Phụ huynh lớp 1 dạy con trong "hoang mang", cô giáo tiểu học chỉ ra 2 điều cha mẹ cần lưu ý

"Chẳng thấy bố mẹ dạy con trong hạnh phúc, chỉ thấy bố mẹ dạy con trong "hoang mang", cô Ngọc Anh nhận định.

Lại một năm học mới nữa bắt đầu. Năm nào cũng vậy, các phụ huynh có con vào lớp 1 hẳn là những người có nhiều băn khoăn, trăn trở nhất. Lướt các diễn đàn cha mẹ có con vào lớp 1, cô Lương Ngọc Anh (giáo viên tiểu học ở Hà Nội) nhận thấy một bầu không khí căng thẳng.

Ít thấy mẹ nào chia sẻ tâm thế tích cực, vui vẻ của con khi được đi học. Đa phần là nỗi trăn trở như: Con vào lớp 1 mà chưa biết viết, viết ngược, viết sai... Mẹ stress vì con quá!; Hay: Con vào lớp 1 mà chưa biết đọc, đánh vần chậm quá, tối nào mẹ con cũng đánh vật, "tăng xông" với nhau. Lại có thêm nhiều phụ huynh lo lắng vì con vào lớp 1 mà vẫn chưa thực hiện thành thạo được các phép tính phạm vi 10. 

"Chẳng thấy bố mẹ dạy con trong hạnh phúc, chỉ thấy bố mẹ dạy con trong "hoang mang", cô Ngọc Anh nói.

Phụ huynh lớp 1 dạy con trong hoang mang, cô giáo tiểu học chỉ ra 2 điều cha mẹ cần lưu ý-1

Cô Lương Ngọc Anh (giáo viên tiểu học ở Hà Nội)

Là một giáo viên chuyên dạy lớp 1 đã nhiều năm, đồng thời có con mới vào lớp 1, cô Ngọc Anh thực sự thấu hiểu và thông cảm với các bố mẹ. Cô Ngọc Anh lưu ý vài vấn đề để phụ huynh có tâm thế vững vàng hơn.

Phạm vi kiến thức con sẽ học năm lớp 1 

1. Môn Toán: Học kì 1, con thực hiện được các phép cộng, trừ trong phạm vi 10. Học kì 2, con mới cần thực hiện các phép cộng trừ (không nhớ) trong phạm vi 100.

Vậy nên bố mẹ có thể cho con làm quen với các con số, tập đếm số lượng thật tốt các đồ vật, con vật trong cuộc sống hàng ngày. Con chưa cần thuộc lòng các phép cộng trừ phạm vi 10, bởi đó là yêu cầu cần đạt sau học kì 1 của lớp 1. Còn bây giờ, các con đang là những em bé từ mầm non mới chuyển cấp. Học thuộc lòng phép tính là quá sức với nhiều bạn nhỏ.

Bố mẹ yên tâm bởi vào lớp 1, cô giáo sẽ dạy con tập đếm lại số lượng, học viết chữ số, học cách thêm bớt từ các đồ vật trực quan để ghi nhớ phép tính. Nên việc đó bố mẹ hãy cứ để cô giáo lo.

2. Môn Tiếng Việt được chia thành kỹ năng đọc và kỹ năng viết

Kỹ năng đọc: Nếu được, bố mẹ cho con làm quen và thuộc bảng chữ cái là tuyệt vời lắm rồi! Bí quyết để con biết đọc nhanh là con thuộc lòng bảng chữ cái. Bạn nào thuộc trước khi vào lớp 1, đảm bảo thời gian tới đi học, con sẽ đánh vần rất nhanh.

"Nhiều mẹ phát bực khi dạy mãi mà con không nhớ được bảng chữ cái. Mình chia sẻ cho bố mẹ bí quyết này: Hãy cho con liên tưởng các chữ cái với đồ vật, con vật có nét tương đồng; cùng con chơi trò chơi với con chữ để con nhận diện tốt hơn. Mình hay dạy các con: Chữ o tròn như quả trứng, chữ ô là quả trứng đội mũ, chữ c cong cong như con tôm, chữ e giống bánh cuộn… Vừa học vừa liên tưởng thật vui và dễ nhớ. Bởi lứa tuổi này, các con cần học qua trực quan và ghi nhớ nhờ sự liên tưởng", cô Ngọc Anh nói.

Kỹ năng viết: Hẳn đây là "bộ môn" khó nhất với bố mẹ. Điều này cũng dễ hiểu bởi tất cả các giáo viên khi dạy lớp 1 đều phải nghiên cứu sâu về chuyên môn, kĩ thuật viết chữ. Kiến thức lớp 1 có đặc thù riêng. 

Cô Ngọc Anh chia sẻ, ngay bản thân cô là giáo viên, ngày trước, khi bắt đầu dạy lớp 1 phải luyện lại chữ theo đúng kĩ thuật, ô li, luyện viết hàng ngày… Nói để thấy bộ môn này quả thực rất "kỳ công". Nên việc luyện chữ bố mẹ cứ để cô giáo lớp 1 lo. Cô giáo có chuyên môn, phương pháp đúng, luyện viết chữ cho con sẽ tốt hơn. Bố mẹ lại đỡ vất vả và căng thẳng.

Bố mẹ có thể giúp con điều gì ở kĩ năng viết? Bố mẹ hãy rèn cho con tư thế ngồi viết đúng, tránh bị cong vẹo cột sống và cận thị. Bố mẹ rèn cách cầm bút đúng, để con đỡ bị mỏi tay, rèn cho con cách giữ gìn sách vở, đồ dùng học tập ngay khi ở nhà, để đến lớp con biết tự quản lý đồ dùng của mình.

Điều quan trọng hơn cần dạy con

Theo cô Lương Ngọc Anh, có nhiều điều quan trọng hơn bố mẹ cần dạy con trước khi vào lớp 1. Đó là những kỹ năng mềm như kỹ năng tự phục vụ, kĩ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng học tập tập trung, tự giác, kỹ năng giao tiếp trong tập thể,… Mà rất quan trọng là kỹ năng biết trao đổi tự tin với thầy cô giáo. Bởi thầy cô sẽ là người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn các con. Mạnh dạn chia sẻ với thầy cô, bạn bè là phương pháp học tốt nhất.

Ở môi trường nào, trẻ cũng có thể gặp những nguy hiểm tiềm tàng, do đó bố mẹ hãy trang bị cho con kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi gặp người lạ, khi bị người khác tấn công; cách giải quyết vấn đề, tìm kiếm sự trợ giúp trong những hoàn cảnh nguy hiểm; cách thoát hiểm khi có cháy, bị kẹt trong thang máy hay bỏ quên trên ôtô...

Các kỹ năng về giới tính lứa tuổi, như "Vùng đồ bơi", "Quy tắc 5 ngón tay"... cũng vô cùng quan trọng, giúp con biết bảo vệ bản thân, tránh bị xâm hại.

Để không rơi vào tình thế "Dạy con trong hoang mang", bố mẹ chỉ cần nắm được phạm vi kiến thức của con để dạy con đảm bảo tính "vừa sức". Thêm vào đó, hãy trang bị cho con sự tự lập, tự tin, tâm thế tích cực, vui vẻ… 

Bố mẹ hãy giữ tâm thế vui vẻ với việc dạy con học. Nếu bố mẹ căng thẳng, quát mắng, sẽ vô tình tạo cho con ấn tượng việc đi học đáng sợ thế nào. Chưa kể, con học trước nhiều quá, không còn thấy bài học thú vị, đi học lại mất đi niềm vui khám phá tri thức. Tóm lại, bố mẹ chỉ cần "happy" thôi. Việc còn lại, hãy cứ để thầy cô giáo lo.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/phu-huynh-lop-1-day-con-trong-hoang-mang-co-giao-tieu-hoc-chi-ra-2-dieu-cha-me-can-luu-y-20230830194053013.htm

học sinh lớp 1


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.