Rùng mình nhìn giun kim lúc nhúc trong đại tràng bé trai, bố mẹ đã nhớ lịch tẩy giun định kì cho con hay chưa?

Hình ảnh nội soi cho thấy đại tràng bé trai có rất nhiều giun kim, nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng, đi ngoài trước đó.

Mới đây, bác sĩ Hà Văn Tước (Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ) đã chia sẻ hình ảnh kí sinh trùng giun kim trong đại tràng của 1 bé trai 13 tuổi khiến người xem rùng mình.

Trước khi nhập viện, bé có các triệu chứng như đi ngoài phân nhão, đau bụng từng cơn, không nôn, không sốt. Bác sĩ đã chỉ định nội soi đại tràng gây mê cho bé. Hình ảnh nội soi cho thấy có rất nhiều kí sinh trùng giun kim trong đại tràng của bé.

Rùng mình nhìn giun kim lúc nhúc trong đại tràng bé trai, bố mẹ đã nhớ lịch tẩy giun định kì cho con hay chưa?-1Rất nhiều giun kim trong đại tràng bé trai 13 tuổi.

Triệu chứng trẻ bị nhiễm giun

Nhiễm giun đường ruột là là tình trạng thường gặp ở trẻ em, có thể gây ra những triệu chứng đau bụng, còi cọc, biếng ăn, thiếu máu, thậm chí biến chứng tử vong. Triệu chứng điển hình nhất khi trẻ bị nhiễm giun là đau bụng giun. Ngoài ra, bố mẹ có thể nhận biết một số triệu chứng khi con bị nhiễm giun như sau:

- Đau bụng vùng rốn, trẻ gầy yếu, nôn ra giun, đi ngoài ra giun. Đau bụng giun thường tái đi tái lại nhiều lần.

- Trẻ bị rối loạn tiêu hóa, phân lúc cứng lúc lỏng, có thể thấy giun ở hậu môn hoặc trong phân.

- Trẻ biếng ăn, khó chịu, khó ngủ vào ban đêm.

- Trẻ gái có thể bị mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.

Rùng mình nhìn giun kim lúc nhúc trong đại tràng bé trai, bố mẹ đã nhớ lịch tẩy giun định kì cho con hay chưa?-2Khi giun móc chui qua da, trên người trẻ sẽ xuất hiện những nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ (Ảnh minh họa).

Làm gì khi phát hiện trẻ bị nhiễm giun?

Trẻ có thể bị nhiễm nhiều loại giun khác nhau như giun đũa, giun kim, gin móc, giun tóc. Trong đó, phổ biến nhất là trẻ bị nhiễm giun kim, nó có thể khiến trẻ bị ngứa dai dẳng, quấy khóc, khó ngủ và thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.

Trong khi đó, những trẻ sống ở vùng nông thôn do tiếp xúc nhiều với đất cát, phân bón lại dễ bị nhiễm giun móc. Đây được coi là "ác thủ hút máu", khi giun móc chui qua da, trên người trẻ sẽ xuất hiện những nốt hồng ban dị ứng hoặc các mụn nhỏ. Và ở giai đoạn ấu trùng qua phổi thì xuất hiện triệu chứng ho, ngứa, viêm họng. Trẻ nhiễm giun móc lâu dài có thể thiếu máu nặng và tử vong do suy tim.

Khi nhận thấy con có một trong các triệu chứng bị nhiễm giun trên, bố mẹ cần đưa đi khám ngay để được điều trị sớm.

Rùng mình nhìn giun kim lúc nhúc trong đại tràng bé trai, bố mẹ đã nhớ lịch tẩy giun định kì cho con hay chưa?-3Nên tẩy giun định kì cho trẻ 1 tuổi trở lên mỗi 6 tháng 1 lần (Ảnh minh họa).

Các biện pháp phòng chống nhiễm giun cho trẻ

Ngoài ra, cha mẹ cần thực hiện nghiêm chỉnh những cách phòng ngừa nhiễm giun sau:

- Tẩy giun cho trẻ ngay khi xét nghiệm phân có nhiều trứng giun hoặc đi ngoài ra giun, nôn ra giun, hậu môn có giun.

- Tẩy giun định kì cho trẻ từ 1 tuổi trở lên, 6 tháng 1 lần, sử dụng các loại thuốc có tác dụng với nhiều loại giun khác nhau, ít độc và ít tác dụng phụ. Nếu trong gia đình có 1 người bị nhiễm giun, nên tẩy giun cho cả nhà.

- Hình thành cho trẻ thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng phải thực hành thói quen này.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi: Uống nước đun sôi để nguội, ăn rau đã nấu chín và gọt vỏ hoa quả trước khi ăn.

- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, không đi chân đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da, không cho trẻ bò lê dưới đất cát, cắt móng tay cho trẻ thường xuyên.

Một số loại thuốc tẩy giun phổ biến phù hợp cho trẻ

Bộ Y tế hướng dẫn bố mẹ có thể tự tẩy giun cho con định kỳ bằng các loại thuốc tẩy giun phổ biến sau:

1. Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.

2. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg liều duy nhất.

Các loại thuốc trên được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của trẻ để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất.

Một số phản ứng phụ ít gặp sau khi dùng thuốc là trẻ có thể đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy thoáng qua, những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ tự khỏi. Một số rất ít trường hợp trẻ có thể có phản ứng dị ứng với thuốc như phát ban, ngứa, nổi mề đay. Khi đó, nên đưa bé đi khám để được bác sĩ tư vấn cách xử lý phù hợp.

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/rung-minh-nhin-giun-kim-luc-nhuc-trong-dai-trang-be-trai-bo-me-da-nho-lich-tay-giun-dinh-ki-cho-con-hay-chua-220326

Nuôi con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.