Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây 'choáng'

Hiện nay các công trình nhà giả cổ không chỉ đáp ứng nhu cầu ở mà còn “rộ” lên thành thú chơi đắt đỏ và đẳng cấp của những đại gia có tiền.

Vài năm trở lại đây, thay vì chi tiền tỷ xây biệt thự đắt đỏ nhiều đại gia lại có thú chơi nhà giả cổ truyền thống. Giá cả tùy thuộc vào chất liệu gỗ, hoa văn và kiến trúc của căn nhà, tuy nhiên để có một căn nhà giả cổ hoàn chỉnh cả nội thất, gia chủ cũng phải chi không dưới vài tỷ đồng.

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-1Vài năm trở lại đây thú chơi nhà giả cổ được nhiều người ưa chuộng, xây dựng. Ảnh: Toàn Vũ


Yên – một thợ gỗ làng Thạch Thất (Hà Nội) cho hay, thú chơi nhà giả cổ nở rộ từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Trong đó, nhà giả cổ được chia làm 3 loại cơ bản gồm: nhà kẻ truyền Bắc Bộ, nhà rường Huế, nhà cổ Nam bộ.

Tùy từng vùng miền, điều kiện kinh tế mà gia chủ sẽ lựa chọn thiết kế các mẫu nhà phù hợp, tuy nhiên hiện nay nhà kẻ truyền Bắc Bộ được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất.

“Những ngôi nhà gỗ truyền thống có thể bình dân với 3 gian, 2 chái, mái lợp ngói vảy gần gũi, mộc mạc giá vài trăm triệu, cũng có thể cao sang hơn như những kiến trúc đình, phủ được chạm trổ rồng phượng uy nghi cả chục tỷ đồng”, Yên nói.

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-2Nội thất bên trong căn nhà theo lối kẻ truyền Bắc Bộ ở Hưng yên. Ảnh: Toàn Vũ


Giá của 1 căn nhà giả cổ phù thuộc vào chất liệu gỗ, diện tích xây dựng nhưng theo Yên, rẻ nhất là những công trình làm từ gỗ xoan, gỗ tạp, đắt và xa xỉ hơn là những loại gỗ cao cấp như: Đinh, Lim, Sến, Táu… Trước đây, để làm được một căn nhà giả cổ, phải mất vài năm gom gỗ, kén thợ nhưng hiện tại nguồn gỗ nhập phong phú cộng thêm sự hỗ trợ của máy móc, nên để hoàn thiện một căn nhà chỉ mất từ 3-6 tháng.

Gần chục năm gắn bó với nghề, Yên cho biết đã theo chân các chủ thầu đi khắp các tỉnh miền Bắc để xây dựng các công trình nhà giả cổ, trong đó tập trung nhiều nhất là ở các huyện ngoại thành Hà Nội như: Thạch Thất, Quốc Oai…

“Sở dĩ chỉ có dân vùng ven đô mới xây dựng nhà kiểu này vì nhà kẻ truyền thường yêu cầu một diện tích xây dựng lớn hơn các nhà hiện đại. Thậm chí, nhiều gia đình còn mua cả hecta đất để xây dựng đầy đủ điền viên ao cá, sân vườn… không khác gì biệt phủ của địa chủ, vua chúa ngày xưa”, Yên nói.

Thú chơi xa xỉ, thể hiện đẳng cấp của người chơi!

Minh, đại diện một đơn vị thiết kế nhà giả cổ ở Hà Nội cũng tiết lộ, hiện nay các công trình nhà giả cổ không chỉ đáp ứng nhu cầu ở mà còn “rộ” lên thành thú chơi đắt đỏ và đẳng cấp của những đại gia có tiền.

“Muốn chơi nhà giả cổ phải là những người có điều kiện. Vì để có được 1 ngôi nhà ưng ý, gia chủ không chỉ phải bỏ một khoản tiền lớn hoàn thiện nhà, mà còn phải sắm sửa đồ đạc, thiết kế sân vườn phù hợp với lối nhà truyền thống. Không ít đại gia bỏ cả trăm tỷ cho thú chơi xa xỉ và đắt đỏ này”, Minh nói.

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-3Các hoa văn chạm trổ theo lối nhà truyền thống. Ảnh: Hà Trang


 Theo Minh, đơn vị mình đang nhận thi công nhà ở cho một đại gia bất động sản ở khu vực Gia Lâm (Hà Nội). Ngôi nhà được xây dựng trên diện tích rộng gần 2.000 m2. Ngoài khu vực thờ, còn có 2 nhà gỗ cổ truyền thống được thiết kế nối liền với nhau thành một hệ thống nhà vườn đẳng cấp với tường bao, ao nước, cây cảnh quanh nhà.

“Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim nhập, các hoa văn được chạm trổ tinh tế bởi những thợ gỗ có tiếng của làng nghề Chàng Sơn. Chỉ tính riêng tiền gỗ đã lên tới cả chục tỷ đồng, đó là chưa kể phần nội thất cũng được gia chủ này đầu tư toàn bộ đồ đắt đỏ. Ước tính số tiền bỏ ra cũng lên tới cả trăm tỷ…”, Minh nói.

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-4Không chỉ lên ý tưởng thiết kế xây dựng nhà theo lối cổ, nhiều người còn lặn lội sưu tập các đồ cổ để bày biện trong nhà. Ảnh: Hà Trang


Ông Nguyễn Tiến Sơn hiện là sở hữu của một căn nhà giả cổ 3 gian 2 chái ở Quốc Oai (Hà Nội). Dù không tiết lộ chi phí xây dựng cụ thể, song theo ông Sơn, căn nhà được làm toàn bộ bằng gỗ lim nhập với khoảng 40 khối gỗ.

Để hoàn thành ngôi nhà, ông đã phải lặn lội cả năm trời đi khắp các tỉnh miền Bắc tham quan các ngôi nhà cổ để lên ý tưởng thiết kế, sau đó lại bỏ thời gian về tận làng nghề Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) để kén thợ giỏi.

Khi hoàn thiện căn nhà, ông Sơn còn chi tiền đầu tư gian thờ theo lối truyền thống với hoành phi, câu đối, cửa võng, cuốn thư… từ gỗ gụ quý hiếm. Đáng chú ý chiếc sập gụ gỗ cẩm nguyên khối được ông đặt mua từ nước ngoài đặt ở phòng khách đã có giá trên 3 tỷ đồng. 

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-5Căn nhà gỗ lim của đại gia Điện Biên


Theo ông Sơn một ngôi nhà giả cổ không chỉ dừng lại ở giá trị của không gian sống mà còn thể hiện được tinh thần văn hóa dân tộc và đẳng cấp của chủ nhà.

“Đã chơi nhà gỗ truyền thống là phải chơi cho chót, phải dành thời gian và tâm huyết. Nếu căn nhà theo lối cổ mà nội thất hiện đại, nửa vời thì cũng không ổn. Thời gian tới, tôi còn tính thiết kế thêm khu vườn quanh nhà theo đúng lối cổ với ang nước, tùng cúc, trúc mai 4 mùa xanh tốt”, ông Sơn nói.

Đại gia chơi nhà gỗ truyền thống, có căn 200 tỷ gây choáng-6Nhà gồm 2 tầng, 7 gian với tổng diện tích trải rộng gần 500 m2 được làm toàn bộ bằng gỗ lim ở Điện Biên.


Trước đó, căn nhà gỗ của đại gia ở Điện Biên cũng từng gây xôn xao dư luận gỗ lim được xem là lớn nhất Việt Nam. Nhà gồm 2 tầng, 7 gian với tổng diện tích trải rộng gần 500m2.

Đặc biệt, trên các tường gỗ được trang trí bằng 25 bức chạm trổ tinh xảo là các họa tiết dân gian như hoa cỏ, chim muông thú... Ước tính chi phí để hoàn thiện căn nhà lên tới hơn 200 tỷ đồng. Đây được xem là căn nhà gỗ hoành tráng và bề thề bậc nhất Việt Nam.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/bat-dong-san/dai-gia-choi-nha-go-truyen-thong-co-can-200-ty-dong-gay-choang-20200303114626825.htm

nhà cổ

nhà gỗ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.