Mẹ khóc nức nở sau 2 ngày con học trường công: "Mẹ hại con rồi phải không?"

Phụ huynh học sinh cứ nghĩ cảnh cô giáo dùng thước kẻ đập xuống mặt bàn đã bị "khai tử" từ thập niên 90, không tin được rằng nó vẫn tồn tại ở ngay trung tâm Hà Nội.

Con "sốc", mẹ khóc: "Mẹ hại con rồi phải không?"

Ngày thứ hai đón con đi học về, chị Trương Thị Lệ Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội) không kiềm chế được mà khóc nức nở.

Chị Mai từng hoang mang về quyết định chuyển con từ trường tư về trường công là đúng hay sai. Còn ngay tại thời điểm chứng kiến cảnh cô giáo con đập liên tục chiếc thước gỗ to xuống mặt bàn ổn định lớp học vào giờ đón trả học sinh, chị Mai ân hận tự hỏi mình: "Mẹ hại con rồi phải không?".

Con chị Mai học 3 năm mẫu giáo và năm thứ nhất tiểu học ở một trường tiểu học tư thục có tiếng của Hà Nội. Năm học này, do gia đình thay đổi về chỗ ở cùng một số biến động về tài chính, chị chuyển cho con về trường công gần nơi ở mới.

Mẹ khóc nức nở sau 2 ngày con học trường công: Mẹ hại con rồi phải không?-1

Một tiết học của học sinh tiểu học tư thục tại Hà Nội (Ảnh: PV)

Xác định trước con sẽ "sốc văn hóa" khi môi trường học tập, sinh hoạt khác biệt, nhưng chị Mai vẫn không thể hình dung được thực tế vượt xa những gì chị đã nghĩ và tìm hiểu.

"Ngày đầu tiên đi học trở về, con chạy thẳng vào nhà vệ sinh vì đã nhịn cả chiều không dám đi. Hỏi lý do thì con nói nhà vệ sinh ở trường bẩn, không có xà phòng rửa tay. Hỏi về bữa trưa thì con nói không ăn được gì mấy, phải lén chia hai cho bạn bên cạnh ăn giúp.

Các bạn bảo nếu để cô giáo phát hiện cô sẽ mắng vì tội không ăn hết suất. 

Con nói thức ăn nguội, canh nguội, đến cơm cũng như cơm nguội. Tôi không nghĩ việc cho các con ăn nóng lại khó khăn như thế", chị Mai chia sẻ.

Ngày thứ hai chị Mai trực tiếp đến trường đón con, với mong muốn gặp cô hỏi han về tình hình hòa nhập. Nhưng vừa đến cửa lớp, đập vào mắt chị là cảnh cô giáo đang đập cây thước gỗ lớn xuống mặt bàn liên hồi để ổn định lớp học.

"Bọn trẻ giờ đón trả như ong vỡ tổ, nghe tiếng đập thước của cô giật thót quay ra ngồi ngay ngắn mấy chục giây. Sau đó lại quên và lại nhốn nháo. Cô lại đập thước chát chúa.

Chỉ trong khoảng 1 phút chờ con dọn cặp sách về, tim tôi liên tục nhảy ra khỏi lồng ngực khi nghe tiếng đập thước và thấy con cứ giật bắn mình sợ hãi theo từng cơn đập thước của cô. Chỉ lo cô mất kiên nhẫn trước "tổ ong vỡ" sẽ quăng cái thước về phía nào đó như những clip trước đây trên mạng", chị Mai nghẹn ngào.

Theo lời chị Mai, cô giáo không hề tỏ ra e ngại khi đập thước ổn định lớp học trước mặt phụ huynh, như đây là một thói quen hoàn toàn hợp pháp. Về đến nhà, chị Mai vừa khóc vừa hỏi con, con chị nói: "Cả ngày cô đập thước nhiều đến đau cả đầu".

Mẹ khóc nức nở sau 2 ngày con học trường công: Mẹ hại con rồi phải không?-2

Hoạt động ngoại khóa hưởng ứng văn hóa đọc tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội (Ảnh: HH).

"Khi con học lớp 1 trường tư, cô giáo dùng một chiếc chuông để ổn định trật tự lớp. Tiếng chuông vừa thu hút sự chú ý, vừa rất nhẹ nhàng.

Tôi cứ nghĩ việc thầy cô dùng thước gỗ lớn đập xuống mặt bàn là câu chuyện của những năm 90, thế hệ của chúng tôi ngày xưa. Không tin được hành động này vẫn tiếp diễn tới con trẻ ngày nay, ở ngay trung tâm Hà Nội.

Điều tôi lo lắng và thương con là con vừa thay đổi môi trường học tập mới, khi chứng kiến cảnh này sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề", chị Mai trăn trở.

Lo lắng của phụ huynh trước cảnh thầy cô đập thước là chính đáng

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng lo lắng của phụ huynh trước việc cô giáo đập thước ổn định lớp học là có lý do chính đáng.

"Việc cô giáo dùng thước kẻ làm tín hiệu với học sinh không lạ, nhưng có thể thấy trong đó nguy cơ mất an toàn. Thầy cô cũng là con người, không phải lúc nào cũng có khả năng kiểm soát cảm xúc.

Trong trường hợp thầy cô không giữ được bình tĩnh, rủi ro có thể xảy ra nếu trong tay thầy cô là một cây thước lớn", ông Đào Chí Mạnh nêu quan điểm.

Vị hiệu trưởng này cũng cho biết, tại trường học của ông, từ lâu các giáo viên trong trường chỉ được dùng loại thước nhựa nhỏ mềm như thước kẻ của học sinh, không được mang thước lớn và cứng đến lớp. 

"Ở cương vị một người thầy, tôi hoàn toàn chia sẻ và thông cảm với những vất vả, khó khăn của thầy cô khi đứng lớp, quản lý lớp và dạy dỗ học trò. Nhưng để đảm bảo an toàn cho học sinh, quy định này là cần thiết. 

Thầy cô nên có các cách thức khác để ra tín hiệu với các con. Dùng chuông hay còi là một cách hay. Thầy cô cũng có thể giao việc ổn định lớp cho hội đồng tự quản lớp, để các con tự nhắc nhở bảo ban nhau.

Tất nhiên việc này cần hướng dẫn cụ thể, cẩn thận để tránh các con lạm quyền với bạn", ông Đào Chí Mạnh chia sẻ.

 

Theo Dantri
 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/hoa-hau-y-nhi-hoc-truong-dai-hoc-nao-20230803153153982.htm

đi học


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.