Thi công chức: Thủ khoa, thạc sĩ 'xịn' trượt còn dài dài

Sau khi kiểm tra đề cương ôn tập và ngân hàng đề thi các năm trên mạng, tôi rất buồn khi nhận thấy tư duy thi cử vẫn không có gì thay đổi so với thời của tôi từ 20 năm trước.

Sau khi kiểm tra đề cương ôn tập và ngân hàng đề thi các năm trên mạng, tôi rất buồn khi nhận thấy tư duy thi cử vẫn không có gì thay đổi so với thời của tôi từ 20 năm trước.

Dư luận lại đang xôn xao với tin 50% người có bằng thạc sĩ nước ngoài trượt công chức thủ đô. Có dư luận cho rằng “Thi công chức đòi hỏi những khả năng mà các thủ khoa, thạc sĩ không có”, hàm ý nói đến khả năng chạy chọt, quan hệ… Nhưng những người tổ chức thì lại đổ cho thí sinh không tâm huyết, không chịu ôn tập cẩn thận. Một bạn còn cẩn thận gửi cho tôi đề cương ôn tập để tôi tin là nội dung kiểm tra là hợp lý và khá nhẹ, thí sinh nào trượt là do chủ quan và không chịu khó ôn thi thôi.

Thi công chức: Thủ khoa, thạc sĩ 'xịn' trượt còn dài dài

Thi tuyển công chức tại Cục Thuế Hà Nội phụ thuộc vào chỉ tiêu của Tổng cục Thuế đưa xuống các đơn vị. Ảnh: Nguyễn Khánh/Tầm nhìn

Tham khảo đề cương và những đề thi công chức các năm trước tôi nhớ lại kỷ niệm về lần thi giảng viên chính của mình. Tôi thi giảng viên chính khá muộn, khi đã là thạc sĩ và đi dạy được hơn 10 năm.

Theo quy chế, sau khi được tuyển dụng vào mức khởi điểm của ngạch giảng viên là trợ giảng, tối đa là 6 năm bạn phải thi giảng viên chính. Ở các trường đại học trên thế giới, trợ giảng chỉ giúp giảng viên điểm danh, phụ đạo hay coi thi, không được đứng lớp. Nhưng ở Việt Nam thì trợ giảng làm đủ mọi công việc như giảng viên, thậm chí còn nhiều hơn giáo sư. Nên sau hơn 10 năm làm “trụ cột” cho bộ môn, đi thi để được làm giảng viên thật rất khó hiểu, không biết thời gian qua thực ra mình đang làm gì?

Nhưng đã có thi thì có ôn. Chúng tôi được phát một tập tài liệu to bự, toàn các văn bản như Luật Giáo dục, các Thông tư, Quy chế… Cuộc thi gồm hai phần: thi viết và thi vấn đáp. Nội dung thi viết gồm môn chuyên môn (ngành Kinh tế là môn Kinh tế Chính trị), các văn bản và thi ngoại ngữ.

Phần thi ngoại ngữ với tôi là khá dễ nhưng phần thi Kinh tế Chính trị và kiểm tra các quy định của Nhà nước thì “khoai” hơn nhiều. Chúng tôi bị buộc phải học thuộc những văn bản dài lê thê, phân tích các văn bản Nhà nước về giáo dục như các văn kiện, quyền và nghĩa vụ của giảng viên…

Khách quan mà nói, kỳ thi đó cũng cho tôi cơ hội hiểu biết về Luật Giáo dục và những quy định cơ bản nhất cho nghề tôi. Nhưng phần đó quá nhỏ nhoi bên cạnh công sức bỏ ra học thuộc những văn bản mà hiếm khi dùng đến hoặc khi nào cần thì dễ dàng tra cứu.

Chúng tôi đều là người đi làm, bận rộn với gia đình, công việc và nhiều người đã mất thói quen học hành nên nhìn quyển tài liệu ôn tập rất ngại. Kỳ thi không đánh giá được kiến thức chuyên môn, khả năng lên lớp, nghiên cứu khoa học của chúng tôi mà chỉ kiểm tra khả năng học thuộc lòng. Chính vì vậy, kỳ thi công chức giảng viên nào các giám thị rất vất vả canh tài liệu, quay cóp… mà thi xong gần như không còn gì đọng lại trong đầu.

Trở lại kỳ thi công chức năm nay, sau khi kiểm tra đề cương ôn tập và ngân hàng đề thi các năm trên mạng, tôi rất buồn khi nhận thấy tư duy thi cử vẫn không có gì thay đổi so với thời của tôi từ 20 năm trước. Đề thi vẫn quá chú trọng đến học thuộc lòng các văn bản. Đành rằng những văn bản ấy hết sức cần thiết cho công việc nhưng cách học thụ động kiểu ấy làm thí sinh rất mệt mỏi mà không đi đến đâu, thi xong quên ngay.

Người tổ chức phải phát triển các đề thi yêu cầu tính sáng tạo như đưa ra các tình huống, yêu cầu thí sinh vận dụng các văn bản và kiến thức chuyên ngành để giải quyết vấn đề mới thực sự đánh giá được năng lực của thí sinh và kiến thức ôn tập mới có ích cho công việc sau này. Còn với cách thi cử này thì những người đỗ, cho dù đỗ ngay thẳng đi nữa cũng chỉ là người thụ động, giỏi học thuộc lòng, không chọn được người giỏi.

Thử tham khảo đề cương ôn tập tuyển công chức của Mỹ. Họ cũng đòi hỏi am hiểu các văn bản, quy định… nhưng yêu cầu nhiều về kiến thức chuyên môn dưới dạng kiểm tra thực hành, (performance tests, simulations, work samples, and realistic job previews), đặc biệt là những bài test về khả năng nhận thức, tính cách.

Các ứng viên cũng phải nộp các chứng nhận về Lý lịch tư pháp, tài chính… để đảm bảo tư cách. Có một câu rất đáng chú ý: “Employers should ensure that tests and selection procedures are not adopted casually by managers who know little about these processes. A test or selection procedure can be an effective management tool, but no test or selection procedure should be implemented without an understanding of its effectiveness and limitations for the organization, its appropriateness for a specific job, and whether it can be appropriately administered and scored”.

Nghĩa là “Người tuyển dụng phải đảm bảo việc sát hạch và quá trình tuyển dụng không phải do những người quản lý không hiểu biết công việc đặt ra. Việc sát hạch hay quy trình tuyển dụng là công cụ quản trị hiệu quả nhưng việc sát hạch hay quy trình tuyển dụng không được tiến hành nếu thiếu sự hiểu biết về hiệu quả và hạn chế của nó với tổ chức, sự phù hợp với công việc cụ thể hay khả năng quản lý và đánh giá phù hợp”.

Nếu căn cứ vào yêu cầu này của người Mỹ thì nên nghĩ thế nào về việc sát hạch và tuyển dụng vừa qua của Hà Nội? Rõ ràng việc kéo dài tình trạng thi những thứ không học; học những thứ không thi thế này thì chuyện người có thành tích học hành tốt ở các trường đại học trong và ngoài nước, các thạc sĩ 'xịn', thủ khoa... thi trượt công chức vẫn còn dài dài!

Theo Nguyễn Hoàng Ánh/ Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.