Vẫn còn hiện tượng giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh

Sáng 1/10, tổ công tác của Bộ GD-ĐT bất ngờ kiểm tra đột xuất một số trường tiểu học ở Hà Nội về công tác thu chi, học thêm - dạy thêm, tình trạng giao bài tập về nhà…

Sáng 1/10, tổ công tác của Bộ GD-ĐT bất ngờ kiểm tra đột xuất một số trường tiểu học ở Hà Nội về công tác thu chi, học thêm - dạy thêm, tình trạng giao bài tập về nhà… Với việc xuống các lớp trực tiếp hỏi học sinh nên nhiều bất cập đã “lộ diện”.

Trao đổi với Dân trí trước chuyến đi kiểm tra đột xuất, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết: Thời gian qua nhiều bậc phụ huynh đã có đơn thư phản ánh gửi trực tiếp về Bộ GD-ĐT, trong đó có cả thư gửi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Nội dung thư phản ánh không chỉ ở Hà Nội mà còn có nhiều tỉnh/thành phố khác. Sau khi tiếp nhận thư phản ánh, Bộ GD-ĐT đã chuyển thông tin cho các địa phương yêu cầu kiểm tra, xác minh và xử lý (nếu có sai phạm). Cũng để có thêm kênh kiểm chứng, Bộ GD-ĐT quyết định kiểm tra đột xuất không báo trước ở một số trường tiểu học mà có đơn thư phụ huynh phản ánh.

Trước thông tin một số trường tiểu học ở Hà Nội còn có những khoản thu chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng giao bài tập về nhà, tổ chức dạy thêm, học thêm…., tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã đột xuất đến trực tiếp một số trường kiểm tra. Sự xuất hiện của tổ công tác tạo sự bất ngờ lớn đối với Ban giám hiệu nhà trường cũng như Phòng GD-ĐT.

Ngoài việc kiểm tra các văn bản pháp lý về các khoản thu chi, các thành viên của tổ công tác trực tiếp xuống nhiều lớp để hỏi han, thăm dò học sinh thông qua các câu hỏi ngẫu nhiên, các câu hỏi vui, câu hỏi lồng ghép… Không chỉ kiểm tra những nội dung phụ huynh phản ánh, tổ công tác còn khảo sát sâu về tình hình thực hiện Thông tư 30 (đánh giá học sinh tiểu học), việc học thêm dạy thêm, tình trạng giao bài tập về nhà cho học sinh…


Chuyên viên của Bộ GD-ĐT xuống trực tiếp với học để trò chuyện, trao đổi với học sinh về tình trạng giao bài tập về nhà; dạy thêm, học thêm.
Chuyên viên của Bộ GD-ĐT xuống trực tiếp với học để trò chuyện, trao đổi với học sinh về tình trạng giao bài tập về nhà; dạy thêm, học thêm.

Một thành viên trong đoàn cho biết: Với việc xuống lớp trò chuyện và đặt ra những câu hỏi vui với học sinh thì không khó để phát hiện ra lớp đó có giao bài tập về nhà hay không, giáo viên có tổ chức dạy thêm hay không… Tuy nhiên, chúng tôi chỉ vẫn đánh giá đây là một hiện tượng chứ không quy kết. Trách nhiệm của nhà trường là phải kiểm tra và làm rõ để có hướng xử lý nghiêm minh.

Qua kiểm tra đột xuất một số trường tiểu học, Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn còn hiện tượng giao bài tập về nhà cho học sinh, vẫn có hiện tượng giáo viên tổ chức dạy thêm cho dù đã có cam kết với nhà trường là không tổ chức dạy thêm, học thêm.

Liên quan đến các khoản thu đầu năm, việc học tiếng Anh, việc tổ chức khảo sát đầu năm..., Bộ GD-ĐT đánh giá là Hà Nội thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của ngành của như của UBND Thành phố Hà Nội ban hành. Điều này được thể hiện qua văn bản lưu, chữ ký xác nhận của từng phụ huynh, tỷ lệ học sinh đăng ký học tiếng Anh ở phạm vi 20-30% cho thấy tinh thần tự nguyện chứ không phải là bắt ép. Tuy nhiên, tổ công tác cũng đề nghị các trường nên để cho phụ huynh tự nguyện viết đơn đăng ký tham gia học tiếng Anh hoặc các câu lạc bộ… chứ không nên in sẵn đơn gửi cho phụ huynh điền thông tin và xác nhận đồng ý hay không đồng ý.

“Việc làm này sẽ thể hiện được sự tự nguyện hoàn toàn của phụ huynh để tránh hiện tượng nhiều người cho rằng cứ có đơn gửi về là phu huynh phải đồng ý chứ không có lựa chọn nào khác” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT bày tỏ.

Từ những vấn đề kiểm tra thực tế, Bộ GD-ĐT quán triệt: Đối với các trường đã tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì tuyệt đối không giao bài tập về nhà cho học sinh, kể cả phụ huynh có nguyện vọng. Đối với dạy thêm, học thêm các môn văn hóa đối với bậc tiểu học thì không được phép. Các trường cần phải phối hợp với các tổ chức đoàn thể để giám sát, phát hiện việc dạy thêm, học thêm sai quy định để chấn chỉnh.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến khẳng định: Tất cả những hiện tượng mà Bộ GD-ĐT nêu ra, Sở đã nắm được trước đó và cũng đã quán triệt một cách quyết liệt. Tuy nhiên hiện nay vẫn có trường chưa thực hiện nghiêm túc quy định của ngành.

“Chúng tôi không chỉ bàn đến việc không được phép giao bài tập về nhà để nhằm củng cố kiến thức hoặc bồi dưỡng học sinh mà còn yêu cầu làm rõ những hiện tượng cố tình giao bài tập khó để cho phụ huynh lo lắng và buộc lại phải cho con đi học thêm” - Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến bày tỏ.

Cũng theo ông Tiến, hiện nay có tình trạng một số trường tổ chức trông giữ trẻ ngoài giờ nhưng biến tướng thành dạy thêm, học thêm. Thời gian tới, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ kiểm tra đột xuất cũng như trao đổi trực tiếp với học sinh, phụ huynh để nắm bắt thông tin. Nếu đơn vị nào làm sai quy định thì Sở GD-ĐT sẽ xử lý triệt để.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: Việc kiểm tra đột xuất, bất ngờ không chỉ được thực hiện ở Hà Nội mà còn được mở rộng tới các địa phương khác, nhất là các địa phương mà phụ huynh có đơn thư phản ánh về Bộ.Thông qua việc làm này, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các địa phương vào cuộc xử lý mạnh mẽ để chấn chỉnh những sai phạm gây bức xúc cho dư luận.

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.