Bí quyết giúp trẻ ăn ngon miệng, tránh tình trạng lười ăn, chậm lớn

Trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng nên thiếu hụt dinh dưỡng, tăng cân chậm, sức đề kháng yếu, hay ốm… Đó là vòng luẩn quẩn khiến không ít bố mẹ mệt mỏi và lo lắng trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con.

Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này? Tintuconline mời bạn đọc tham khảo một số phương pháp hữu ích dưới đây được các chuyên gia và phụ huynh có kinh nghiệm gợi ý.

Không ép trẻ ăn thái quá

Nhiều bố mẹ thấy con lười ăn nên sốt ruột, thường xuyên nhồi nhét và ép bé ăn nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết việc ép trẻ tiêu thụ quá mức thức ăn có thể làm trẻ áp lực, tăng sự kén chọn và khiến con bạn ăn ít hơn. Hơn nữa, những nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết trẻ em được coi là kén ăn sẽ phát triển tốt hơn trong vòng vài năm sau đó, cụ thể một khảo sát trên 4.000 trẻ em cho thấy tỷ lệ kén ăn ở tuổi lên 3 là 27,6% nhưng chỉ còn 13,2% ở tuổi lên 6.

Bí quyết giúp trẻ ăn ngon miệng, tránh tình trạng lười ăn, chậm lớn-1

Do vậy, dù việc đối mặt với một đứa trẻ kén ăn có thể khiến bạn nản lòng và lo lắng, nhưng hãy kiên nhẫn để tăng lượng ăn của trẻ từng chút một và mở rộng sở thích ăn uống của bé dần dần, giúp bé ăn ngon hơn mỗi ngày. Đừng thúc ép quá vì điều đó chẳng những không hiệu quả mà còn dễ dẫn đến tình trạng bé lười ăn, sợ ăn hơn

Tạo tâm lý thoải mái cho con khi ăn

Việc tạo tâm lý thoải mái cho con trẻ là là một trong những yếu tố quan trong giúp bé ăn ngon. Khi có một tâm lý thoải mái, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận thức ăn hơn thay vì các mẹ cứ cố ép trẻ ăn trong khi trẻ không muốn. 

Dường như tâm lý thoải mái (vui vẻ, thích thú) sẽ giúp trẻ quên đi mình phải ăn gì, do đó việc ăn không còn là tâm điểm đối với bé nữa, các mẹ có thể dễ dàng cho trẻ ăn mà không phải gặp các phản ứng khó chịu từ trẻ. Cụ thể, để giúp bé ăn ngon, các mẹ có thể làm những cử chỉ dễ thương khiến bé thích thú, tạo bầu không khí vui vẻ sôi động để bé hứng thú hơn với bữa ăn… 

Thiết kế thực đơn đa dạng, trang trí món ăn bắt mắt để kích thích trẻ thèm ăn

Để giúp bé ăn ngon tự nhiên thì các mẹ cũng nên thay đổi thực đơn hàng ngày cho trẻ, tránh cho trẻ ăn liên tục một món vì rất khiến trẻ ngán, không muốn ăn. Cho trẻ làm quen và ăn thức ăn mới cũng là một phần quan trọng để giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh và tăng khẩu vị cho trẻ. Hãy liên tục cho trẻ tiếp xúc với thức ăn mới bằng cách cho trẻ ăn một lượng nhỏ kèm vào khẩu phần thức ăn trẻ yêu  thích. Cho trẻ nếm thử một ít thức ăn mới, nhưng đừng ép nếu con bạn không chịu nếm thử.

Bên cạnh đó thì việc trình bày món ăn bắt mắt cũng sẽ giúp bé ăn ngon hơn. Chẳng hạn, mẹ hãy thêm các loại rau củ nhiều màu sắc như cắt nhỏ cà rốt, hành tây và nấm vào các món ăn hay tạo hình thù các con vật hoa lá vui nhộn bắt mắt để kích thích sự tò mò, khám phá ở trẻ. Khi đó, trẻ sẽ muốn ăn, muốn thử chúng. 

Bí quyết giúp trẻ ăn ngon miệng, tránh tình trạng lười ăn, chậm lớn-2

Cho bé tự chủ lựa chọn món ăn và cách ăn yêu thích 

Bên cạnh việc để trẻ được ăn những món ăn mình yêu thích, mình tự chọn lựa thì cách ăn cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn ngon của trẻ. Rất nhiều trẻ thích ăn bằng tay (bốc ăn) nhưng các mẹ đều bắt trẻ phải dùng muỗng để ăn, điều này sẽ làm giảm cảm giác muốn ăn ở trẻ (có thể là do trẻ sẽ phải mất một lượng lớn thời gian để lấy thức ăn khi dùng muỗng, chưa kể việc thức ăn bị đổ trong quá trình lấy,…).

Vì vậy để bé ăn ngon tự nhiên hơn, các mẹ nên cho trẻ thoải mái lựa chọn cách ăn. Nếu các mẹ lo ngại việc trẻ bốc thức ăn không hợp vệ sinh thì trước khi cho trẻ ăn, các mẹ nên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng để loại bỏ vi khuẩn. 

Cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị món ăn

Đưa trẻ đến cửa hàng tạp hóa và cho phép trẻ chọn một vài món tốt cho sức khỏe mà trẻ muốn thử. Việc này sẽ giúp giờ ăn trở nên vui vẻ và thú vị, mang lại cho trẻ sự hào hứng, giúp bé ăn ngon hơn. Mẹ cũng nên khuyến khích trẻ ngửi, sờ và quan sát các loại thực phẩm khác nhau.

Hãy để trẻ giúp bạn sắp xếp các bữa ăn chính và đồ ăn nhẹ bằng cách yêu cầu các bé hoàn thành các công việc an toàn, phù hợp với lứa tuổi, như rửa hoặc bóc sản phẩm hoặc sắp xếp thức ăn vào đĩa.

Tạo thói quen tập trung ăn uống, ngồi đúng tư thế khi ăn

Cách giúp bé ăn ngon không thể không kể đến chính là tạo thói quen tập trung ăn uống cho trẻ. Tập trung ăn uống ở đây có thể hiểu là đến bữa phải tập trung ăn, không được vừa ăn vừa chơi, vừa xem điện thoại,… Bởi vì khi trẻ sử dụng các thiết bị điện thoại, máy tính bảng hay coi ti vi,…trẻ chỉ sẽ tập trung vào trung vào chúng. Chính điều này sẽ khiến cho trẻ ăn không ngon miệng, ăn qua loa cho xong bữa, biếng ăn, lười ăn,… 

Bên cạnh đó, hãy luôn cho trẻ ngồi vào bàn ăn khi dọn bữa chính hoặc bữa phụ. Điều này mang lại sự nhất quán và cho bé biết rằng đây là nơi để ăn uống, không phải vui chơi. Để đảm bảo con bạn ngồi thoải mái để trẻ ăn ngon, hãy đảm bảo bàn ăn ngang với bụng, sử dụng ghế nâng nếu cần thiết.

Cho trẻ ăn đúng giờ

Trong những tháng đầu đời, hãy nhớ rằng em bé của bạn tự do hơn với nhu cầu của chính mình. Nếu bé đói, hãy cho bé ăn. Tuy nhiên, khi bé lớn hơn, bạn có thể bắt đầu thiết lập giờ ăn. Duy trì một thói quen có tổ chức cho giờ ăn là điều bắt buộc để con bạn có thói quen ăn uống điều độ.

Theo dõi đồng hồ và cho trẻ ăn đều đặn, đúng giờ sẽ giúp trẻ ăn ngon và tăng cân. Đừng bỏ bữa ngay cả khi bạn phải đi ra ngoài. Mang theo đồ ăn nhẹ bên mình để bạn có thể cho trẻ ăn theo thời gian quy định.

Bí quyết giúp trẻ ăn ngon miệng, tránh tình trạng lười ăn, chậm lớn-3

Bổ sung vitamin và khoáng chất

Vitamin và khoáng chất là những nguyên tố thiết yếu cho sự phát triển của trẻ nhỏ, nó tham gia vào các quá trình biến đổi sinh học trong cơ thể. Thiếu chúng cơ thể sẽ có những biểu hiện chán ăn hay mệt mỏi. Bên cạnh đó, kẽm (Zn) còn là yếu tố kích thích ăn ngon. 

Vì vậy các mẹ nên bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ một cách đầy đủ để giúp bé ăn ngon tự nhiên hiệu quả hơn. Vitamin và khoáng chất có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, các loại rau xanh, quả chín, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân,…), các loại đậu (đậu nành, đậu phộng, đậu cô ve, …), ngũ cốc, lúa mì,…Với mỗi loại thực phẩm khác nhau thì lượng vitamin và khoáng chất trong đó cũng khác nhau. Do đó các mẹ cần tham khảo chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn và lượng vitamin, khoáng chất phù hợp để bổ sung cho trẻ đúng cách. 

Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, các món ăn vặt không lành mạnh

Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích và thịt nguội luôn sẵn có và ngày càng phổ biến ở nhiều gia đình. Tuy nhiên, ăn thực phẩm chế biến sẵn làm tăng lượng natri, đường hoặc chất béo bão hòa. Ăn quá nhiều natri, đường hoặc chất béo bão hòa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính.

Hoặc một số đồ ăn vặt không lành mạnh như bim bim, khoai tây chiên, bánh kẹo, kem,… chứa rất nhiều đường hóa học, chất béo,….Việc sử dụng chúng chính là một trong những yếu tố nguy cơ gây nên bệnh béo phì ở trẻ nhỏ. 

Bên cạnh đó, đồ ăn vặt chứa một lượng lớn calo, việc cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn sẽ khiến trẻ có cảm giác no, do đó khi đến bữa trẻ sẽ lười ăn hay không muốn ăn nữa. Vì vậy, các mẹ nên cho trẻ tránh xa các món ăn vặt trước bữa ăn, hãy để cho trẻ có cảm giác đói, khi đó trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn.

Cho trẻ uống nước trước bữa ăn 30 phút

Khuyến khích con bạn uống nước hoặc cho bé uống 1 hoặc 2 ly trước giờ ăn 30-60 phút để hỗ trợ tiêu hóa. Hãy tạo thói quen uống nước cho bé ngay khi thức dậy và trước giờ ăn để bé nhanh chóng cảm thấy đói và giúp bé ăn ngon miệng hơn.

Nhớ đừng uống quá gần trước hoặc sau bữa ăn vì nước sẽ làm loãng dịch tiêu hóa. Bạn có thể bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm mọng nước ngon miệng và bổ dưỡng khác như táo, anh đào, nho, cam, cà chua, dứa…

Bí quyết giúp trẻ ăn ngon miệng, tránh tình trạng lười ăn, chậm lớn-4

Vận động và hoạt động thể thao hợp lý giúp bé ăn ngon

Vận động và hoạt động thể thao hợp lý không chỉ giúp cho trẻ có sức khỏe tốt mà nó còn là một trong những yếu tố giúp bé ăn ngon tự nhiên hiệu quả bởi vì vận động sẽ giúp trẻ tiêu tốn nhiều năng lượng, khiến cho trẻ đói nhanh, do đó trẻ sẽ có cảm giác ngon miệng hơn.

Việc tập thể dục nên bắt đầu sớm. Hãy tạo những nơi an toàn để con bạn có thể học cách bò, đi bộ, chạy, đạp xe, chơi thể thao (tùy theo độ tuổi)… Lưu ý bố mẹ nên thực hiện cùng con để vừa tăng hứng thú vừa đảm bảo an toàn cho bé. Hãy biến những buổi vận động thành những ngày vui chơi năng động hay tập thể dục cùng gia đình hàng ngày. Điều đó không chỉ giúp trẻ có thể đạt được cân nặng hợp lý mà còn khiến trẻ năng năng động hơn ngay từ nhỏ và cả khi trưởng thành.

Theo V.K - Vietnamnet


chăm sóc con

Nuôi Dạy Con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.