ chăm chăm vào việc kiểm soát đầu vào, thi như thế nào, xét tuyển ra sao, điểm chác đến đâu… Thay vào đó Bộ hãy chú trọng hơn đến việc kiểm soát quá trình đào tạo của các trường ĐH, CĐ và kiểm định đầu ra sao cho phù hợp với nhu cầu nhân lực của thị trường, dự báo nguồn nhân lực cho thật tốt để phân bổ chỉ tiêu, giảm thất nghiệp. Như vậy sẽ đảm bảo các em tốt nghiệp sẽ không phải cầm biển đứng đường xin việc.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Dân Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.