Lãnh đạo đại học 'hiến kế' cải tiến tuyển sinh

Ngay sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 kết thúc - nhiều trường ĐH đã có đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem lại và điều chỉnh những vấn đề bất cập, giảm vất vả cho thí sinh phụ huynh và nhà trường.

Ngay sau đợt xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1 kết thúc - nhiều trường ĐH đã có đề xuất Bộ GD-ĐT cần xem lại và điều chỉnh những vấn đề bất cập, giảm vất vả cho thí sinh phụ huynh và nhà trường.

Đánh giá về kỳ tuyển sinh vừa qua, ông Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi Hà Nội cho rằng, việc cho thí sinh đăng ký 4 nguyện vọng vào một trường có lợi cho các em vì có nhiều lựa chọn, tăng khả năng trúng tuyển.

Tuy nhiên, việc thí sinh phải đi lại nhiều lần thực hiện thay đổi nguyện vọng cần phải điều chỉnh. Có thể xem xét cấp cho các em một tài khoản riêng để đăng ký và điều chỉnh ngay tại địa phương.

đại học, công bố, điểm chuẩn, trúng tuyển
Phụ huynh, thí sinh theo dõi điểm trúng tuyển dự kiến tại Học viện Ngân hàng sáng 20/8. (Ảnh: Văn Chung).

Chuyên gia công nghệ thông tin của một ĐH lớn tại Hà Nội cho rằng: "Những chỉ đạo vừa qua của Bộ GD-ĐT cho thấy có sự lúng túng nhất định. Lúc đầu Bộ không cho các trường công bố điểm trúng tuyển tạm thời, sau lại "tháo khoán" việc này.

Hay như văn bản chỉ đạo tạo điều kiện cho thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển tại địa phương cũng muộn màng. Dù Bộ khẳng định thủ tục sẽ nhanh chóng nhưng thí sinh, phụ huynh lúc này không thể yên tâm nên dồn về các trường ĐH dẫn tới sự vất vả, căng thẳng. Đây là điều cần xem lại".

đại học, công bố, điểm chuẩn, trúng tuyển
Hồ sơ của thí sinh nộp vào Học viện Ngân hàng. (Ảnh: Văn Chung).

Cũng theo vị này, vừa qua quá trình công bố điểm thi, danh sách, thứ hạng và điểm trúng tuyển tạm thời của các trường được thực hiện không nhất quán đã gây không ít phiền hà, phức tạp và làm khổ phụ huynh, thí sinh. Bộ cần sớm nghiên cứu điều chỉnh cho hợp lí.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội Nguyễn Quang Dong cũng cho rằng Bộ nên tính toán giảm thời gian 20 ngày cho đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ.

Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng Trần Mạnh Dũng cũng cho rằng, thời gian như vậy là quá dài. Theo ông Dũng thường thí sinh sẽ không nộp ngay mà trì hoãn để nghe ngóng rồi mới quyết định.

Phương thức xét tuyển còn thủ công khiến thí sinh phải trực tiếp đến trường nộp hồ sơ. Nhiều em ở xa phải đi lại lên thành phố khá vất vả. Ông cũng hi vọng tới đây Bộ GD-ĐT có thể cho phép thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Không nên cho thí sinh thay đổi nguyện vọng

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Bùi Xuân Nhàn cho rằng, Bộ nên quy định hạn chế số nguyện vọng thí sinh được nộp vào một trường từ 4 xuống còn 1-2 ngành. Như vậy thí sinh phải cân nhắc kỹ càng hơn, lựa chọn ngành mình yêu thích đồng thời nhà trường cũng chọn được sinh viên phù hợp, giảm lượng thí sinh “trúng tuyển ảo”.

đại học, công bố, điểm chuẩn, trúng tuyển
Thí sinh, phụ huynh trong đợt 1 xét tuyển đại học 2015. (Ảnh: Văn Chung).

Theo quan sát của lãnh đạo nhiều trường ĐH cũng như chia sẻ của thí sinh các em thường chỉ đăng ký nguyện vọng ngành bổ sung số 2,3,4 theo tính chất cầu may mà không thực sự yêu thích.

Ông Trần Mạnh Dũng cho rằng việc cho phép thí sinh cùng đợt có bốn nguyện vọng mà lại được phép đổi nguyện vọng, rút hồ sơ đã gây nên rối loạn, nên cho thí sinh có 2 - 3 nguyện vọng/đợt. Hoặc có thể cho thí sinh có 4 nguyện vọng/đợt nhưng không được đổi nguyện vọng trong đợt đó.

Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Kiều Xuân Thực cho rằng, quy định mới khiến cho cơ hội trúng tuyển của thí sinh cao hơn các năm nhưng cùng với đó nhà trường, phụ huynh, thí sinh đều mệt mỏi, lo lắng.

Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho biết bản thân ông rất lo ngại: "Năm nay trường có thể lấy được những thí sinh điểm cao hơn năm trước nhưng chất lượng như thế nào thì chưa thể đánh giá. Nhiều thí sinh chỉ chọn ngành để cố gắng đỗ ĐH mà không thực yêu thích thì sau này vào ĐH rồi có toàn tâm, dốc sức học hành không?".


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Dù đã có nhiều đổi mới và có những giải pháp để kịp thời điều chỉnh các tình huống xảy ra, tuy nhiên theo ông Ga vẫn có những vấn đề Bộ không lường trước được như: tâm lý của người nhà và thí sinh luôn muốn đến trường để rút - nộp hồ sơ. "Bởi vậy, đã có rất nhiều thí sinh phải đi xa vất vả, điều này khiến Bộ rất áy náy và cũng rất chia sẻ”  - lời Thứ trưởng.

Để những kì xét tuyển sau được thuận lợi hơn, thực sự có thể giảm áp lực cho các thí sinh và phụ huynh, Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ xây dựng lại quy chế cho phù hợp, hài hòa giữa quyền tự chủ của các trường và lợi ích của thí sinh. Đặc biệt, Bộ sẽ tham khảo tâm lý cầu thí sinh và xã hội.

"Ngoài ra, đối với các nhà trường cũng cần đưa ra điểm nhận hồ sơ ở mức phù hợp, không nên đưa ra mức thấp quá, khiến nhiều thí sinh phải nộp vào, sau đó lại phải rút ra. Đối với các thí sinh cần phải sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin để việc đăng ký xét tuyển được hiệu quả" - ông Ga nói. 


Theo VietNamNet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.