Cuối năm học 2014-2015, cũng là kết thúc năm học đầu tiên thực hiện Thông tư 30 với cấp tiểu học, chắc hẳn sẽ có nhiều người thắc mắc không biết kết quả ra sao?
Là người trực tiếp giảng dạy, tôi xin phép giải đáp thắc mắc này, hy vọng độc giả quan tâm tới giáo dục sẽ hiểu hơn về những “đổi thay” trong giáo dục tiểu học năm vừa qua. Đồng thời, cũng mong các bạn đồng nghiệp tham gia góp ý thêm, vì có thể góc nhìn của tôi còn hẹp, ở một địa bàn nhất định và không tổng quát.
Ảnh: Infonet. |
Nói về kết quả sau một năm học, chúng ta quan tâm ở nhiều mặt, nhưng tôi xin đề cập hai nhân tố trung tâm: Công việc của giáo viên và chất lượng của học sinh.
Trước hết, tôi xin nói về công việc của giáo viên tiểu học khi áp dụng Thông tư 30. Mỗi giáo viên đón nhận và thực hiện thông tư với tâm trạng khác nhau: Người hoang mang, lo lắng, người than ngắn thở dài, người im lặng chấp nhận, có người chậc lưỡi buông xuôi, đa số đều chưa hiểu mục đích, yêu cầu của thông tư ... Quả thực, tôi chưa thấy giáo viên nào thích thú, hào hứng khi thực hiện đổi mới theo Thông tư 30.
Công việc của giáo viên cơ bản vẫn như trước, vì chương trình, sách giáo khoa và các bài dạy vẫn như mọi năm. Ngoài các loại sổ sách trong hồ sơ giáo viên (khoảng 10 loại sổ sách khác nhau), năm nay chỉ “thêm” có mỗi lớp một cuốn sổ theo dõi nhận xét chất lượng học sinh, thêm một cuốn học bạ mới với 2 trang nhận xét cho mỗi học sinh, và “thay” việc chấm điểm bằng việc nhận xét vở hàng ngày cho học sinh.
Nhưng chỉ với hai sự “thêm, thay” đó cũng làm xáo trộn mọi công việc lên lớp của giáo viên, nhất là những người dạy lớp có sĩ số đông, giáo viên dạy môn chuyên trách và giáo viên dạy lớp 1.
Với lớp đông học sinh, vở học sinh nhiều, nếu giáo viên không nhận xét, học sinh và phụ huynh không biết con em mình học ở mức nào, mà nhận xét nhiều thì tốn thời gian suy nghĩ, tìm câu từ, viết sao cho chữ tương đối đẹp kẻo viết nhanh, ẩu thì khi BGH kiểm tra hay phụ huynh đọc được sẽ phê bình, chê trách.
Chỉ vậy thôi là cũng ngốn rất nhiều thời gian của giáo viên. Giờ ra chơi, hầu hết giáo viên lớp nào ngồi tại lớp đó làm một việc quen thuộc là nhận xét vở học sinh. Giờ nghỉ trưa, giáo viên cũng chẳng mấy khi được ngon giấc vì còn tranh thủ nhận xét vở học trò. Nếu nhận xét khoảng 10/50 cuốn vở mỗi tiết học thì lại lo những học sinh khác làm sai, không phát hiện kịp thời để chỉnh sửa, hoặc lo các em sẽ mất dần động lực học...
Vì thế, đa số giáo viên có tâm huyết sẽ “gồng mình” để cố gắng chấm và ghi nhận xét được nhiều vở học sinh nhất trong ngày. Có nơi BGH kiểm tra và nhắc nhở giáo viên phải nhận xét vở học sinh nhiều hơn, thường xuyên hơn nên giáo viên phải tranh thủ giảng bài xong, lúc học sinh làm bài tập là thầy cô ngồi nhận xét vở cho các em.
“Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi với anh 30” là câu mà giáo viên tiểu học chúng tôi hay chọc nhau. Với các giáo viên dạy môn chuyên trách có từ 20 đến 30 lớp, số học sinh lên tới cả nghìn em. Các giáo viên bộ môn chỉ có duy nhất 35 phút cho tiết học để còn sang lớp khác, vậy nên nhận xét vở học sinh là rất hạn chế và khó khăn.
Giáo viên luôn phải chóng mặt với việc ghi nhận xét, tất nhiên cũng phải tranh thủ trong tiết dạy chứ làm sao ôm hết vở học sinh về nhà được. Vì vậy, việc học sinh được nhận xét vở đều đặn cũng đồng thời là các em bị đánh cắp thời gian được nghe giáo viên giảng bài và kèm cặp tại lớp.
Với sổ theo dõi nhận xét học sinh, các giáo viên phải mang về nhà, tranh thủ viết vào thứ bảy, chủ nhật. Giáo viên chủ nhiệm cơ bản là nhận xét được, khá chính xác, nhưng cũng bằng những câu từ chung chung mà chắc chắn học sinh có được đọc thì các em cũng rất khó hình dung vì các “mỹ từ” ít gặp.
Giáo viên dạy môn chuyên trách thì nhắm mắt để nhận xét, nói chính xác là nhắm mắt chép cho xong, cho kịp, cũng bằng những câu từ nhận xét rất chung chung, vô thưởng vô phạt. Không ai chắc rằng giáo viên phải nhận xét nhiều học sinh quá, sẽ mang sổ nhận xét lên lớp, cho học sinh làm bài còn giáo viên tranh thủ ngồi chép cho kịp nộp. Và tất nhiên, thầy cô bận rộn với sổ sách còn học sinh bị đánh cắp thời gian.
Các giáo viên dạy lớp 1 mới là bất cập. Học sinh chưa thuộc bảng chữ cái, chưa biết đọc nên những lời nhận xét với các em lúc này gần như vô nghĩa. Không phải phụ huynh nào cũng có thời gian lật từng cuốn vở của con ra đọc nhận xét, không kể có phụ huynh đọc còn không thạo.
Thế nhưng các con số từ 1 đến 10 thì học sinh từ mẫu giáo mới lên lớp 1 cũng nhận biết được. Nhìn các em cầm cuốn vở với những dòng nhận xét của giáo viên, khuôn mặt thơ ngây không biểu cảm vui buồn, thật là muốn cười ra nước mắt.
Suốt một năm học toàn đánh giá bằng nhận xét, nhưng cuối kì I và cuối năm các em lại thi và đánh giá bằng điểm số. Đang vô tư với những lời nhận xét có cánh, các em phải lao vào một kỳ thi thật sự để giành những điểm số cao còn được khen thưởng chứ. Cha mẹ không biết ngày thường con học ở mức điểm mấy để ôn thi cho con.
Nỗi lo, sự hoang mang của phụ huynh tăng lên khi các kỳ thi đến. Lúc này, học sinh được cha mẹ “quan tâm đặc biệt” về chuyện học hành, vì cha mẹ nào cũng muốn con mình đạt điểm cao, nhất là trong một kỳ thi có tính quyết định duy nhất của một học kỳ, hay của cả một năm học.
Giáo viên cũng mong học sinh của mình tiến bộ, điểm thi cao thể hiện phần nào chất lượng giảng dạy cuả giáo viên. Thế nên, áp lực dồn cả vào học sinh trong các kỳ thi.
Vậy chất lượng học sinh sau một năm thực hiện thông tư 30 như thế nào? Căn cứ nào để xác định chất lượng học sinh năm nay so với năm trước? Điều này tôi xin trình bày ở một bài sau về chất lượng học sinh Tiểu học khi áp dụng thông tư 30.