Phụ huynh ngậm đắng nuốt cay nộp tiền 'thế chân'

Nhiều phụ huynh “ngậm đắng nuốt cay” cho biết, kỳ họp đầu năm chẳng qua chỉ là dịp để các phụ huynh bắt buộc phải chấp nhận đóng các khoản “tự nguyện” tiền trường mà thôi.

Nhiều phụ huynh “ngậm đắng nuốt cay” cho biết, kỳ họp đầu năm chẳng qua chỉ là dịp để các phụ huynh bắt buộc phải chấp nhận đóng các khoản “tự nguyện” tiền trường mà thôi.

Chóng mặt với các khoản phí

Anh V.M.D có con đang học lớp 8 tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3, TP HCM) cho biết, đầu năm học này anh phải đóng nhiều thứ tiền hơn hẳn năm ngoái với 17 khoản phải nộp. Ngoài học phí, tiền học 2 buổi/ngày, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền ăn bán trú…, anh còn phải đóng vô số các khoản khác như: Nước uống học sinh 2 buổi/ngày: 10.000đ/tháng; tiền giấy đề thi: 15.000đ; vi tính: 40.000đ, vi tính khối 8 (học nghề): 50.000đ; học phòng Lab: 50.000đ/học kỳ; thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú: 200.000đ/năm; tổ chức phục vụ quản lý học sinh bán trú: 80.000đ; vệ sinh bán trú: 15.000đ/tháng; học tiếng Anh (bản ngữ) lớp tăng cường tiếng Anh: 2 tiết/tuần: 170.000đ/tháng; học tiếng Anh (bản ngữ) lớp không tăng cường tiếng Anh: 1 tiết/tuần: 85.000đ; bảng tương tác: 15.000đ...

Các khoản thu đầu năm của trường THCS Đoàn Thị Điểm.
Các khoản thu đầu năm của trường THCS Đoàn Thị Điểm.

Anh không giấu được thắc mắc: “Tôi không hiểu tại sao các cháu đã phải đóng tiền tổ chức dạy tiếng Anh tăng cường 85.000đ/tháng rồi mà vẫn phải đóng thêm 170.000đ/tháng cho việc học tiếng Anh ở lớp tăng cường nữa? Đó là còn chưa kể mỗi phụ huynh phải đóng 300.000đ tiền quỹ lớp và 300.000đ quỹ trường. Tôi không hiểu cái “quỹ trường” này hàng năm dùng để làm gì vì nhà trường không bao giờ giải thích rõ ràng cho phụ huynh biết”.

Chị H.L cũng có con học tại trường này cho biết thêm: “Các học sinh bán trú phải đóng khoản “thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú” 200.000đ, tăng gấp đôi so với năm ngoái, không những thế, mỗi em phải đóng 80.000đ/tháng tiền “tổ chức phục vụ quản lý học sinh bán trú” rồi mà vẫn phải đóng thêm tiền “vệ sinh bán trú”: 15.000đ/tháng”.

Trường Tiểu học Cao Bá Quát (quận Phú Nhuận) thông báo cho phụ huynh phải đóng gần 1,4 triệu đồng cho 12 khoản thu đầu năm như giấy thi, Nha học đường, thiết bị vật dụng phục vụ bán trú, năng khiếu… đó là còn chưa kể khoản tiền “dụng cụ học tập” tới 600.000đ.

Những khoản thu kỳ lạ

Nhiều phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trong thông báo của Trường Tiểu học Cao Bá Quát có một khoản thu mang tên “sửa chữa trang bị, nâng cấp phục vụ chuẩn Quốc gia” với mức thu 50.000đ/học sinh.

Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7), một phụ huynh bức xúc khi hội phụ huynh của trường này đưa ra mức thu hơn 3 triệu đồng đầu năm học. Theo đó, bảng chi dự kiến của lớp 1/3 với danh mục gần chục khoản thu, chi phí lên đến gần 60 triệu đồng. Các khoản chi để mua sắm gồm: hai bộ dây điện 1.800.000đ; 1 tivi 11.890.000đ, 1 khung sắt treo tivi 2.200.000đ; 1 kệ sách treo tường 1.800.000đ; 1 tủ để gối 8.300.000đ; 1 bàn phụ cho giáo viên 3.350.000đ; 1 máy in 990.000đ; 1 máy tính bàn 5.490.000đ, màn hình 1.960.000đ; 2 máy lạnh 24.580.000đ.

Trong đó, 3 khoản gồm kệ sách, tủ để gối, bàn phụ cho giáo viên khoảng 13 triệu đồng sẽ trả lại cho nhà trường với lý do “vì nhà trường đã trang bị cho lớp”. Bên cạnh đó, phụ huynh còn đóng tiền quỹ phụ huynh 400.000 đ/học sinh, bồi dưỡng cho cô bảo mẫu mỗi tháng 2 triệu đồng.

Những phụ huynh có con học bán trú tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm bức xúc cho biết, nhiều năm nay, cứ tới cuối năm học, phụ huynh có con học bán trú lại được nhắc nhở đóng tiền “thế chân” để “giữ chỗ” cho học bán trú là 200.000đ/học sinh. Nếu ai không đóng khoản tiền này, vào năm học mới, con mất chỗ bán trú thì không được trách nhà trường (!).

Anh V.M.D cho biết: “Tôi thấy rất vô lý với khoản thu này. Tại sao lại gọi là tiền thế chân? Con chúng tôi vẫn học ở trường có đi đâu đâu mà phải đóng thứ tiền này? Nó giống như tiền đặt cọc, nếu không có tiền đặt cọc này thì coi như không còn chỗ học bán trú. Giáo viên chủ nhiệm nói rằng cuối năm thu tiền “thế chân”, đầu năm sẽ trả lại nhưng không năm nào phụ huynh được nhận lại khoản tiền này. Hỏi giáo viên thì giáo viên trả lời đây là quy định của nhà trường”.

Không những thế, các lớp còn thu tiền thuê máy tính bảng cho học sinh học tiếng Anh với mức 180.000đ/tháng. Nếu phụ huynh nào không đóng thì tới giờ học đó, học sinh phải xuống phòng khác ngồi.

Mặc dù rất nhiều phụ huynh bức xúc nhưng họ đều ở tâm lý “không đóng không được” vì Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã in sẵn tờ giấy với dòng chữ “Là phụ huynh học sinh… lớp… Tôi thống nhất với nhà trường các khoản phí trong năm học gồm các nội dung sau…”.

Trường thu tiền rồi Sở mới “cấm”?

Trước những bức xúc của phụ huynh về tiền trường, lạm thu, Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ra văn bản quy định rõ việc thu tiền đầu năm học.

Theo đó, đối với các khoản thu thỏa thuận như tiền tổ chức dạy học hai buổi/ngày; tổ chức các lớp học ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, tự chọn; tổ chức học nghề THCS; tổ chức phục vụ bán trú; vệ sinh bán trú; thiết bị, vật dụng phục vụ học sinh bán trú; tiền ăn, tiền nước uống và khoản thu hộ- chi hộ như: quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, ấn chỉ hồ sơ học sinh, học phẩm - học cụ… các đơn vị phải tổ chức lấy ý kiến thống nhất của phụ huynh học sinh để tổ chức thực hiện.

Tất cả các khoản thu phải thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến từng phụ huynh học sinh (nêu rõ những khoản thu theo quy định, theo thỏa thuận, thu hộ - chi hộ); khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường, tuyệt đối không được giao cho giáo viên trực tiếp thu, chi tiền…

Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cho biết, tất cả các khoản thu mang tên quỹ như quỹ trường, quỹ lớp là hoàn toàn sai quy định, các trường muốn xã hội hóa phải công khai, minh bạch và phải trên tinh thần tự nguyện. Đồng thời Sở GD&ĐT HCM cũng thừa nhận, tình trạng lạm thu hiện nay vẫn còn ở một số nơi nên sở sẽ sớm thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra đối chiếu các khoản thu và xử lý nghiêm khắc các tình trạng lạm thu.

Điều đáng nói ở đây là Sở GD&ĐT TPHCM ra văn bản hướng dẫn thu chi sau khi hầu hết các trường đã tổ chức họp phụ huynh và thu xong các khoản tiền đầu năm. Và đương nhiên, gần như không có phụ huynh nào nhận được biên lai thu các khoản tiền này từ phía nhà trường (trừ các khoản thu bắt buộc như học phí, bảo hiểm…). Đó là còn chưa kể có những trường yêu cầu phụ huynh phải đóng tiền qua tài khoản thì việc kiểm tra, trả lại nếu như có vi phạm có thực hiện được không?

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, rất nhiều phụ huynh phản ánh có loại phí gọi là phí xây dựng trường. Dùng khái niệm xây dựng trường là rất chung chung. Đã xây dựng cơ sở đào tạo là nhà nước phải bỏ tiền ra xây dựng trường, lớp với kinh phí mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Vậy tại sao lại phải bắt phụ huynh đóng khoản phí xây dựng trường?

Rồi một số trường lại đưa ra khoản đóng góp tiền điều hòa, tiền nước uống… Một trường học bình thường phải đảm bảo các nhu cầu tối thiểu đó. Tại sao lại bắt phụ huynh phải đóng góp tiền vệ sinh, tiền an ninh? Bản thân nhà trường phải có bộ máy đảm bảo an ninh, phải có một quỹ nhất định để đảm bảo vệ sinh trong trường.

Nhà nước đã dành 20% trong tổng ngân sách cho giáo dục - đào tạo, con số đó rất lớn, không thể lấy lý do những phát sinh, chi phí thường xuyên trong giáo dục - đào tạo để yêu phụ huynh học sinh đóng góp, điều đó rất phi lý.

Theo Infonet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.